Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Vậy liệu có cách điều trị bệnh đái tháo đường không dùng thuốc hay không?
Mục lục
- 1 Chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường
- 2 Thế nào là chế độ ăn uống lành mạnh
- 3 Người bệnh tiểu đường nên ăn như thế nào
- 4 Lựa chọn “thông minh” trong ăn uống
- 5 Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
- 6 Lưu ý trước khi bắt đầu chế độ luyện tập
- 7 Tập luyện an toàn và hiệu quả
- 8 Những nguy cơ và cách đề phòng bệnh
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế, năm 2011 toàn thế giới có 366 triệu người bị mắc bệnh ĐTĐ, chiếm 8,3% dân số thế giới.
Để kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ, bên cạnh dùng thuốc để làm giảm lượng đường trong máu, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Đây là các biện pháp điều trị không dùng thuốc cần được áp dụng trong suốt quá trình bị bệnh. Đối với những người mới mắc, nếu thực hiện tốt chế độ ăn uống và luyện tập cũng có thể kiểm soát tốt đường máu mà chưa cần phải dùng thuốc.
Chế độ ăn cho người bị bệnh tiểu đường
Đóng góp một vai trò rất lớn trong kiểm soát bệnh ĐTĐ, luôn là chỉ định đầu tiên trong kế hoạch điều trị bệnh. Chế độ ăn cho người ĐTĐ không phải là chế độ “ăn kiêng” đặc biệt, người bệnh không phải kiêng tuyệt đối một loại thực phẩm nào đó mà vấn đề là ăn như thế nào? ăn bao nhiêu? và ăn khi nào?
Thực hiện chế độ ăn tốt trong ĐTĐ không gì khác ngoài một chế độ ăn lành mạnh, có thể áp dụng cho tất cả mọi người muốn có một sức khoẻ tốt. Không có một chế độ ăn duy nhất nào phù hợp với mọi bệnh nhân ĐTĐ vì cần phải linh hoạt điều chỉnh cho từng đối tượng tuỳ thuộc tuổi, giới, nghề nghiệp, tình trạng bệnh, sở thích…, tuy nhiên có những nguyên tắc chung mà người bệnh cần biết để áp dụng linh hoạt cho bản thân.
Thế nào là chế độ ăn uống lành mạnh
– Đảm bảo đủ và cân đối về năng lượng và các thành phần chất dinh dưỡng cho nhu cầu tăng trưởng, phát triển và duy trì sức khoẻ.
– Điều chỉnh tuỳ theo mức độ hoạt động thể lực hàng ngày của mỗi cá nhân.
– Phù hợp với sở thích, thói quen và điều kiện kinh tế và xã hội của mỗi người.
– Thực đơn cần linh hoạt và đa dạng.
– Giúp kiểm soát đường máu đạt mục tiêu.
– Duy trì cân nặng ở mức độ cho phép.
– Ngăn ngừa bệnh tật: tim mạch, huyết áp, rối loạn mỡ máu, ung thư…
Người bệnh tiểu đường nên ăn như thế nào
– Ăn đúng giờ mỗi ngày, không bỏ bữa.
– Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nhưng không ăn vặt.
– Ăn cùng một lượng mỗi ngày.
– Ăn cùng một lượng chất bột đường mỗi bữa.
– Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm mỗi ngày, mỗi bữa.
Lựa chọn “thông minh” trong ăn uống
– Lựa chọn thực phẩm có nhiều chất xơ, ăn nhiều đạm có nguồn gốc thực vật, ít chất béo, đặc biệt chất béo bão hoà, các loại thực phẩm có chỉ số tăng đường máu (GI) thấp.
– Chế biến thực phẩm chú trọng luộc, hấp, áp chảo, hạn chế đồ rán, xào, sử dụng các loại gia vị và nước xốt ít béo, ít muối và đường. Ăn trái cây nguyên quả, không ép nước
– Đa dạng hoá thực phẩm trong ngày và trong từng bữa ăn.
Mô hình đĩa hợp lý áp dụng cho bữa ăn
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
sẽ cải thiện sức khoẻ nói chung và giúp chống lại bệnh tật, nhất là bệnh tim mạch, xương khớp. Tập luyện làm tăng cường sinh lực, giảm cân và giảm đường máu nên được coi là một biện pháp quan trọng trong điều trị bệnh nhân ĐTĐ.
Lưu ý trước khi bắt đầu chế độ luyện tập
Người bệnh ĐTĐ, trước khi áp dụng một chế độ tập luyện TDTT, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để có được lời khuyên về chế độ tập luyện TDTT cụ thể và thích hợp, về việc lựa chọn môn thể thao nào, cường độ và thời gian luyện tập ra sao, có điều gì phải tránh, lưu ý những gì khi tập…
Tập luyện an toàn và hiệu quả
– Lựa chọn hình thức phù hợp với tình trạng sức khoẻ và sở thích.
– Tập luyện bắt đầu từ từ, tăng dần về thời gian, cường độ. Trong khi tập luyện, phải luôn “lắng nghe cơ thể “ để tự điều chỉnh mức độ tập theo tình trạng của bản thân. Nếu tập quá nhanh, quá mạnh hoặc quá lâu có thể gây đau đớn hay kiệt sức, điều này có thể gây chấn thương, làm nặng thêm các biến chứng sẵn có, thậm chí đe doạ tính mạng.
– Một bài tập tốt bao gồm 3 giai đoạn:
+ Bắt đầu khởi động 5 – 10 phút: làm nóng cơ thể bằng những động tác co duỗi nhẹ nhàng, chậm rãi.
+ Phần chính của bài tập: ít nhất là 20 đến 30 phút. Tập với cường độ mạnh hơn nhưng chú ý không quá gắng sức gây thở dốc, mệt lả hay căng cơ bắp quá mức (vẫn có thể nói chuyện với người cùng tập). Mục tiêu của giai đoạn này là đạt tới nhịp tim tăng thêm trong khoảng 50% đến 70% nhịp tim dự trữ.
Nhịp tim dự trữ = Nhịp tim tối đa – Nhịp tim lúc nghỉ
Nhịp tim tối đa = 220 – Tuổi
Nhịp tim lúc nghỉ: nhịp đo lúc vừa ngủ dậy, chưa ra khỏi giường
(Không áp dụng cho những người có biến chứng thần kinh tự động hoặc dùng các thuốc tim mạch ảnh hưởng tới nhịp tim).
+ Kết thúc bài tập: 5 đến 10 phút thả lỏng, giãn gân cốt . Không nên kết thúc đột ngột mà phải tiếp tục vận động chậm dần để cho nhịp tim, nhịp thở giảm dần, cơ bắp thả lỏng dần.
– Để đạt hiệu quả, tập ít nhất 3, 4 lần mỗi tuần
– Có thể kết hợp một số hình thức tập khác nhau xen kẽ giữa các ngày trong tuần.
Những nguy cơ và cách đề phòng bệnh
– Người có bệnh lý võng mạc tăng sinh thì tập TDTT có thể làm tăng xuất huyết võng mạc, bong võng mạc dẫn đến giảm thị lực thậm chí có thể mù nên cần phải được phát hiện và điều trị trước khi bắt đầu luyện tập. Không nên tập cường độ mạnh.
– Với người có biến chứng TK ngoại biên và bệnh lý bàn chân có thể bị sang chấn phần mềm, khớp và bàn chân do giảm hoặc mất cảm giác. Vì thế cần tránh các môn như chạy, đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu mạnh. Cần chọn giày thích hợp, sau mỗi lần tập phải kiểm tra kỹ bàn chân xem có những nốt phồng đỏ, xây xát, các nốt phỏng, đau, ngứa…
– Những người béo phì hoặc có bệnh về xương khớp (thoái khớp, loãng xương) khi tập nặng thì sẽ có nguy cơ gãy xương, tổn thương khớp cao hơn, nên tập từ từ , tăng dần mức độ trong thời gian dài.
– Người có bệnh tim mạch, THA tập nặng nguy cơ bị biến cố như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… sẽ tăng lên. Những người này cần được kiểm tra tim mạch, xét nghiệm pháp gắng sức trước khi đặt chế độ tập luyện. Cần tránh những bài tập đối kháng hoặc căng cứng cơ. Với những người phục hồi sau đột quỵ, NMCT cũng có thể tập từ từ, bắt đầu từ việc tăng dần các hoạt động thường ngày và làm việc nhà (ví dụ leo cầu thang).