Tuyên bố động trời của vị bác sĩ phẫu thuật lập dị người Italia Sergio Canavero về ca cấy ghép đầu cho khỉ cho thấy triển vọng cấy ghép đầu người khả thi hơn bao giờ hết…
Mục lục
Dự định gây bão truyền thông
Năm 2015, ông Canavero đã gây ra một cơn bão truyền thông khi hé lộ các dự định thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới. Ông nhấn mạnh, đây có thể là một cách chữa trị hữu hiệu cho chứng bại liệt toàn thân chỉ trong vài năm tới.
Sau khi hợp tác cùng một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc, Hàn Quốc, ông Canavero cho biết đã tiến một bước gần hơn tới việc hiện thực hóa kế hoạch của mình, nhờ các cuộc thử nghiệm mang tính đột phá trên chuột, khỉ và xác chết của người. Các cuộc thử nghiệm này sẽ được công bố chi tiết trong những ấn phẩm tương lai của các tạp chí khoa học Surgery và CNS Neuroscience & Therapeutics.
Tuy vậy, một số hình ảnh và video về quá trình thực hiện chúng đã được tiết lộ. Một đoạn video trong số đó cho thấy, một con chuột đang đánh hơi và cử động các chân sau khi dường như hồi phục từ quá trình bị cắt đứt, rồi tái nối tủy sống, như lời thuyết minh. Quá trình này, theo ông Canavero, do nhóm của chuyên gia C-Yoon Kim thuộc Trường Y, Đại học Konkuk ở Hàn Quốc, thực hiện.
Thử nghiệm trên động vật
Thành công của thử nghiệm chứng minh, tủy sống có thể tái nối được nếu nó được cắt gọn ghẽ và dùng một chất keo sinh học bảo tồn màng tế bào, có tên gọi là polyethylene glycol (PEG). Tuy nhiên, con chuột sau đại phẫu không thể di chuyển bình thường.
Một bức ảnh khác lại cho thấy một con khỉ sở hữu chiếc đầu được khâu đính vào thân. Theo chuyên gia Canavero, nhà nghiên cứu Xiaoping Ren thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc, vừa thực hiện ca cấy ghép đầu khỉ thành công, nối liền nguồn cung cấp máu giữa đầu với cơ thể mới. Song, điều quan trọng là xương sống không được nối liền. Kết quả thí nghiệm chứng minh, nếu chiếc đầu được làm lạnh tới -15°C, con khỉ có thể sống sót qua ca phẫu thuật cấy ghép mà không bị tổn hại não và xác nhận con khỉ đã hồi phục hoàn toàn sau ca cấy ghép mà không chịu bất kỳ dạng tổn thương thần kinh nào.
Tuy nhiên, do cột sống không được nối liền, con vật sẽ bị bại liệt ít nhất từ đầu trở xuống và chỉ được duy trì sự sống trong 20 tiếng đồng hồ vì lí do đạo đức nên chưa rõ con khỉ có thể cảm thấy đau ở các bộ phận cơ thể sau cấy ghép hay không.
Liệu việc thử nghiệm trên người đã sẵn sàng hay chưa ?
Không chỉ vậy, ông Ren còn tiết lộtừng tiến hành các thí nghiệm trên xác người để chuẩn bị cho ca phẫu thuật cấy ghép cũng như kiểm chứng các ý tưởng về cách ngăn chặn tổn thương não. Năm 2013, ông đã thực hiện một ca ghép đầu chuột thành công và kể từ đó đã lặp lại chu trình phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ này tới hơn 1.000 lần. Nhà nghiên cứu người Italia còn thông tin thêm rằng đã thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, nhưng từ chối đưa ra ảnh làm bằng chứng.
Được biết, ông Canavero đang tìm kiếm tiền tài trợ để thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên thế giới là Valery Spiridonov, một nhà khoa học máy tính Nga mắc chứng hoại cơ Werdnig-Hoffman (một căn bệnh di truyền hiếm gặp) cả đời, đặt niềm tin và sẵn sàng tham gia phẫu thuật cấy ghép đầu. Tuy nhiên, ông Canavero khẳng định, tất cả phụ thuộc vào Nga do bệnh nhân Spiridonov không thể nhận xác hiến tặng ở Trung Quốc vì các lí do sinh học và đạo đức, nên cần thực hiện cấy ghép ở Nga hoặc một nước châu Âu khác.
Không chỉ vậy, ông Canavero còn kêu gọi các tỉ phú Nga cũng như các đại gia nước ngoài quyên quỹ, giúp thực hiện ca cấy ghép đầu đầu tiên thế giới cho Spiridonov ở Nga.
Tổng hợp