Tuy không phổ biến nhưng nếu không cẩn thận và chú ý trong thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống hàng ngày, nguy cơ nhiễm giun đũa chó vào cơ thể và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe rất có thể xảy đến với bạn.
Toxocara spp là một loại giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo bệnh gặp ở tất cả các nước trên thế giới. Giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoài ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng. Sau đó, lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa số ít có thể qua da. Trong tất cả các trường hợp nhiễm Toxocara spp, trứng đều nở trong ruột và ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu, di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não và các mô khác.
Một số kiến thức cơ bản
Giun đũa chó trưởng thành.
Cơ chế lây nhiễm
Ở người, chủ yếu là nhiễn Toxocariasis ascarid chó (T. Canis), tỷ lệ nhiễm Toxocara ascarid mèo (T.Cati) ít hơn. Khi bị nhiễm, toxocara spp thường di chuyển qua mô và gây ra phản ứng nghiêm trọng tại những vị trí chúng đi qua, gây tăng bạch cầu ái toan và hình thành u hạt hoặc áp xe bạch cầu ái toan. Các bệnh liên quan được gọi là ấu trùng di chuyển nội tạng (VLM) hoặc ấu trùng di chuyển mắt trong các trường hợp liên quan đến mắt.
Triệu chứng
Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng và được chẩn đoán qua xét nghiệm Elisa dương tính với toxocara và bạch cầu ái toan tăng. Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng như ngứa da, gan to, đau bụng hoặc khó chịu, có thể ho, khó thở hoặc những bệnh liên quan đến phổi.
Điều trị
Tùy vào hiệu giá kháng thể, có hay không có triệu chứng lâm sàng như ngứa da, nổi mề cùng với kết quả siêu âm hay chụp CT sẽ có phương pháp điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân Thuốc được sử dụng là : Thiabendazole, Dietylcarbamazine, Albendazole và các thuốc ngoài da, dị ứng, trợ gan, nâng cao thể trạng…
Phòng bệnh
Bệnh không lây từ người sang người nên biện pháp phòng tránh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, đặc biệt là chó mèo con như ôm hôn, bồng, bế; vệ sinh môi trường cẩn thận, không để chó mèo phóng bế bừa bãi; ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không đi chân đất…
Thực trạng sức khỏe khi nhiễm giun đũa chó
Hình ảnh giun đũa chó làm tổ trong não từ phim chụp MRI.
Tháng 8/2014, bệnh nhân Lưu T. Th. (nữ, 21 tuổi, Tiền Hải, Thái Bình) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu kéo dài hơn 1 tháng, với biểu hiện đau đầu vùng đỉnh tăng dần, dùng thuốc giảm đau đỡ ít rồi nhanh chóng đau trở lại, kèm theo có sốt nhẹ và không co giật.
Sau khi chụp MRI sọ não và xét nghiệm để kiểm tra, kết quả cho thấy, bệnh nhân bị giun đũa chó chui vào não, gây tổn thương dây thần kinh trung ương, ngấm thuốc dạng viền và có phù não xung quanh.
Ngay lập tức, các bác sĩ của Trung tâm đã hội chẩn với Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và chuyển chị Th. sang điều trị tại đó với thuốc uống, đồng thời dùng thuốc chống phù não.
Một phần lá gan bị giun đũa cho làm tổ sau khi được cắt bỏ.
Tiếp đó, Bà Trần T. T. (60 tuổi, Hà Nội) đã phải cắt một phần lá gan vì nhiễm giun đũa chó gây áp xe gan. Bà có biểu hiện bị đau dạ dày, người gầy, đau bụng, sốt nhẹ ngây ngấy.
Bà cho rằng, ở tuổi này nên không còn khỏe, mệt là chuyện bình thường. Đến khi được con đưa đi khám, bác sĩ phát hiện bà có ổ áp xe trong gan. Bác sỹ ngoại khoa chỉ định mổ, cắt bỏ chỗ áp xe vùng gan bị tổn thương.
Sau khi mang phần gan cắt bỏ đó đi giải phẫu bệnh lý, bác sĩ nghi ngờ ký sinh trùng có thể là giun đũa chó nên chuyển ca bệnh đến Viện sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TW. TS-BS. Nguyễn Thu Hương, Phó Khoa Ký sinh trùng (Viện sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TW) cho biết, sau mổ 3 ngày, bệnh nhân được đưa đến khám tại viện. Dù ổ áp xe đã cắt nhưng bệnh nhân vẫn còn kháng thể trong máu dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó.
BS Hương nói: “Giun đũa chó thường lây qua đường tiêu hóa do ăn phải trứng hay ấu trùng giun đũa chó. Vào cơ thể, trứng hoặc ấu trùng di cư qua máu. Vì người không phải là vật chủ chính nên thông thường, ấu trùng sẽ chết và tạo ra ổ hoại tử, hủy hoại tế bào cơ thể người, đặc biệt tế bào gan…”
Theo BS Hương, người nhiễm ấu trùng giun đũa chó và mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu; tăng globulin máu; tăng bạch cầu ưa a xít không thường xuyên.
Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun đũa toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80 – 90%. Nếu phát hiện sớm, tổn thương gan nhỏ thì có thể điều trị nội khoa. Trường hợp gan bị tổn thương lớn, không thể điều trị nội khoa thì mới phải cắt bỏ.
An Nguyên – Benh.vn (Tổng hợp)
Lê Thị Hạnh Trang đã bình luận
Bác sĩ ơi, cho em hỏi em bị ngứa da cũng được 4 năm nay nhưng chỉ mới phát hiện bị nhiễm giun đũa chó gần đây thì có trường hợp giun đã làm ổ trong não hay gan chưa bác sĩ? Mấy năm nay em cứ tưởng mình bị dị ứng đi chạy chữa ko hết, đến khi xét nghiệm giun thì mới biết kết quả, e đã điều trị 2 lần thuốc và đã giảm ngứa khá nhiều nhưng e lo ngại giun đũa làm tổ trong não hoặc gan ấy bác sĩ :(( lo quá ạ. Mong bác sĩ rep mail em! E cảm ơn ạ!
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Về điều bạn băn khoăn chúng tôi khuyên bạn nên tới cơ sở y tế chuyên khoa như Viện sốt rét và ký sinh trùng tuyến trung ương để kiểm tra sau khi đã điều trị.
Chúc bạn mạnh khỏe,