“Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” câu ví quả thực không sai. Nếu ai đã từng bị đau răng, đặc biệt đau do biến chứng khi mọc răng khôn thì mới thấu hiểu sự đau đớn, nhức nhối…đến nhường nào. Chưa hết, răng khôn mọc lệch còn khiến khổ chủ chịu nhiều đau đớn suốt quá trình mọc răng, sau đó phải làm thủ thuật nhổ bỏ.
Mục lục
Răng khôn là răng số 8 thường mọc khi từ 17 đến 25 tuổi
Vậy, răng khôn là loại răng nào? Có phải mọc răng này xong thì chúng ta sẽ khôn ta không? Sự nguy hiểm và những lưu ý trong thời gian mọc loại răng đặc biệt này ra sao? Làm sao để giảm đau khi mọc răng khôn? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu những vấn đề này.
Răng khôn và những biến chứng nguy hiểm khi mọc răng khôn
Mỗi người có đến 4 chiếc răng khôn, và hầu hết chúng đều mọc lệch hoặc gây ra những vấn đề răng miệng cho khổ chủ như sâu răng, viêm lợi, huỷ xương hoặc răng mọc ngầm…
Răng khôn khôn là gì
Răng khôn (răng số tám còn gọi là răng hàm lớn thứ ba) thường bắt đầu mọc từ 17 đến 25 tuổi trở lên, nếu còn đủ chỗ sau răng số 7. Mỗi người có bốn răng khôn ở bốn góc hàm, tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm.
Một số người, quá trình mọc răng khôn vô cùng thuận lợi, họ nhanh chóng có đủ 32 chiếc răng mà không trải qua bất cứ cơn đau nào. Đáng tiếc, đây chỉ là số ít những người may mắn. Hầu hết các trường hợp khác, răng khôn có thể mọc lệch, mọc ngầm, mọc ngược (chọc lên mũi, họng, chọc ra má ngoài…).
Răng khôn thường mọc rất chậm, mỗi thời điểm chỉ nhú lên 1 chút. Chính vì vậy, suốt quá trình mọc răng khôn, người bệnh có thể phải trải quá rất nhiều cơn đau đớn, tái diễn liên tục. Việc giảm đau khi mọc răng khôn cũng là nhu cầu chính đáng của rất nhiều người.
Những ảnh hưởng khi mọc răng khôn
Có thể nói, mọc răng khôn là ác mộng của nhiều người khi tình trạng sưng đau, viêm dây thần kinh và 1 loạt bệnh lý nhiễm trùng như sâu răng, viêm lợi, sưng mộng răng…diễn ra thường xuyên. Thậm chí, xương, các răng xung quanh cũng có nguy cơ bị huỷ hoại.
Tổn thương tế bào và viêm dây thần kinh
Khi răng khôn mọc lệch, mọc ngược, mọc ngầm, chúng trực tiếp đâm vào các tế bào xung quanh, gây nên tình trạng viêm cấp kèm nhiễm khuẩn (do khó vệ sinh, không vệ sinh được) và gây đau đớn. Đặc biệt, 1 số răng khôn còn chèn ép dây thần kinh, gây tình trạng đau do viêm dây thần kinh và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Tình trạng
Sâu răng do mọc răng khôn
Sâu răng, đặc biệt sâu răng số 7 rất dễ xảy ra khi mọc răng khôn. Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ gây viêm nhiễm. Rất nhiều trường hợp răng khôn còn đi kèm với lợi chùm khiến việc vệ sinh khó khắn. Thức ăn thừa và mảng bám tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây sâu răng.
Đặc biệt những răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch, đâm vào răng bên cạnh, sự tích tụ lâu ngày gây sâu răng, đau đớn và nhiễm trùng có thể xảy ra.
Viêm lợi, sưng mộng răng
Sự tích tụ của thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn gây ra viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn đến triệu chứng: sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được).
Bệnh viêm lợi tái phát nhiều lần chừng nào răng khôn chưa được chữa trị, và càng ở những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm và cảm giác đau đớn càng cao.
Không chỉ viêm lợi thông thường, hiện tượng sưng mộng răng cũng rất hay xảy ra trong các đợt cấp của nhiễm khuẩn do răng khôn đang nhú.
Huỷ hoại xương và răng xung quanh
Khi răng khôn mọc đâm sang răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu hủy, lung lay, nhiều khi gây sâu răng, và cuối cùng là rụng răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó.
Trong một số truờng hợp khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ … gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tâm sự của những người mọc răng khôn
N.M.L 22 tuổi sinh viên trường ĐHLĐXH (Hà Nội)
“Em mọc răng khôn từ đầu năm 2012. Thời gian đầu thấy lợi hơi sưng, miệng hôi, khó chịu…nên em súc miệng thường xuyên cũng thấy đỡ. Bẵng đi một thời gian, khoảng tháng 10/2012, răng đau thường xuyên hơn…có những lúc em phải nghỉ học do sốt cao, nổi hạch ở cổ, không ăn uống được gì…Em làm đủ mọi cách để mong giảm đau khi mọc răng khôn từ trườm đá, ăn tỏi… nhưng không ăn thua.”
Em đi khám, bác sỹ nói em bị lợi trùm, răng không mọc lên được, gây mưng mủ, viêm nhiễm xung quanh….Sau khi uống kháng sinh và dùng thuốc giảm đau một thời gian, bác sỹ đã phẫu thuật cắt lợi trùm cho em. Đến nay răng em không còn đau nữa”
M.A.T 21 tuổi (Hà Nội)
“Em bị đau răng khôn thường xuyên…Mỗi lần đau, em không mở được miệng, sốt cao…rất khó chịu. Sau khi điều trị bằng kháng sinh (theo chỉ định của bác sỹ nha khoa) hiện tượng đau răng đỡ hơn….Nhưng chỉ được vài tuần lại đau trở lại…
Em đã xin ý kiến tư vấn, bác sỹ bảo răng em mọc đâm sang bên cạnh, ảnh hưởng đến răng khác nên cần phải nhổ….Nhưng em rất sợ vì mọi người bảo răng số 8 nhiều dây thần kinh, nếu nhổ không cần thận…sẽ bị lệch mặt, méo miệng…Em chưa biết phải làm thế nào…nhưng để tình trạng đau kéo dài, phiền phức… em không chịu nổi”
Phương pháp giảm đau khi mọc răng khôn bằng tây y
Không phải ai cũng sẵn sàng nhổ răng khôn sau 1 -2 cơn đau đầu tiên. Các thủ thuật nhổ răng khôn cũng bắt buộc phải diễn ra sau khi quá trình viêm nhiễm đã ổn định. Do đó, các phương pháp giảm đau khi mọc răng khôn rất cần thiết, giúp khổ chủ dễ dàng vượt qua giai đoạn này. 3 lưu ý quan trọng dưới đây sẽ giúp bạn giảm đau khi mọc răng khôn nhanh chóng, hiệu quả.
1. Giữ sạch vùng khoang miệng
Người đang bị đau do mọc răng khôn, nhất thiết phải thực hiện đầy đủ 3 bước vệ sinh răng miệng như sau:
- Dùng chỉ hoặc chỉ tăm nha khoa sau khi ăn: Động tác này giúp loại bỏ 1 phần thức ăn nhét vào kẽ răng. Không nên dùng tăm tre vì có thể gây tổn thương nướu và làm trầm trọng hơn tình trạng viêm nhiễm.
- Chải răng với bàn chải lông mềm và kem đánh răng.
- Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn chuyên dụng: Sử dụng các loại nước súc miệng kháng khuẩn chứa TSN, Nano bạc, iod, Chlorhexidine…giúp loại bỏ bớt vi khuẩn gây viêm nhiễm và thức ăn dư thừa. Hiện nay, các loại nước súc miệng thế hệ mới chứa phức hệ TSN và keo ong…có thêm tác dụng chống viêm, giảm đau là lựa chọn tốt nhất để vệ sinh và giảm đau khi mọc răng khôn.
Chườm đá lạnh giúp giảm đau khi mọc răng khôn
Chườm đá cũng giúp giảm các triệu chứng sưng đau do viêm khi mọc răng khôn. Lấy đá bọc vào miếng vải sạch, sau đó chà lên các khu vực răng bị đau. Nên thực hiện vài lần trong ngày, đặc biệt khi đau nhiều hoặc khi các thuốc giảm đau hết tác dụng
Dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau
Thuốc kháng sinh, và thuốc chống viêm là bắt buộc để kiểm soát viêm nhiễm tại vị trí mọc răng khôn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau trong các trường hợp đau nhiều, đặc biệt khi có đau do chèn ép dây thần kinh.
- Kháng sinh: Nhóm thuốc kháng sinh chuyên dùng cho răng thường là thuốc kết hợp giữa Spiramycin và Metronidazol (Biệt dược nổi tiếng nhất là Rodogyl). Ngoài ra, 1 số trường hợp đặc biệt, bác sỹ sẽ dùng kháng sinh phổ rộng như Amoxicillin cho bệnh nhân.
- Thuốc chống viêm: Chống viêm, giảm phù nề, sưng đau giúp bệnh nhân dễ chịu trong khi chờ đợi kháng sinh phát huy tác dụng diệt khuẩn, kiểm soát viêm nhiễm. Thuốc chống viêm có thể sử dụng như Medrol (chống viêm toàn thân) hoặc alphachoay (chống viêm tại chỗ)
- Thuốc giảm đau: Các thuốc chứa Paracetamol hoặc ibuprofen có thể sử dụng trong các trường hợp này. Lưu ý, do paracetamol cần uống cách nhau 4-6h, mỗi ngày không quá 2g (4 viêm 500mg). Do đó, nếu đau nhiều nên đổi sang ibuprofen hoặc nếu đau dọc dây thần kinh thì cần hỏi ý kiến bác sỹ và sử dụng các loại thuốc giảm đau chuyên dụng hơn.
Lưu ý
Trong trường hợp bị sốt cao, đau nhức kéo dài hoặc răng mọc xiên, lệch, cần đến bác sỹ nha khoa, để được tư vấn về cách xử trí hợp lý.
Sau khi có kết quả chụp X – quang, bác sỹ sẽ có những chỉ định phù hợp như: trích mủ, cắt lợi trùm hay nhổ răng…
Phương pháp giảm đau bằng dân gian
Ngoài các phương pháp giảm đau sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng 1 số loại thảo dược dân gian để hỗ trợ. Cần lưu ý, các biện pháp ngày không thể thay thế các phương pháp tây y do viêm nhiễm khi mọc răng khôn cần giải quyết nhanh. Trong khi đó, thảo dược thường có tác dụng khá chậm.
Dùng lá lốt giảm đau khi mọc răng khôn
Nước lá lốt dùng hàng ngày có tác dụng giảm đau răng hiệu quả
Tác dụng của lá lốt: ôn trung, hạ khí và giảm đau hiệu quả. Lá lốt cũng có tác dụng như chất sát trùng tự nhiên giúp hỗ trợ giảm đau khi mọc răng khôn.
Cách làm:
– Lấy hai nắm cành và lá lốt đem rửa sạch.
– Cho lá lốt vào nước và sắc đặc với 01 bát nước, cho thêm ít muối.
– Ngậm nước hàng ngày vào buổi sáng, trưa và tối.
Dùng tỏi gây tê tự nhiên
Tác dụng của tỏi: tỏi chứa chất gây tê tự nhiên, có tác dụng giảm đau khi mọc răng khôn rất tốt.
Cách làm:
– Bóc 1 nhánh tỏi sau đó nghiền nát rồi cho vào 1 chén nước nhỏ, bỏ thêm một chút muối khuấy đều.
– Dùng bông thấm hỗn hợp nước vào chỗ đau ngày 3 lần (sáng, trưa, tối) sẽ giảm đau.
Lưu ý: Áp dụng các phương pháp giảm đau bằng dân gian trong trường hợp bệnh nhân không được uống thuốc giảm đau như: bà bầu, phụ nữ cho con bú…
Ý kiến của chuyên gia
Bác sĩ Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn
“Răng khôn là răng cối lớn thứ ba trong cung hàm. Răng khôn mọc lệch gây các tai biến chiếm tỷ lệ khoảng 20% các bệnh về răng hàm mặt.
Hàm răng của chúng ta thường chỉ đủ chỗ cho 28 răng nhưng trên thực tế mỗi người có tới 32 răng vì mọc thêm 4 răng khôn ở hai hàm. Chính vì không đủ chỗ để mọc một cách bình thường nên những chiếc răng khôn thường tự “mở đường” mọc ngược về phía xương hoặc đâm thẳng về phía chiếc răng hàm đứng kế bên.
Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ. Lâu ngày gây sâu răng hoặc viêm nhiễm vùng lợi xung quanh dẫn đến sưng, đau, hôi miệng… Bệnh viêm lợi sẽ tái phát nhiều lần nếu răng khôn không được chữa trị, những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm càng cao.
Vì vậy, khi mọc răng khôn, nếu thấy bất thường thì đến bệnh viện chuyên khoa, điều trị ngay từ đầu. Tuyệt đối tránh tình trạng để bệnh phát triển âm ỉ, lâu dài dẫn đến các tai biến nguy hiểm”.
Hầu hết mọi người không ít thì nhiều cũng trải qua thời kỳ mọc răng, đau răng, và “nếm trải” những vấn đề khó chịu, nhức nhối do răng khôn gây nên. Tuy nhiên, để tránh xảy ra phiền phức, đau đớn…ngay khi răng khôn mọc, chúng ta cần đến bác sỹ để được thăm khám, tư vấn và điều trị dứt điểm.