Trong cơ thể chúng ta, tế bào gốc là những tế bào tiền thân có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể, nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già, chết tự nhiên, hoặc do bệnh lý. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người muốn lưu trữ tế bào gốc để sau này dùng chữa bệnh.
Mục lục
Trường hợp ghép tế bào gốc đầu tiên
Trường hợp ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn đầu tiên được thực hiện vào tháng 10 năm 1988, bởi bác sĩ Eliane Gluckman – Bệnh viện Saint Louis – Paris – Pháp, trên bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi, từ máu cuống rốn của em gái sơ sinh của bệnh nhân. Sau ghép tủy mọc tốt, bệnh nhân khỏi bệnh và cho đến nay bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng sức khỏe ổn định. Từ đó, máu cuống rốn được sử dụng ngày càng nhiều để ghép trên lâm sàng như là một nguồn tế bào gốc để thay thế tủy xương.
Đến nay, trên thế giới đã có nhiều ngân hàng máu cuống rốn được thành lập và cũng đã thực hiện ghép nhiều ca máu tuống rốn đồng ghép và dị ghép. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội ngân hàng MCR quốc tế NETCORD, đến quí 2 năm 2011, 194.121 đơn vị MCR được lưu trữ trong các Ngân Hàng MCR thuộc hệ thống NETCORD và 9.358 trường hợp ghép tế bào gốc máu dây rốn được tiến hành trên bệnh nhân trẻ em và người lớn từ nguồn người cho có quan hệ đồng huyết thống hoặc không đồng huyết thống được thực hiện trên khắp thế giới từ các đơn vị tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ tại các Ngân Hàng MCR thuộc hệ thống NETCORD.
Lưu trữ hàng ngàn mẫu tế bào gốc
Gần 20 năm qua, VN đã thực hiện khoảng 350 ca ghép tế bào gốc các loại… Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%
BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu – Huyết học TP.HCM, cho biết: “Điều kiện kinh tế phát triển và ngày càng có nhiều người biết đến ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong trị bệnh, nên gần đây có nhiều người đến BV hỏi về lưu trữ TBG máu cuống rốn. Hiện BV đang lưu trữ 700 mẫu TBG máu cuống rốn dạng dịch vụ và 2.300 mẫu dạng cộng đồng. Dạng cộng đồng là BV tự lấy mẫu lưu trữ dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân khi cần; còn dạng dịch vụ là người dân tự đem gửi có đóng phí, để dùng cho riêng cá nhân họ, khi cần”.
Từ tháng 3.2014, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư (Hà Nội) cũng bắt đầu triển khai ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng, đến nay đã có 550 mẫu TBG được lưu trữ; và đã có 7 bệnh nhân mắc bệnh về máu tìm được mẫu TBG phù hợp từ ngân hàng này. Tại đây bình quân mỗi ngày tiếp nhận và xử lý 4 – 6 mẫu TBG máu cuống rốn.
Lưu trữ máu cuống rốn làm gì ?
Theo các BS, máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ – là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Trước đây, dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé mới sinh, được xem là rác thải y tế, bỏ đi, nhưng về sau này máu cuống rốn được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ để khi cần có thể lấy ra chữa bệnh cho chính đứa trẻ đó, hoặc cho các thành viên trong gia đình.
Từ những năm đầu của thập niên 1980, các nhà chuyên môn xác định máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa một nguồn dồi dào TBG hệ tạo máu có thể thay thế cho TBG tủy xương, TBG máu ngoại vi trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu. Gần đây người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm TBG trung mô và biểu mô có trong máu cuống rốn và ghép TBG máu cuống rốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa khác như bệnh lý da, giác mạc, tim mạch, xương khớp, thần kinh, tiểu đường…
Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hóa, tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp, nhưng kết quả sau cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hóa, tổn thương. Chính các TBG sẽ được dùng tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Vì thế điều trị bằng TBG chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.
Việt Nam đã ứng dụng tế bào gốc vào điều trị những bệnh gì ?
BV Truyền máu – Huyết học TP.HCM là nơi tiên phong trong nước về ứng dụng TBG vào chữa bệnh. Năm 1995, ca ghép TBG tủy xương đầu tiên tại VN được thực hiện tại BV này, điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu mãn dòng tủy), đến nay người bệnh này vẫn còn sống. Đây là cột mốc quan trọng trong ứng dụng TBG trong nước.
Đến năm 1996, BV Truyền máu – Huyết học TP tiếp tục ghép TBG máu ngoại vi điều trị cho bệnh nhân ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tủy). Và năm 2002, BV này tiếp tục là nơi đầu tiên trong nước ghép thành công TBG máu cuống rốn, điều trị cho bệnh nhân thiếu máu di truyền.
Số lượng các ca ghép tế bào gốc đã thực hiện ở Việt Nam
Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 340 ca ghép TBG (gồm TBG máu cuống rốn, TBG tủy xương và TBG máu ngoại vi), trong đó BV Truyền máu – Huyết học TP.HCM chiếm nhiều nhất – với 165 trường hợp.
Theo TS-BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc – Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, cho biết thêm: “Gần 20 năm qua, VN đã thực hiện khoảng 350 ca ghép TBG các loại. So với Nhật Bản thì đây là con số khiêm tốn, vì chúng ta còn hạn chế nguồn TBG hiến, TBG phù hợp với người bệnh. Tại Nhật, các năm gần đây, trung bình mỗi năm có 3.500 ca được điều trị bằng ghép TBG, trong đó 47% các trường hợp ghép là TGB máu cuống rốn. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng ghép TBG điều trị bệnh về máu khoảng 70%”.
Theo BS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, việc ghép TBG điều trị một số bệnh ác tính hệ tạo máu đã được ứng dụng thành công tại viện này. “Để ghép TBG, cơ sở y tế có thể lấy từ nguồn hiến là người thân nhưng việc này rất khó khăn bởi người phù hợp không phải lúc nào cũng đủ điều kiện sức khỏe cho phép thực hiện hiến TBG (lấy từ tủy xương). Với nguồn TBG do ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng cung cấp cũng có thể đủ điều kiện cho ghép trên người bệnh không cùng huyết thống. Bởi vì ghép TBG trong cùng chủng tộc thì cũng có một tỷ lệ phù hợp. Trước khi ghép các trường hợp sẽ được làm các xét nghiệm để xác định mức độ phù hợp”, BS Khánh nói.
BS Phù Chí Dũng nói: “Hiện tại với một mẫu TBG máu cuống rốn sẽ dùng điều trị được cho một người cân nặng từ 20 – 30 kg. Các nhà chuyên môn đang nghiên cứu để nhân lên nhiều lần từ một mẫu TBG máu cuống rốn trước khi ghép điều trị. Việc ứng dụng TBG máu cuống rốn ngày càng hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng trong điều trị nhiều loại bệnh ung thư, di truyền, tiểu đường…”.
Theo TNO