Nếu sử dụng thực phẩm chức năng giả có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi.
Mục lục
Bước vào tuổi trung niên, sức khỏe có dấu hiệu giảm sút, nhiều người sẵn sàng rút hầu bao để sử dụng các loại thực phẩm chức năng (TPCN) bổ sung dưỡng chất như vi cá, sữa ong chúa, collagen… để mong tăng cường thể lực, kéo dài tuổi xuân. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, ta sẽ mất tiền oan.
Thực phẩm chức năng Mỹ, Úc – Lên đời từ hàng trôi nổi
Cũng như các điểm bán lẻ khác, số lượng TPCN tại cửa hàng số 28 Hội Vũ của Đỗ Thị Tuyết Mai (thường trú tại 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm) không lớn. Nhưng, phải mất nhiều thời gian điều tra, tìm ra tận kho của Mai nằm khuất nẻo tại khu vực hoang vắng ở bãi giữa sông Hồng, cơ quan chức năng mới phát hiện lượng hàng rất lớn đang được tập kết chờ đưa đi tiêu thụ. Bên cạnh hàng chục thùng lớn đựng các loại TPCN được chị em rất ưa chuộng như sữa ong chúa, tảo, vi cá mập, tỏi đen, collagen… không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là các loại máy móc, bao bì phục vụ cho việc “lên đời” TPCN giả.
Những viên nang TPCN đóng gói trong túi ni lông được chủ hàng mua theo kg với giá vài chục ngàn đồng rồi chia lẻ vào các hộp, dán mác, tem nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc và đưa ra thị trường tiêu thụ. Giá lúc này đã lên tới 500.000 – 1 triệu đồng/hộp, tùy loại.
Cũng chỉ với vài cái máy dán, dập đơn giản, Hoàng Nghĩa Dũng (thường trú tại TP Vinh, Nghệ An) cũng kiếm bội tiền nhờ kinh doanh TPCN giả. Nguồn hàng được gom từ Lạng Sơn, Dũng mang về kho tại số 166B, cụm 13, Thái Hà (Hà Nội) rồi chia lẻ vi cá mập, tỏi, sữa ong chúa, và các loại thực phẩm làm đẹp cho phụ nữ vào các hộp nhựa trắng, dùng bao bì giả ghi sản xuất tại Mỹ, Úc để “ngụy trang” bên ngoài. Số hàng này được tung ra thị trường dưới dạng hàng xách tay cao cấp, giá bán đến cả triệu đồng/hộp, gấp vài chục lần giá trị thật.
Nhận định của chuyên gia
Theo liên ngành cảnh sát – quản lý thị trường HN
Theo nhận định của liên ngành cảnh sát – quản lý thị trường HN, sau khi các loại trà giảm cân “độn” hóa chất độc hại bị phanh phui, một số đầu nậu chuyển hướng sang gia công, đóng gói TPCN giả. Đứng đầu bảng là các loại vi cá mập, tảo, sữa ong chúa… được đồn thổi là có nhiều tác dụng đặc biệt như chống oxy hóa tế bào, ngăn ngừa các bệnh mãn tính và hiểm nghèo như mỡ máu cao, tiểu đường, tim mạch, ung thư… giúp tăng cường thể lực, kéo dài tuổi xuân…
Tiêu chuẩn mập mờ như đánh đố
Theo một số nhà khoa học trong ngành
Một số nhà khoa học trong lĩnh vực này cho biết, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy vi cá mập hay sữa ong chúa có thể chữa trị hoặc phòng ngừa được ung thư hay tiểu đường, mỡ máu… Các công trình nghiên cứu được công bố chỉ dừng lại ở những nghiên cứu cá nhân, chưa phải cứ liệu y văn nên cần phải có thêm nhiều nghiên cứu khoa học nữa để xác định tác dụng phòng trị bệnh.
Thêm nữa, cũng không có cách nào để người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, giả. Ngay cả cơ quan chuyên ngành cũng khó làm được việc này. Thế nên mới có chuyện, gần đây cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện vi cá mập được bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hoá chất khác, có chứa dư lượng kim loại độc hại như thủy ngân, cadmium. Khi cơ quan chức năng chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập đi kiểm tra đã không tìm ra thành phần vi cá mập nào. Theo cảnh báo, nếu sử dụng TPCN giả này có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi. Điều này càng nguy hiểm hơn với những người đã mang sẵn các bệnh mãn tính khác trong người, nó góp phần phá hủy sức đề kháng, làm bệnh nặng hơn, việc điều trị rất khó mang lại hiệu quả.
Theo bà Bùi Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng VN
Bà Bùi Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng VN cho biết, các cơ quan quản lý chưa có tiêu chuẩn quy định để đánh giá là TPCN thật, TPCN giả nên khi kiểm nghiệm cũng không có kết luận sản phẩm thật hay giả, tốt hay xấu. Động thái hỗ trợ người tiêu dùng nếu có chỉ là kiểm nghiệm các thành phần và hàm lượng của thành phần trong sản phẩm trên cơ sở đó, người tiêu dùng đối chiếu với công bố chất lượng của nhà sản xuất.
Trong khi hàng giả hàng nhái đang tung hoành trên thị trường thì việc quản lý gần như để ngỏ. Do các chế phẩm này không phải là dược phẩm nên chúng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thuốc, bất cứ ai cũng có thể kinh doanh và tìm mua nên mặt hàng này đang bị thả nổi về chất lượng và giá cả. Các đầu nậu hàng giả chỉ cần lợi dụng thực trạng này đã có thể dễ dàng kiếm lãi ròng.
Benh.vn (theo PNTĐ)