Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, trong cuộc đời con người, nếu không may bị bệnh tật, tai nạn…. họ rất cần có máu để chữa bệnh và tiếp tục cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam đã chọn ngày 7/4 hàng năm là ngày hiến máu nhân đạo để giúp đỡ người bệnh, đó cũng là nghĩa cử cao đẹp, là truyền thống của dân tộc. Qua bài viết dưới đây, Benh.vn sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách hiến máu khoa học và câu trả lời hiến máu có hại cho sức khỏe hay không.
Mục lục
Tìm hiểu về máu trong cơ thể con người
Máu không phải một dung dịch đồng nhất với 1 thành phần mà trong đó có nhiều thành phần khác nhau đảm nhận các vai trò khác nhau đối với cơ thể.
Lượng máu trong cơ thể và vai trò của máu
- Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào và huyết tương.
- Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng, cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như khí carbonic và acid lactic.
- Đối với nam: trong cơ thể, trung bình có khoảng 77 ml máu/kg cân nặng.
- Đối với nữ: trong cơ thể, trung bình có khoảng và 66 ml máu/kg cân nặng (ít hơn nam)
Như vậy, một người Việt Nam trưởng thành trung bình có khoảng từ 3,5 – 5 lít máu (tương đương 1/13 trọng lượng của cơ thể).
Các thành phần của máu
- Trong máu có các thành phần: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương.
- Các thành phần có đời sống nhất định và luôn được đổi mới hằng ngày.
Cách hiến máu khoa học
Hiến máu khoa học cần lưu ý những đặc điểm sức khỏe, thể trạng của người hiến máu để đảm bảo máu hiến có chất lượng và không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người hiến máu.
1. Đảm bảo về độ tuổi của người hiến máu
Người hiến máu phải từ 17 tuổi trở lên, người trên 65 tuổi nếu muốn hiến máu phải có ý kiến của bác sỹ.
2. Đảm bảo về cân nặng của người hiến máu
Cân nặng tối thiểu là 50kg theo chiều cao trung bình của người hiến máu. Bên cạnh đó cũng có thể xem xét cân nặng khác theo chiều cao thực tế.
3. Về sức khỏe chung của người hiến máu
Khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu.
4. Số lần hiến máu mỗi năm của người hiến máu
- Nữ không quá 3 lần/năm.
- Nam không quá 4 lần/năm.
5. Lượng máu hiến/1lần
Mỗi lần hiến máu nên hiến 250 ml, hoặc 350 ml tuỳ theo trọng lượng cơ thể. Không nên hiến máu mỗi lần vượt quá số máu trên đây.
6. Kiểm tra sơ bộ sức khỏe người hiến máu
Người hiến máu được kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ và lượng hematocrit, thực hiện các xét nghiệm sau hiến máu.
Những lưu ý trước khi hiến máu
- Đêm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, làm việc quá sức.
- Ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu phở, bún, xôi… uống nước cam…)
- Không uống café, uống nước chè trước khi hiến máu vì chất cafein khiến cho cơ thể mất nước.
Mục đích: Đảm bảo lượng máu tốt và giảm hiện tượng váng vất, mệt mỏi…sau khi hiến máu.
Hoạt động tái tạo máu sau khi hiến
- Sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
- Các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 – 10 lần so với bình thường.
- Sau khoảng 3 – 4 tuần, các thành phần trong máu sẽ phục hồi lại gần như bình thường.
Sau 3 – 4 tuần hiến máu, các thành phần sẽ phục hồi như bình thường (Ảnh minh họa)
Hiến máu có hại cho sức khỏe không
Thực tế, việc hiến máu không có hại mà còn có lợi cho sức khỏe. Điều này đã được chứng mình bằng cơ sở khoa học và thực tiễn.
Nếu sức khoẻ tốt, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì một người có thể hiến máu từ 3 – 4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt và an toàn cao cho người bệnh.
Đây cũng là lý do mà hầu hết các nước trên thế giới, số người tự nguyện tham gia hiến máu ngày càng nhiều, tỷ lệ những người trung tuổi, lớn tuổi rất cao chứ không chỉ là học sinh, sinh viên như tại nước ta.
Mặt khác, nếu chúng ta đã tham gia hiến máu, một lúc nào đó, nếu không may phải cần đến máu, Nhà nước sẽ đảm bảo bồi hoàn miễn phí đúng số máu mà bạn đã hiến.
Như vậy hiến máu tình nguyện thực chất cũng như khi ta khỏe mạnh thì gửi máu của mình vào một ngân hàng máu và khi cần thì được những người khỏe mạnh khác bồi hoàn lại máu đó. Việc hiến máu tình nguyện trên cả nước có ý nghĩa nhân văn cao đẹp chính là ở điểm này.
Tại sao cần phải hiến máu
- Đảm bảo lượng máu trong ngân hàng máu.
- Cứu giúp người bệnh.
- Đánh giá sức khỏe bản thân và trách nhiệm của mỗi người.
Hiến máu là trách nhiệm của mỗi người (Ảnh minh họa)
Ý kiến của chuyên gia về hiến máu
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động & Tổ chức Hiến máu (Viện HHTMT.Ư)
“Hiến máu phải đảm bảo đúng – đủ tiêu chuẩn theo quy định (tuổi, cân nặng, khoảng cách giữa các lần hiến máu); người hiến máu được khám, kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm cần thiết, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn mới được hiến máu.
Mỗi người có khoảng 70ml máu/kg; theo tính toán, nếu hiến dưới 9ml/kg cân nặng là không ảnh hưởng sức khỏe. Trong máu có nhiều thành phần (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương), mỗi thành phần có đời sống nhất định và thường xuyên được thay thế.
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã theo dõi trên người hiến máu và khẳng định, hiến máu theo đúng hướng dẫn không có hại tới sức khỏe”
Bác sĩ Đào Xuân Dũng (Chuyên khoa II, Sản phụ khoa)
“ Tuy đời sống của hồng cầu chỉ là 100 ngày, tủy xương thường xuyên cung cấp hồng cầu mới cho máu ngoại biên nhưng hiến máu nhiều lần cần có ý kiến của thầy thuốc và cần đánh giá tình trạng của tủy xương sau nhiều lần hiến máu.
Có người sợ rằng hiến máu sẽ làm yếu đi nhưng điều này không đúng vì cơ thể không hụt đi lượng máu lưu thông khi cho máu.
Về mặt lợi ích sinh lý của việc hiến máu: có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, quá nhiều sắt hoặc trong một số điều kiện đặc biệt máu quá đặc. Trong những trường hợp này, lấy bớt máu đi là một chỉ định điều trị”.
Lời kết
Hiến máu nhân đạo, là một nghĩa cử cao đẹp, góp phần tăng cường lượng máu dự trữ trong ngân hàng máu và phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Từ những giọt máu “ân tình”này, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hy vọng tiếp tục được sống.
Mỗi giọt máu khi chảy trong cơ thể một người chỉ để duy trì sự sống…. nhưng cũng dòng máu đó chảy trong cơ thể của hàng nghìn người sẽ tạo thành sự cộng hưởng đẩy lùi bệnh tật, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.