Hầu hết các thực phẩm đều chứa muối NaCl tự nhiên và khi chế biến, một lượng muối kha khá cũng được cho thêm vào để điều chỉnh tùy theo khẩu vị của người dùng. Để có một cơ thể khỏe mạnh, cần tránh dùng nhiều thực phẩm chứa lượng muối lớn để giữ lượng muối đưa vào cơ thể ở trong giới hạn được chỉ định.
Vì sao cần ăn ít muối
Các bệnh do ăn nhiều muối
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã xác định, ăn nhiều muối dễ dẫn đến áp huyết cao. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Trên thực tế, muối thường được đề cập trong chế độ ăn giảm muối là muối ăn sodium chloride (NaCl) và cả nhiều loại muối khác có cùng gốc Sodium (Na) tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như monosodium glutamate, sodium citrate, sodium bicarbonate. . .
Giảm ăn muối sẽ có lợi như thế nào
Một báo cáo được phổ biến trên tạp chí British Medical Journal cho biết, chỉ cần giảm bớt mức tiêu thụ muối ở mỗi người khoảng 5g/ngày cũng có thể giảm được tỷ lệ tử vong lên đến 23% do đột quỵ và khoảng 17% do bệnh tim. Tiến sĩ Robert Eckel, Giáo sư Y khoa trường Đại học Colorado Denver cho rằng, mọi người đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc cần phải ăn giảm muối, trong khi một báo cáo mới nhất của Viện Y học Mỹ vào năm 2010 gọi cao huyết áp là một căn bệnh đang bị xao lãng và kêu gọi những biện pháp tích cực hơn trong chiến lược ăn giảm muối.
Hiện nay, trung bình người Âu Mỹ ăn khoảng 10g muối mỗi ngày. Nếu cứ 3 người đột quỵ có 1 người chết và 5 người bệnh tim có 1 người tử vong thì việc tuân thủ chế độ ăn giảm muối có thể cứu được hàng triệu người mỗi năm. Bên cạnh đó, những người có bệnh gan hoặc thận thường bị phù nề do giữ nước, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu thông qua hệ thống mạch máu nên cần hạn chế muối trong chế độ ăn uống và thậm chí cả muối từ các loại thực phẩm tự nhiên có hàm lượng cao để giảm phù nề cũng như những nguy cơ về tim mạch.
Chế độ ăn ít muối
Trong điều trị, người ta thường dùng hai chế độ ăn ít muối: hạn chế muối tương đối (số muối còn lại trong chế độ ăn là từ 1,25g-1,5g tức là lượng Sodium từ 0,5g-1g) và hạn chế muối tuyệt đối (lượng muối chỉ còn có 0,5-1g tức là Sodium từ 0,2-0,4g).
Những đối tượng cần ăn ít muối
Chế độ ăn hạn chế muối thường áp dụng cho những đối tượng như sau:
- Suy tim
- Tăng huyết áp
- Bệnh thận (viêm thận cấp tất cả các thể: thể phù thì hạn chế tuyệt đối hoặc tương đối tùy theo phù nhiều hay ít, thể urê huyết cao thì phối hợp giữa hạn chế muối với hạn chế chất đạm; viêm thận mãn tính: thể phù phải hạn chế muối, thể huyết áp cao và urê huyết cao thì phối hợp hạn chế muối và hạn chế chất đạm; thận hư nhiễm mỡ: hạn chế muối phối hợp với tăng chất đạm)
- Xơ gan kèm theo cổ chướng và phù: hạn chế muối phối hợp với tăng chất đạm
- Phụ nữ có thai: hạn chế muối tương đối nhiều trong 3 hoặc 6 tuần lễ cuối trước khi sinh.
- Các loại bệnh cần hạn chế nước cũng phải kiêng muối vì khi không có muối trong chế độ ăn, cơ thể bắt buộc phải bài tiết nước ra ngoài.
Những người không được áp dụng chế độ ăn ít muối
Những bệnh không được áp dụng chế độ ăn ít muối bao gồm: chứng béo trê vì hạn chế muối không làm cho cơ thể mất bớt mỡ nếu không hạn chế các thức ăn khác; viêm dạ dày, tăng bài tiết dịch vị HCl: hạn chế muối không làm giảm sự bài tiết dịch vị, các chất gia vị khác kích thích dạ dày nhiều hơn muối; hội chứng tăng urê huyết do thiếu muối NaCl, các trường hợp ỉa chảy nhiều và nôn nhiều.
Hạn chế muối tuyệt đối kéo dài trong các trường hợp bệnh tim mạch, thận có thể gây ra tăng urê huyết, nhất là khi dùng các thuốc lợi tiểu thủy ngân (cơ thể mất nhiều muối vì đi tiểu nhiều). Ngoài ra, các trường hợp bệnh nhân huyết áp thấp, da khô cũng có thể ăn mặn hơn một chút. Nếu suy thận độ 1 chỉ nên dùng tối đa 4-6gr muối. Nếu suy thận độ 2 chỉ dùng 2-4gr muối, độ 3a là 1-2gr và độ 3b chỉ nên dùng dưới 1gr muối ăn mỗi ngày.
Hướng dẫn thực hiện chế độ ăn ít muối
Theo một số chuyên gia về tim mạch, ngoại trừ một số người làm việc nặng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú có thể cần đến 2g muối mỗi ngày, người bình thường chỉ cần khoảng 0,5g mà thôi. Trên thực tế, việc ăn nhiều muối chỉ là một thói quen được tập nhiễm lâu ngày chứ không phải là một nhu cầu thực sự của cơ thể.
Một khảo sát đã cho biết, người Việt chúng ta có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người Việt tiêu thụ là từ 18-22 g /ngày, trong khi lượng khuyến cáo là không quá 0,5g. Do đó, bên cạnh những biện pháp giảm muối từ những thực phẩm chế biến sẳn, cá nhân và gia đình nên lưu ý đến việc giảm muối trong nêm nếm. Vậy là cách nào để thực hiện điều này một cách dễ dàng và ý thức hơn?
Đọc nhãn thực phẩm khi thực hiện chế độ ăn ít muôi
Khi mua thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng gói, hãy đọc nhãn thành phần muối NaCl trên bao bì.
Ví dụ:
- Sodium-free (Không có muối): chứa dưới 5 mg/khẩu phần.
- Very low sodium (Rất ít muối): chứa tối đa 35 mg/khẩu phần.
- Low sodium (Ít muối): chứa tối đa 140 mg/khẩu phần.
- Reduced or less sodium (Ít hoặc giảm muối): ít hơn tối thiểu 25% muối so với hàm lượng chuẩn trong thực phẩm.
- Light in sodium (Ít muối): ít hơn tối thiểu 50% muối so với hàm lượng chuẩn trong thực phẩm.
- Unsalted (Không ướp muối): không thêm muối khi chế biến.
- No salt added (Không thêm muối): không thêm muối khi chế biến .
Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ, thực phẩm được đánh giá là “tốt cho sức khỏe” phải chứa không quá 480mg sodium, những sản phẩm “kiểu bữa ăn” không được quá 600mg natri.
Bí kíp giảm lượng muối dùng trong chế độ ăn ít muối
- Giảm lượng muối từ từ.
- Không để lọ muối trên bàn.
- Mua rau tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp với nhãn “không thêm muối”.
- Dùng thịt gia cầm, cá và thịt nạc tươi, hơn là loại đóng hộp hoặc chế biến sẵn.
- Dùng rau thơm, gia vị và hỗn hợp gia vị không muối
- .Nấu cơm, mì ống và ngũ cốc nóng không thêm muối.
- Giảm ăn gạo có thêm gia vị, bữa tối đông lạnh, món pizza, món trộn đóng gói, súp đóng hộp hoặc món sa-lát đóng gói.
- Rửa thực phẩm đóng hộp (như cá ngừ) để loại bỏ bớt natri.
- Chọn quả hạch hoặc hạt không mặn, đậu đỗ, đậu Hà Lan và đậu lăng sấy khô.
- Hạn chế món ăn nhanh mặn như khoai tây chiên và bánh quy mặn.
- Thêm nước ép chanh tươi vào cá và rau thay cho muối.
- Khi ăn, hãy đề nghị giảm natri trong khẩu phần ăn của bạn.
- Loại bỏ muối khi chế biến thức ăn bất cứ khi nào có thể.
- Giảm đồ gia vị giàu natri như xì dầu, nước sốt cà chua, mù tạt và gia vị.