Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trưa 12-10 đã tổ chức cuộc họp báo về hai trường hợp ghép gan thứ 5 và thứ 6 của bệnh viện.
TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí, phó khoa ngoại – gan mật tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ca phẫu thuật thứ 5 vào ngày 10-10 cho bà L.T.P.M, 66 tuổi, ở TP.HCM, bị xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C.
Khi nhập viện bệnh nhân còn được chẩn đoán có khối ung thư gan, bụng chướng căng rất to, cứ vài ngày phải chọc hút 4 lít nước từ ổ bụng. Nếu không ghép gan nhanh, bệnh nhân sẽ suy thận bất kỳ lúc nào, lúc đó khả năng ghép sống rất ít. Con trai đầu lòng của bà năm nay 37 tuổi đã tự nguyện hiến một phần lá gan để cứu mẹ. Đây là trường hợp được các bác sĩ đánh giá là ca ghép gan khó nhất từ trước đến nay.
Ngay ngày hôm sau 11-10, bệnh viện tiếp tục tiến hành trường hợp ghép gan cho ông H.T., 60 tuổi, ngụ ở Bến Tre. Ông T. được chẩn đoán ung thư gan, xơ gan nặng, nhiễm viêm gan siêu vi B. Người hiến phần gan của mình là người con trai đầu của ông năm nay 32 tuổi.
Theo TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thông báo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng với Trung tâm ghép gan – Bệnh viện Asan (Seoul – Hàn Quốc) tiến hành phẫu thuật ghép gan cho hai bệnh nhân này. Mỗi trường hợp ghép gan kéo dài hơn 10 tiếng. Hiện nay cả hai bệnh nhân và hai người cho gan đều đã tỉnh, đang được nằm phòng hồi sức cách ly.
Các bác sĩ cũng cho biết từ năm 2012 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 6 ca bệnh ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan được tiến hành từ người cho sống, 1 ca ghép gan từ người cho đã chết não. Đến nay, ngoài bệnh nhân được ghép gan đầu tiên tử vong sau hai tháng được ghép, tất cả bệnh nhân được ghép gan còn lại sức khỏe đều ổn định. Những ca cho gan trước đó sau một năm gan đã phát triển lại, thể tích gan lên đến 85%-90%, mọi xét nghiệm về chức năng gan vẫn ở trong giới hạn bình thường.
Benhvn (Theo TTO)