Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Người mắc bệnh dại là do động vật máu nóng (chủ yếu là do chó, mèo) bị bệnh dại truyền virus dại sang người qua vết cắn, vết cào,… trên da và niêm mạc bị tổn thương khi bị mắc bệnh dại lên cơn tỷ lệ tử vong là rất cao. Tuy nhiên, bệnh dại có thể dự phòng được.
Mục lục
Những loại động vật hay bị bệnh dại và truyền bệnh dại cho người
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 86 quốc gia có giám sát bệnh dại thì có tới 68 quốc gia có ổ dịch dại tự nhiên chủ yếu ở động vật hoang dã như: chồn (59%), dơi (15%), cầy (15%), cáo (3%) và một số các động vật khác. Chính nguồn virus dại khu trú từ động vật hoang dã là nguồn lây truyền virus dại thường xuyên sang động vật nuôi như: chó, mèo, trâu , bò, v.v… trong đó chó, mèo mắc bệnh dại nhiều nhất và là nguồn truyền virus dại nhiều nhất cho người và các động vật khác vì chúng di chuyển rộng và cắn lung tung.
Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (95 – 97%) sau đó là mèo. Các động vật khác chưa phát hiện được, nhưng nếu bị cắn vẫn cần phải đến các điểm tiêm phòng dại để được bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn xử lý cụ thể.
Triệu chứng điển hình của chó, mèo dại
Bệnh dại ở chó thường có 2 thể điển hình đó là thể điên điên cuồng và thể bại liệt
Chó dại thể điên cuồng: thường rất hung dữ, có thể chia làm 3 thời kỳ:
Thời ủ bệnh: biểu hiện bằng những thay đổi trong thói quen của con vật như bứt rứt, lo lắng, có khi tỏ ra vui mừng, quấn quýt chủ hơn, hoặc chỉ tỏ ra buồn rầu. Con vật thường ăn nhiều hơn bình thường, có thể sốt, nước dãi đã có virus dại. Thời kỳ này chỉ trong vài giờ nhưng cũng có khi tới 1- 2 ngày.
Thời kỳ phát bệnh: biểu hiện bằng những biến loạn quá độ như: con vật luôn luôn cử động, nhảy lên bắt đớp những con ruồi tưởng tượng hoặc kẻ thù không có. Con vật khó nuốt như bị hóc xương, tiếng kêu khàn khàn, ồ ồ, gãy từng nhát, tiếng sủa kéo dài và cuối cùng rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn. Bất cứ một sự kích thích nào dù nhỏ đều có thể làm cho chó lên cơn dại, cắn người và các con vật khác hoặc tự cắn nó, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi. Phạm vi hoạt động của một con chó dại có khi lên tới 50 km. Vì vậy những con chó dại rất nguy hiểm, nó là mối nguy cơ lớn truyền bệnh dại cho người và các súc vật khác.
Chó dại thể cuồng thường rất hung dữ
Thời kỳ bại liệt: con vật có biểu hiện gầy mòn, mắt lõm sâu, vẻ mặt phờ phạc, kêu thất thanh, hàm trễ xuống không nuốt được nữa. Bại liệt bộ phận sau làm con vật xiêu vẹo, đi phân táo bón, bí tiểu tiện, cuối cùng vật ngã xuống và chết.
Chó dại ở thể bại liệt: còn gọi là dại câm, thời kỳ bị kích thích ngắn hay không có. Bệnh biểu hiện bằng bại liệt không nhất định ở chỗ nào. Con vật buồn rầu, ủ rũ, liệt ở một bộ phận hay nửa người, thông thường là liệt cơ hàm làm cho mõm luôn hé mở. Hàm dưới trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy tự do. Con vật không cắn được cũng không thể sủa được gọi là thể câm. Bệnh tiến triển từ 2 – 7 ngày, thường là 2 – 3 ngày, sau đó con vật chết.
Ngoài 2 thể nói trên, đôi khi còn gặp thể ruột. Triệu chứng chính của thể ruột là chỉ thấy chó nôn mửa, đau bụng, có dấu hiệu viêm dạ dày – ruột. Con vật không có biểu hiện hung dữ hay bại liệt, sau 2 – 3 ngày thì chết.
Triệu chứng dại ở mèo: Mèo bị dại ít hơn chó vì nó quen ở một mình. Nói chung bệnh dại ở mèo tiến triển tương tự như ở chó. Mèo bị dại hay nấp mình vào chỗ vắng, tối, hoặc trái lại kêu luôn luôn, không ở yên một chỗ, tiếng kêu như động dục. Nếu chạm vào, nó nổi cơn hung dữ cắn, cào. Chính răng và móng vuốt của mèo gây ra vết thương sâu, tạo điều kiện cho virus dại dễ xâm nhập. Đôi khi mèo dại không có biểu hiện hung dữ mà chỉ bại liệt chân sau.
Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, cần làm gì?
- Không tiếp xúc với con vật, không di chuyển hoặc bán để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người và lây lan dịch.
- Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn bản và xã/phường, để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó.
- Phải chôn sâu xác những con vật bị dại cùng với các chất sát khuẩn như x út, cresly, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột…
- Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần thực hiện
- Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Xử lý tại chỗ vết thương như thế nào là tốt nhất?
- Rửa sạch ngay vết thương động vật cắn bằng cồn hoặc các chất sát trùng khác
- Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc… Mục đích xử lý tại chỗ vết thương là để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3 – 5 ngày để hạn chế virus tản phát.
- Những trường hợp người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay, phải tiêm vaccin dại và huyết thanh kháng dại
- Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.
- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục … dù vết cắn nhẹ
- Những vết cắn sâu
- Không theo dõi được con vật.
- Tại nơi người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó đã từng có súc vật bị dại.
Benh.vn
Nguyễn văn huy đã bình luận
Cho em hỏi hôm cho nhà em bỏ ăn bị đi kiết, em cho uống thuốc. Hom ấy tay em bị đau hoi xước da. Lúc cho chó uống thuốc chỗ đau ấy chạm vào răng con chó, ko chảy máu. Chiều hom sau chó chết, Liệu em có bị nhiễm dại ko? Hết hom nay là 4ngay rồi em có cần phải đi tiêm không?
admin đã bình luận
Chào bạn,
Trường hợp như của bạn, bạn nên đến cơ sở y tế để têm phòng dại sớm. Đồng thời theo dõi trạng thái sức khỏe, nếu cảm thấy cơ thể không ổn, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Bạn cũng chú ý đến vấn đề vệ sinh khu vực bị thương, tránh nhiễm trùng.
Chúc bạn khỏe mạnh
Vẫn khối đã bình luận
Hôm bữa tôi có nhận tiền của người chồm xóm xong rồi tôi không rửa tay sau đó tôi cầm lấy cái khăn tắm đưa cho con tôi lau mình hỏi nếu người chồm xóm có nuôi chó và để chó liếm vào tiền thì con tôi có nguy cơ lây bệnh dại không thưa bác sĩ
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Nguy cơ chủ yếu lây nhiễm bệnh dại là qua đường bị chó/mèo dại cắn, các con đường khác như bạn nói có nguy cơ rất thấp, bạn không cần quá lo lắng.
Văn khỏi đã bình luận
Cháu tôi bị chó cắn đã 10 năm Cháu tôi không có tiêm vắc xin dại vết cắn nhẹ không thấy chảy máu hay bầm gì, hỏi Cháu tôi bị chó cắn sau 10 năm có còn nguy cơ phát bệnh dại không thưa bác sĩ