Bột sắn dây giải nhiệt rất tốt được dùng cho những trường hợp nóng trong người, nhiệt miệng, rôm sảy, dùng trong giải khát… Nhưng nếu lạm dụng hoặc sử dụng sai cách, thực phẩm này sẽ phản tác dụng gây ra nhiệt miệng thậm chí tiểu đường.
Những sai lầm khi uống bột sắn dây
Cho quá nhiều đường khi pha bột sắn dây để dễ uống hơn. Nhưng chính lượng đường này lại gây phản tác dụng, dễ dẫn đến nhiệt miệng và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.
Bột sắn dây thường được chế biến thủ công. Do vậy, trong quá trình lọc tinh bột có thể không lọc hết tạp chất, tinh bột sắn dễ bị nhiễm khuẩn. Để phòng nguy cơ đau bụng, tiêu chảy, tốt nhất nên pha bột sắn với nước sôi để làm chín, không nên pha bằng nước nguội
Không nên uống quá 1 cốc/ngày và chỉ nên cho thêm một chút đường. Với phụ nữ có thai, nếu cơ thể bị nóng thì đây là một thức uống giải nhiệt rất tốt. Tuy nhiên nếu thai phụ cảm thấy mệt mỏi, bị động thai thì tuyệt đối không nên uống vì tính hàn của sắn dây sẽ càng khiến bà bầu thêm mệt, tăng co bóp dạ con, dễ dẫn đến sẩy thai.
Nhiều người có thói quen nấu chè từ bột sắn dây để ăn thay cơm với mục đích giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực. Tuy tính giải nhiệt tốt, nhưng xét về dinh dưỡng, bột sắn có rất ít năng lượng. Hàm lượng dinh dưỡng thấp nên các món ăn từ bột sắn chỉ nên là món ăn thêm. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, chè bột sắn không thể thay thế cho bữa ăn chính.
Những lưu ý khác
Chỉ nên cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ăn bột sắn dây. Có thể chế biến đa dạng các món ăn cho trẻ như nấu cùng ngô non, đậu xanh, đậu đen… Các món này đều rất mát và dễ tiêu hóa.
Không nên ăn lúc đói vì có thể gây hội chứng “say” sắn.
Benh.vn