Trong xã hội hiện tại, ngoài những người đúng giới tính (người bình thường), người lệch lạc giới tính cần được đi chuyển giới thì số ít có những người mặc dù được khẳng định là nam hoặc nữ qua xét nghiệm gen nhưng vẫn khát khao được chuyển sang giới khác. Câu chuyện trên là một thực tiễn của xã hội, nảy sinh những hệ lụy cần lường trước…
Theo thống kê tại khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) trung bình mỗi tháng có 5-7 trường hợp đến tư vấn chuyển giới. Xét về nguyên nhân buồn phiền giới khiến một số người muốn chuyển giới thì hiện khoa học chưa có kết luận chính thức. Tuy vậy, các nghiên cứu kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) trong vỏ não của những đối tượng này có thấy một chútbất thường.
Những câu chuyện có thật và đánh giá của chuyên gia
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng – trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết theo Hiệp hội Chuyên khoa thế giới về sức khỏe chuyển giới, hội chứng buồn phiền giới liên quan tới sự đau khổ bởi sự không tương thích giữa hình dạng cơ thể với giới tính sinh học. Người bị chứng buồn phiền giới có bộ nhiễm sắc thể là nam (46XY) hoặc nữ (46XX), không có bất thường bộ phận sinh dục nhưng lại luôn khát khao được nữ hóa hoặc nam hóa. Chỉ khi được chuyển giới họ mới thấy thoải mái với hình dạng của mình.
Câu chuyện về anh T. (26 tuổi, ở TP.HCM) là một trường hợp điển hình. Từ khi học cấp II anh T đã cảm thấy không thích hình dáng của mình và luôn tích mình là nữ chứ không phải nam. Do đó cách đi đứng, nói năng điệu đà như con gái, lại thích váy đầm, áo hoa…Thời gian dần trôi, mẹ anh T cảm thấy bất an nên đã anh đi viện khám. Kết quả sau khi xét nghiệm gen, bác sĩ nói cơ thể anh hoàn toàn bình thường và là “đàn ông thứ thiệt”.
Tuy vậy, anh T vẫn luôn khát khao trở thành phụ nữ, bởi vậy anh luôn đau khổ, thậm chí sang cả Thái Lan tìm hiểu về phẫu thuật chuyển giới và nhờ bác sĩ giúp trở thành phụ nữ. Tuy nhiên một phần do thời gian điều trị bằng hoocmôn kéo dài, phần khác vì chi phí phẫu thuật chuyển giới tốn 300-400 triệu đồng mà anh T lại không đủ điều kiện thực hiện nên đành phải ôm nỗi buồn chờ thời gian thuận lợi.
Qua câu chuyện trên, bác sĩ Dũng cho biết, khi muốn chuyển giới bản thân người đó cần gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, làm rõ bản thân họ có thuộc nhóm buồn phiền giới thật sự hay thuộc nhóm đồng tính (có khuynh hướng quan hệ tình dục đồng giới). Qua đó, các bác sĩ sẽ tư vấn những khó khăn sẽ gặp phải khi chuyển giới cũng như thử sống với giới tính mới.
Khi xác định thật sự muốn chuyển giới, bác sĩ điều trị hoocmôn thay thế (toàn phần hoặc một phần) để tạo ra sự thay đổi về mặt sinh lý và cơ thể. Với nữ muốn trở thành nam sẽ được chỉ định uống hoặc tiêm androgen.
Ngược lại, với nam muốn trở thành nữ sẽ chỉ định estrogen, progesterone. Thời gian sử dụng hoocmôn trong khoảng 6 tháng đến 1-2 năm. Khi điều trị hoocmôn để chuyển giới nữ sang nam: giọng nói sẽ trầm đi, âm vật tăng kích thước, lông ở mặt và cơ thể mọc nhiều lên, không còn kinh nguyệt, mô vú, âm đạo teo đi, giảm tỉ lệ mỡ cơ thể so với khối lượng cơ bắp.
Ở người chuyển giới nam sang nữ: vú sẽ phát triển to ra, giảm chức năng cương dương, tinh hoàn teo lại, giảm sản xuất tinh trùng, râu lông mọc ít hơn, tăng tỉ lệ mỡ cơ thể so với khối lượng cơ bắp. Mức độ và thời gian thay đổi khi sử dụng hoocmôn thay thế rất đa dạng, tùy từng người nhưng những thay đổi này sẽ lần lượt xảy ra trong thời gian điều trị.
Sau điều trị hoocmôn, khi các thay đổi về tâm sinh lý của người chuyển giới ổn định mới phẫu thuật sửa cơ quan sinh dục để một người trở thành nam hoặc nữ hoàn toàn. Khi đã cắt cơ quan sinh dục, người chuyển giới phải dùng hoocmôn thay thế suốt đời.
Bác sĩ Dũng đặc biệt lưu ý “Việc sử dụng hoocmôn nam hóa, nữ hóa phải được chỉ định, kiểm soát và theo dõi bởi bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ như tăng men gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch… Ngoài ra, hoocmôn nữ hóa còn có thể gây huyết khối tĩnh mạch, sỏi mật, tăng cân, triglycerid máu cao, khối u tuyến yên; hoocmôn nam hóa có thể gây bệnh lý đa hồng cầu, tăng cân, rụng tóc, ngưng thở lúc ngủ, tăng mỡ máu, giảm mật độ xương, ung thư vú, tử cung, buồng trứng…”
Những khó khăn trước mắt
Việc thực hiện chuyển giới sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn bởi chuyển giới là thay đổi toàn bộ hồ sơ pháp lý, thay đổi hoàn toàn một người.Sau khi phẫu thuật chuyển giới, người chuyển giới còn có thể gặp những khó khăn như không được cộng đồng chấp nhận, “mất” gia đình hoặc bạn bè, mất việc làm và bị các tác dụng phụ của hoocmôn thay thế.
Bác sĩ Dũng cho biết tuy Bộ luật dân sự 2015 cho phép chuyển giới nhưng do chưa có luật chuyển đổi giới tính và thông tư hướng dẫn nên các cơ sở y tế chưa thể tiếp nhận người có nhu cầu chuyển giới.
Nhiều người phải ra nước ngoài chuyển giới với nhiều rủi ro do không đảm bảo an toàn, không ai chịu trách nhiệm khi bị tai biến, biến chứng. Khi đi họ đi bằng máy bay nhưng chuyển giới xong họ phải về chui bằng đường tiểu ngạch do không thể qua cửa khẩu với hai hình dạng và gương mặt khác nhau hoàn toàn.
Theo thống kê, nhu cầu chuyển giới tại Việt Nam là không hề nhỏ, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều vấn đề bàn cãi trong chính giới chuyên môn như cơ sở y tế nào được phép điều trị hoocmôn thay thế và phẫu thuật chuyển giới, ai là người sẽ điều trị, phải có chứng chỉ thế nào, thành lập hội đồng giám định y khoa trước phẫu thuật chuyển giới ra sao…
Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới sẽ khiến một người biến đổi hoàn toàn từ thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng cả sức khỏe và tuổi thọ cũng như tác động về mặt xã hội, luật pháp. Do đó, cần có hành lang pháp lý để người bị chứng buồn phiền giới được chuyển giới an toàn tại các bệnh viện hợp pháp.
Nguồn: tuoitre.vn