Kháng sinh nhóm Quinolon là những kháng sinh quan trọng có phổ tác dụng rộng trong điều trị nhiễm vi khuẩn hiếu khí gram âm và gram dương.
8.1. Phân loại và phổ kháng khuẩn
– Các kháng sinh nhóm quinolon không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất bằng tổng hợp hóa học.
– Các kháng sinh trong cùng nhóm quinolon nhưng có phổ tác dụng không hoàn toàn giống nhau. Căn cứ vào phổ kháng khuẩn, theo một số tài liệu, quinolon tiếp tục được phân loại thành các thế hệ như tóm tắt trong Bảng I.5.
8.2. Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR đặc trưng của nhóm là viêm gân, đứt gân Asin; Tỷ lệ gặp tai biến tăng nếu sử dụng trên người bệnh người bệnh suy gan và/hoặc suy thận, người cao tuổi hoặc dùng cùng corticosteroid. Biến dạng sụn tiếp hợp đã gặp trên động vật non, do đó cũng có thể gặp ở trẻ em tuổi phát triển nhưng rất hiếm. Tác dụng phụ trên thần kinh trung ương, gây nhức đầu, kích động, co giật, rối loạn tâm thần, hoang tưởng. Các ADR của nhóm kháng sinh này tương tự các cyclin là tác dụng trên đường tiêu hoá, gây buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy hoặc gây suy gan, suy thận, mẫn cảm với ánh sáng.
Bảng I.5. Các thế hệ kháng sinh nhóm quinolon và phổ tác dụng
Kháng sinh quinolon | Phổ tác dụng |
Thế hệ 1
|
|
Acid Nalidixic
Cinoxacin
|
Tác dụng ở mức độ trung bình trên các chủng trực khuẩn Gram-âm họ Enterobacteriaceae. |
Thế hệ 2
|
|
Loại 1:
Lomefloxacin Norfloxacin Enoxacin
|
Các kháng sinh này vẫn thuộc nhóm fluoroquinolon (cấu trúc phân tử có flo), tuy nhiên phổ kháng khuẩn cũng chủ yếu chỉ tập trung trên các chủng trực khuẩn Gram-âm họ Enterobacteriaceae.
|
Loại 2:
Ofloxacin Ciprofloxacin
|
Fluoroquinolon loại này có phổ kháng khuẩn mở rộng hơn loại 1 trên các vi khuẩn gây bệnh không điển hình. Ciprofloxacin còn có tác dụng trên P. aeruginosa. Không có tác dụng trên phế cầu và trên các vi khuẩn Gram-dương.
|
Thế hệ 3
|
|
Levofloxacin Sparfloxacin Gatifloxacin Moxifloxacin
|
Các fluoroquinolon thế hệ 3 vẫn có phổ kháng khuẩn trên Enterobacteriaceae, trên các chủng vi khuẩn không điển hình. Khác với thế hệ 2, kháng sinh thế hệ 3 có tác dụng trên phế cầu và một số chủng vi khuẩn Gram-dương, vì vậy đôi khi còn được gọi là các quinolon hô hấp.
|
Thế hệ 4
|
|
Trovafloxacin
|
Kháng sinh này có hoạt phổ rộng, tác dụng trên Enterobacteriaceae, P. aeruginosa, vi khuẩn không điển hình, S. aureus nhạy cảm với methicilin, streptococci, vi khuẩn kỵ khí.
|
Nguồn: Hướng dẫn mới nhất về sử dụng thuốc kháng sinh của Bộ Y tế ngày 2/3/2015
Benh.vn