Đề phòng nhiễm virus Hanta nguy hiểm do bị chuột cắn, Cục Y tế dự phòng vừa khuyến cáo người dân nên ngủ màn, tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng, dùng ủng cao su khi đến nơi có chuột sống.
Các biện pháp bảo vệ khác bao gồm:
– Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
– Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột.
– Giữ vệ sinh, gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột.
– Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm.
– Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc.
– Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột/chất thải của chuột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Sau ca bệnh mới đây tại TP HCM bị suy thận cấp do nhiễm virus Hanta, Cục Y tế (Bộ Y tế) dự phòng đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng 63 tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng, chống nhiễm virus này.
Theo các chuyên gia dự phòng, virus Hanta lây từ chuột có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu.
Ngoài ra, virus còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Bệnh không lây từ người sang người. Một số ít trường hợp nặng có thể tử vong.
Benh.vn (theo vnexpress.net)