Theo thống kê, ở thời điểm những năm 60, 70 số người mắc các bệnh về mắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hiện tại. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân do đời sống phát triển, con người luôn tiếp xúc với các thiết bị điện tử như vô tuyến, ipad, điện thoại di động…Bởi vậy, các bác sĩ nhãn khoa cảnh báo khi con trẻ có các biểu hiện nheo mắt liên tục cần được đi thăm khám để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh…
Mục lục
Tỷ lệ học sinh đeo kính gia tăng
Trên 50% học sinh mắc tật khúc xạ
Tật khúc xạ (TKX) bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị thường gặp ở mắt đang ngày càng gia tăng trong nhịp sống hiện đại gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhìn của con người.
Theo thống kê, kết quả khám sàng lọc cho học sinh tại các trường học ở 9 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội do Bệnh viện Mắt quốc tế DND thực hiện cho thấy, tỷ lệ TKX mà chủ yếu là cận thị đã tăng từ 20 đến 25% (năm 2011) lên khoảng 35% (năm 2015). Cá biệt có những lớp học, tỷ lệ cận thị lên tới 60 đến 70%, nghĩa là cứ 10 học sinh thì có sáu đến bảy cháu phải đeo kính.
Nguyên nhân
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TKX, nhưng chủ yếu là do các cháu học quá nhiều, trong phòng học không bảo đảm đủ ánh sáng khiến mắt không được nghỉ ngơi, sử dụng nhiều thiết bị điện tử hiện đại (ti-vi, máy tính, điện thoại thông minh…). Bởi vậy, đây là vấn đề trọng yếu cần sự phối hợp giữa cha mẹ, thầy cô giáo và bệnh viện để giúp hạn chế TKX ở trẻ, kiểm soát để thị lực trẻ ổn định, không bị nặng thêm.
Đặc biệt, khi trẻ khi có dấu hiệu tật khúc xạ (hay mỏi mắt, nheo mắt) cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Ý kiến của chuyên gia
Cần phát hiện và điều trị sớm
BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc xạ một Bệnh viện Mắt quốc tế chia sẻ, với những trẻ khi có dấu hiệu dị tật khúc xạ (hay mỏi mắt, nheo mắt) nếu không được quan tâm khám, phát hiện điều trị tật khúc xạ sớm thì sẽ để lại hậu quả nặng nề. Có thể trẻ sẽ bị nhược thị, lác… trong đó nhược thị là vấn đề đáng lưu tâm bởi nhược thị gây tổn thương thần kinh.
Khi phát hiện sớm trẻ có tật khúc xạ, nếu đeo kính đủ số thì thị lực khi đeo kính đạt 8/10 trở lên. Ngược lại, nếu trẻ khám muộn, có lệch khúc xạ, độ lệch khúc xạ cao thì có thể bị nhược thị. Khi đó dù có chỉnh kính tối đa thì thị lực cũng rất thấp, trẻ nào cao cũng dưới 7/10 thậm chí có những cháu nhược thị sâu thị lực chỉ còn 1- 2/10. Trẻ sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục được thị lực, ngay cả phẫu thuật được coi là phương pháp hỗ trợ tiên tiến nhất cũng không thể can thiệp.
Thấy con nheo mắt liên tục bố mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn, chữa trị kịp thời.
Chú ý tới biểu hiện nheo mắt của con
Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: Các bậc phụ huynh quan sát thấy con nheo mắt, kêu mỏi (với trẻ đến tuổi đi học) hoặc trẻ đứng sát vô tuyến, cầm đồ vật lên xem hay dí sát vào mắt (với trẻ chưa đến tuổi đi học) thì có thể đó là các dấu hiệu của thị lực kém cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn, chữa trị kịp thời.
Được biết, có ba phương pháp điều trị TKX là sử dụng kính gọng, kính áp tròng và phẫu thuật bằng tia laser với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo cho trẻ có một đôi mắt khỏe mạnh, trong sáng, không phải phụ thuộc kính, các vị phụ huynh cần hạn chế thời gian cho con xem TV, chơi apad, điện thoại…
Benh.vn (Tổng hợp)