Từ vài năm trước, dịch sởi đã âm thầm gặp nhấm, tàn phá nhiều cộng đồng dân cư, kể cả ở các nước phát triển và cả những quốc gia không phát triển. Năm 2014, dịch sởi bắt đầu bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hệ thống y tế Philippines trong tình trạng quá tải vì dịch sởi.
Các nước châu Á
Chỉ trong 3 tháng đầu tiên của năm 2014, Philippines đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc sởi. Theo thông báo Bộ Y tế Philippines, từ đầu tháng 1/2014 đến ngày 22/02/2014, đã có 3.734 trường hợp mắc sởi, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Hơn nửa số trường hợp mắc sởi nói trên (1.792 ca) được ghi nhận tại khu vực Thủ đô của Philippines, tiếp theo là các vùng Calabazon với 820 ca nhiễm, Central Luzon với 386 ca. Ngoài ra, Philippines đang chờ kết quả xác định của 9.586 trường hợp nhiễm sởi được báo cáo trên cả nước.
Dịch sởi ở Philippines được cộng đồng quốc tế chú ý hơn bởi nó không chỉ gây dịch ở trong nước mà nó còn tạo thành “đường lan truyền” ra nhiều nước khác qua khách du lịch. Các cơ quan y tế của các quốc gia như Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Anh, Mỹ đã xác nhận có các trường hợp là khách du lịch trở về từ Philippines mang theo virus sởi.
Bộ Y tế Singapore cho biết, 23 công dân Singapore bị lây nhiễm sởi khi đi du lịch Philippines hồi tháng 1/2014. Tính từ đầu năm đến nay Singapore ghi nhận 80 trường hợp mắc sởi, cao hơn so với 2 năm trước đó. Năm 2012, Singapore có 46 trường hợp, năm 2013 có 38 người mắc sởi.
Bộ Y tế Singapore cho rằng khả năng bùng phát thành dịch tại nước này năm 2014 là khó xảy ra do phần lớn người dân đã được tiêm phòng vaccin sởi. Đối với những trường hợp mắc sởi, giới chức Singapore cho biết, một nửa số trường hợp mắc sởi là trẻ em do không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Để đối phó với dịch sởi đang hoành hành tại Philippines, Bộ Y tế Philippines và Tổ chức Y tế thế giới đang triển khai các hoạt động để khống chế bùng phát dịch bao gồm cả chiến dịch tiêm vắc xin sởi.
Trong chiến dịch tiêm vắc xin này, Bộ Y tế Philippines đã nhận được hỗ trợ 5 triệu liều vắc xin sởi – rubella (MR) do Hoàng tử Xứ Wales tặng. Đây là một phần trong số vắc xin cần thiết để sử dụng cho khoảng 13 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới cho đến tháng 9/2014.
Trẻ em là đối tượng dễ bị sởi tấn công nhất.
Các châu lục khác
Trong khi đó tại nước Mỹ- đất nước cho là đi đầu trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ cũng đang phải đối mặt với bệnh sởi quay trở lại. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm tại Mỹ có khoảng 60 người mắc sởi.
Riêng trong năm 2013, đã có 189 trường hợp mắc sởi và là năm có số lượng bệnh nhân nhiều thứ hai kể từ khi bệnh sởi được thanh toán tại Mỹ vào năm 2000. Khoảng 28% trong số các bệnh nhân này đã bị mắc bệnh từ các nước khác và mang virus sởi về Mỹ, làm lây nhiễm cho những người khác. Từ năm 1996 đến nay, đã xảy ra 11 vụ dịch sởi tại một số bang của Mỹ, trong đó có vụ dịch lớn nhất với 58 trường hợp nhiễm.
Hiện theo thông báo mới nhất cập nhật vào ngày 31/3, virus sởi đang âm thầm xuất hiện tại nhiều tiểu bang như California, New Yorrk, Masachusetts, đảo Rhode, Pennsylvania, đặc biệt là một ổ dịch sởi ở miền Nam California với 49 trường hợp được xác nhận. Tuy nhiên số ca mắc sởi chủ yếu là các đối tượng trẻ em chưa đủ tuổi tiêm chủng hoặc đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng.
Làm gì trước dịch sởi ?
Năm 2000, Mỹ đã thông báo loại trừ bệnh sởi, do đó không còn lây lan hằng năm tại nước này. Tuy nhiên, bệnh sởi vẫn là bệnh thường gặp ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm các quốc gia tại châu Âu, châu Á, châu Thái Bình Dương và châu Phi.
Những người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi đều có nguy cơ mắc sởi khi đi du lịch nước ngoài. Họ có thể mang vi rút sởi khi trở về nước và làm lây nhiễm cho người khác. Những người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi sẽ có nguy cơ mắc sởi và dễ có biến chứng nặng khi mắc sởi.
Benh.vn. (Theo SKĐS)