Bằng cách phân tích hơn 1,000 mẫu phân người, các nhà khoa học Bỉ đã làm sáng tỏ một loạt yếu tố về lối sống và chế độ dinh dưỡng có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt là ảnh hưởng của bia và sô cô la.
Những năm gần đây, hệ vi sinh vật đường ruột đã được chứng minh là có mối liên hệ với nhiều căn bệnh của con người như tiểu đường, tim mạch, trầm cảm,… Vì vậy, việc biết được những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột này có thể giúp ích rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về cơ chế bệnh sinh, cũng như cách điều trị cụ thể cho từng căn bệnh trong tương lai.
Ảnh minh họa: Theo nghiên cứu, sô cô la đen cũng có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Jeroen Raes, Đại học Leuven (KU Leuven), Bỉ và các cộng sự cho biết: những phát hiện của họ có thể hướng các nghiên cứu trong tương lai tới việc tìm hiểu xem liệu hệ gen vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng tới bệnh tật của con người như thế nào.
Kế quả được đăng tải trên tạp chí Science. Đây là nghiên cứu thuộc Dự án Vi sinh vật Đường ruột Flemish, một trong những dự án lớn nhất về hệ vi sinh vật đường ruột của những người khỏe mạnh.
Hệ vi sinh vật đường ruột chứa hàng chục nghìn tỷ vi sinh vật, với tối thiểu 1,000 chủng vi khuẩn, và có thể nặng tới 2 kg.
Trong khi khoảng một phần ba hệ vi sinh vật đường ruột thường gặp ở hầu hết mọi người, thì tới hai phần ba số vi sinh vật này là đặc biệt ở riêng mỗi người. Do vậy, các nhà khoa học rất hứng thú tìm hiểu xem hệ vi sinh vật đường ruột này có thể tác động như thế nào tới sức khỏe của chúng ta.
69 yếu tố ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột
Trong nghiên cứu, giáo sư Raes và các cộng sự đã phân tích mẫu phân của hơn 1,000 tình nguyện viên khỏe mạnh tham gia Dự án Vi sinh vật Đường ruột Flemish.
Bằng các phân tích, họ đã chỉ ra 69 yếu tố liên quan tới sự đa dạng hoặc cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột. Trong đó có nhiều yếu tố liên quan tới thời gian chuyển hóa – thời gian thức ăn đi từ miệng xuống hết ruột, chế độ dinh dưỡng, thuốc, giới tính, tuổi và sức khỏe tổng quan.
Các nhà khoa học đã tổng hợp kết quả của họ với những phân tích khác trên thế giới, và định danh 14 chủng vi khuẩn có trong đường ruột của tất cả mọi người.
Giáo sư Raes nhấn mạnh rằng phần lớn nghiên cứu đang tập trung vào sự đa dạng vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng gì tới quá trình hình thành một số bệnh cụ thể.
Ông nói: “Mặc dù vậy, phân tích hệ vi sinh vật “trung bình” là cần thiết để phát triển thuốc điều trị cũng như các phương pháp chẩn đoán liên quan tới hệ vi sinh vật này. Bạn cần phải hiểu đâu là một hệ vi sinh vật đường ruột bình thường trước khi hiểu về cơ chế và cách chữa trị bệnh.”
Ảnh minh họa: Mối liên hệ giữa bia và hệ vi sinh vật đường ruột đã được làm sáng tỏ trong nghiên cứu
Thời gian chuyển hóa thức ăn, bia và sô cô la đen ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian chuyển hóa thức ăn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột. Và chế độ dinh dưỡng – đặc biệt là chế độ ăn giàu chất xơ – đóng vai trò cốt lõi trong việc này.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng việc ăn sô cô la đen làm gia tăng một quần thể vi khuẩn đặc biệt trong ruột. Tương tự, việc uống bia cũng ảnh hưởng lớn tới cấu trúc của hệ vi sinh vật đường ruột người.
Ngược lại các nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả thấy rằng phương pháp sinh đẻ hoặc việc bú sữa mẹ đầy đủ khi còn nhỏ không ảnh hưởng tới cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột ở người khi trưởng thành.
Đặc biệt, khoảng 90% các yếu tố ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường ruột đã phát hiện trong nghiên cứu này cũng lặp lại ở bộ dữ liệu của dự án Nghiên cứu Cuộc đời người Hà Lan.
“Sự lặp lại này càng làm tăng thêm giá trị cho những phát hiện của chúng tôi.”
Từ việc phân tích dữ liệu của dự án Hà Lan, các nhà khoa học còn thấy rằng bơ cũng ảnh hưởng lớn tới cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột.
Giáo sư Jeroen Raes nói: “Những kết quả này là vô cùng quan trọng với các nghiên cứu bệnh lý trong tương lai.
Ví dụ, bệnh Parkinson là bệnh điển hình liên quan tới thời gian chuyển hóa trong ruột lâu hơn, và do vậy ảnh hưởng tới cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột. Vì vậy để nghiên cứu về hệ vi sinh vật đường ruột ở các bệnh nhân Parkinson, bạn cần lưu ý yếu tố này.
Cùng với nhiều nghiên cứu khác, phát hiện của chúng tôi có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu ra những liệu pháp điều trị mới trong tương lai.”
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu. Kết quả của họ mới chỉ giải thích được khoảng 7% những biến đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Các nhà khoa học ước tính rằng họ cần thu thập khoảng 40,000 mẫu phân người nữa để định hình toàn bộ bức tranh về cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột của người. Và họ hy vọng sẽ thực hiện được điều đó với sự hỗ trợ của Dự án Vi sinh vật Đường ruột Flemish.