Lợi dụng tâm lý hoang mang của đại đa số người dân về đại dịch Corona, nhiều đơn vị trục lợi bằng cách tăng giá bán khẩu trang, tuyên truyền sai về tác dụng của khẩu trang trong phòng ngừa dịch bệnh. Đọc bài viết sau đây để hiểu hơn về vấn đề này!
Vai trò của khẩu trang đối với dịch virus Corona
Một trong những hình ảnh xuất hiện thường xuyên trong những dịch virus là tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Đặc biệt là Trung Quốc trong những ngày qua với sự bùng phát của dịch virus corona hay còn gọi là virus Vũ Hán, khẩu trang trở thành phụ kiện bắt buộc với tất cả công dân nước này. Tất cả hành khách đến Auckland từ Trung Quốc sáng nay đều đeo khẩu trang trên chuyến bay, những quầy thuốc gần sân bay đều bị “cháy” khẩu trang. Một số thông tin cho rằng khẩu trang có thể giúp ngăn chặn sự truyền nhiễm từ tay sang miệng, nhưng khó có thể chống lại được virus từ môi trường. Điều này có đúng không và thực chất khẩu trang có tác dụng gì?
Khẩu trang được sử dụng để chống lại vi khuẩn và virus tại nhiều nước trên thế giới. Đồng thời khẩu trang cũng được dùng để chống lại sự ô nhiễm không khí nặng tại nước đang phát triển hiện nay. Tuy nhiên không phải khẩu trang nào cũng làm được điều này. Chỉ khẩu trang N95 và khẩu trang 3M có khả năng lọc đến 95% các hạt có kích thước siêu nhỏ đến 0.3μm (0.3 micron). 0.3μm tương đương với kích thước của virus và vi khuẩn. Đây là những hạt siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy, thường được gọi là bụi siêu mịn PM 2.5.
Tuy nhiên, đối với virus Corona, không cần thiết sử dụng đến các loại khẩu trang đắt đỏ như vậy. Bản thân virus corona không tồn tại độc lập được trong không khí. Chủng virus này tồn tại trong các giọt nước bọt của người nhiễm virus phát ra khi trò chuyện. Kích thước của giọt nước bọt lớn, do vậy bất kỳ loại khẩu trang nào cũng có thể dùng để phòng chống Corona virus, kể cả khẩu trang vải.
Ý kiến chuyên gia về việc dùng khẩu trang để chống lại Virus Corona
Có nhiều quan điểm về việc sử dụng khẩu trang trên thế giới. Bác sĩ Chris Smith – chuyên gia cố vấn các bệnh do virus đến từ Đại học Cambridge cho biết:
“Thay vì dành tiền vào mua khẩu trang, mọi người nên dành tiền đó vào những việc mình yêu thích chẳng hạn như đi uống bia. Những chiếc khẩu trang là một sự lãng phí và không thực sự cần thiết. Chúng chỉ giúp bạn cảnh giác và cảm thấy yên tâm hơn và đeo khẩu trang không thôi rõ ràng chẳng thể đủ để phòng dịch.”
Ông cũng cho biết điều này cũng còn tùy vào loại khẩu trang nữa và phải đeo khẩu trang đúng cách. Tại bệnh viện có một số hình thức kiểm tra để tìm ra loại khẩu trang phù hợp cho từng đối tượng, mọi người cũng nên đeo cả kính khi đi ra bên ngoài.
“Những loại khẩu trang mua bên ngoài thường rẻ tiền và không mang lại hiệu quả do chúng quá rộng và không bám sát mặt khiến cho dịch tiết khi ho và hắt xì có thể bắn sang người bên cạnh. Bên cạnh đó khẩu trang cũng dễ bị ẩm tạo ra các lỗ hổng cho các phân tử vi khuẩn chui qua”.
Tuy nhiên, trong phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/2/2020, Tổng giám đốc cơ quan Y tế – bác sĩ Ashley Bloomfield cho biết việc đeo khẩu trang là rất cần thiết “Tôi cho rằng mọi người đều nên đeo khẩu trang nếu họ cảm thấy việc này giúp họ bảo vệ bản thân khỏi các triệu chứng của bất cứ bệnh nào như cúm hay cảm lạnh, đây là quyết định của từng cá nhân”.
Bác sĩ David Carrington đến từ St George, Đại học London qua buổi phỏng vấn với BBC cho biết “Loại khẩu trang thông thường không có hiệu quả chống lại virus hay vi khuẩn ngoài môi trường do chúng quả lỏng lẻo, không có chức năng lọc không khí và không che kín mắt”. Nhưng chúng có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm virus qua việc ho hay hắt xì và có một số tác dụng chống lại sự truyền nhiễm từ tay sang miệng.
Jonathan Ball – giáo sư virus học phân tử tại Đại học Nottingham cho biết “Trong một nghiên cứu được kiểm soát nghiêm ngặt tại một bệnh vện, khẩu trang thông thường có tác dụng phòng chống virus cúm tốt tương tự như loại khẩu trang chống độc được thiết kế đặc biệt”. Khẩu trang chống độc thường được cấu tạo với bộ lọc không khí có tác dụng chống lại các phân tử có hại có trong không khí. Tuy nhiên, loại khẩu trang thông thường thường mất hiệu quả bảo vệ nếu sử dụng trong một thời gian dài, đặc biệt tại những nơi đông người, giáo sư Ball cho biết.
Bác sĩ Connor Bamford đến từ viện Y học thực nghiệm Wellcome-Wolfson thuộc Đại học Queen, Belfast cho biết “Các phương pháp bảo vệ dù đơn giản nhưng cũng mang lại hiệu quả rất lớn. Thứ nhất, che miệng khi hắt xì, tiếp theo rửa tay và không đặt tay lên miệng trước khi rửa tay để hạn chế virus”.
Tóm lại, dù có nhiều quan điểm trái chiều, nhưng các bác sỹ đều khẳng định vai trò nhất định của khẩu trang và việc đeo khẩu trang đúng cách. Đeo khẩu trang không những vô hại mà còn giúp bảo vệ bạn khỏi ô nhiễm môi trường, khói bụi và cho bạn cảm giác yên tâm khi ra đường. Vậy hãy cứ đeo khẩu trang, phòng bệnh hơn chữa bệnh bạn nhé.