Lỗ đái lệch thấp (Hypospadias) là dị tật bẩm sinh của dương vật làm cho niệu đạo, vật hang, vật xốp, qui đầu và da qui đầu phát triển không hoàn toàn. Lỗ niệu đạo có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên thân dương vật, thậm chí có thể nằm ở bìu hay tầng sinh môn.
Mục lục
Ở một trẻ trai bình thường, sau khi kéo da bao quy đầu lên trên để lộ quy đầu, chúng ta thấy lỗ đái nằm gần chính giữa của quy đầu dương vật của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ buồn đái hoặc cương dương vật lúc ngủ, dương vật của trẻ dựng thẳng và đôi lúc hơi cong hướng lên phía bụng trẻ.
Ở một số trẻ trai, sau khi kéo da bao quy đầu lên trên để lộ quy đầu, lỗ đái nằm thấp hơn về phía dưới (hay phía sau), đôi khi lỗ đái nằm đến gốc của dương vật hay bìu. Những trường hợp như vậy được gọi là lỗ đái đổ thấp
1. Phân loại lỗ đái lệch thấp
Việc phân loại lỗ đái lệch thấp dựa vào vị trí lỗ niệu đạo mở ra trên dọc chiều dài của dương vật và tầng sinh môn. Tương ứng với từng vị trí đó mà người ta chia ra các thể lệch thấp khác nhau.
Lỗ đái lệch thấp đoạn trước:
– Phần thấp qui đầu: Vị trí lỗ đái nằm ở phần thấp của qui đầu. Thể này không gây ảnh hưởng nhiều cho người bệnh
– Rãnh qui đầu: Vị trí lỗ đái nằm ở phần rãnh qui đầu. Thể này bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường và bệnh ít gây ảnh hưởng đến người bệnh, ngoại trừ một số mặc cảm về tâm lí
Lỗ đái lệch thấp đoạn thân dương vật:
– Phần đầu của thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở phần đầu của thân dương vật, tính từ qui đầu trở xuống phía xương mu. Ở vị trí này bệnh bắt đầu làm cho dương vật cong và ngắn, cản trở hoạt động tình dục và sinh sản.
– Giữa thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở giữa thân dương vật. Hầu như tất cả bệnh nhân đều không thể hoạt động được tình dục do dương vật ngắn và cong.
– Phần gốc của thân dương vật: Vị trí lỗ đái nằm ở gốc dương vật. Trường hợp này bệnh nhân không thể đứng đái được mà phải đái ngồi. Dương vật ngắn và cong làm cho bênh nhân không thể hoạt động tình dục được và hoàn toàn không thể có con được một cách tự nhiên nếu không điều trị phẫu thuật.
Lỗ đái lệch thấp đoạn sau:
Đây là thể nặng nhất của bệnh, thể này không những gây ảnh hưởng đến đời sống sinh lý mà gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của người bệnh. Thể này bao gồm:
– Chỗ nối dương vật- bìu
– Ở bìu
– Tầng sinh môn
Cụ thể được phân loại như sau:
– Thể trước (nhẹ): lỗ đái nằm đoạn ở quy đầu hay rãnh quy đầu, chiếm 50%
– Thể giữa (trung bình): lỗ đái nằm đoạn 1/3 trước và 1/3 giữa của dương vật, chiếm 30%
– Thể gần (nặng): lỗ đái nằm đoạn 1/3 sau của dương vật, bìu và tầng sinh môn, chiếm 20%
2. Triệu chứng của dị tật lỗ đái thấp
Triệu chứng điển hình đầu tiên ở trẻ bị lỗ đái đổ thấp là lỗ đái của trẻ không nằm ở đỉnh của dương vật mà nằm dọc theo mặt dưới của thân dương vật.
3. Tỷ lệ trẻ mắc dị tật lỗ đái đổ thấp
Tỉ lệ trẻ mắc lỗ đái đổ thấp dao động từ 3 phần ngàn đến 1 phần trăm trẻ sơ sinh đủ tháng, có nghĩa là cứ mỗi 1000 trẻ em sinh ra thì có từ khoảng 3 đến 10 trẻ mắc lỗ đái đổ thấp.
4. Nguyên nhân trẻ bị mắc dị tật lỗ đái đổ thấp
Cho đến nay, dị tật lỗ đái đổ thấp vẫn chưa rõ nguyên nhân. Các yếu tố môi trường, nội tiết và di truyền được cho là có liên quan cộng hưởng đến sự hình thành nên dị tật này.
Về phương diện bào thai học, vào tuần thứ 8 trong thời kỳ bào thai, một loại tế bào của tinh hoàn gọi là tế bào Leydig sẽ sản xuất ra Testosteron để kích thích làm dài củ sinh dục (sau này là dương vật). Do củ sinh dục phát triển dài ra, nên máng niệu đạo cũng phát triển dài ra theo và sự phát triển của niệu đạo sẽ gần như hoàn tất vào tuần thứ 13 của thời kì bào thai. Khi một nguyên nhân nào đó làm cho quá trình phát triển của máng niệu đạo bị ngừng lại sẽ gây tật lỗ đái đổ thấp ở trẻ nam
Dị tật lỗ đái đổ thấp là loại dị tật thường kèm theo các dị tật khác mà nhất là ở cơ quan sinh dục ngoài như bìu và tinh hoàn. Nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dị tật lỗ đái đổ thấp có kèm theo tinh hoàn ẩn là 8-10%, và kèm theo thoát vị bẹn là 10-15%. Đặc biệt, nếu trẻ bị dị tật lỗ đái đổ thấp thể càng nặng (nằm cuối dương vật hay gần bìu) thì dị tật tinh hoàn ẩn kèm theo gặp càng nhiều. Chính vì vậy, ngoài việc xác định lỗ đái đổ thấp còn cần khám kỹ bìu của trẻ (xem thêm bài thoát vị bẹn và tinh hoàn ẩn) để phát hiện các dị tật này.
5. Những dị tật phối hợp với lỗ đái lệch thấp
Tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn
Tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn là hai dị tật phổ biến nhất phối hợp với lỗ đái lệch thấp. Tinh hoàn ẩn và thoát vị bẹn xuất hiện với tỉ lệ 9,%. Tỷ lệ này tăng lên khi lỗ đái lệch thấp đoạn sau.
Dị tật đường tiết niệu
Dị tật đường tiết niệu ở những bệnh nhân lỗ đái lệch thấp đơn thuần không nhiều. Nhưng khi lỗ đái lệch thấp có phối hợp với các bất thường ở các cơ quan khác thì tỉ lệ này rất cao. Khoảng 46% có bất thường đường tiết niệu trên với lỗ đái lệch thấp và dị tật không có hậu môn
Túi bầu dục tuyến tiền liệt (utriculus masculinus)
Túi bầu dục tuyến tiền liệt (utriculus masculinus) là một túi nhỏ mở rộng khỏi niệu đạo vào nhu mô tuyến tiền liệt. Bất thường này thấy ở khoảng 11% trong các trường hợp lỗ đái lệch thấp đoạn sau.
Rối loạn biệt hóa giới tính
Di tật rối loạn biệt hóa giới tính cần phải đặt ra ở tất cả các trường hợp lỗ đái lệch thấp đoạn sau phối hợp với tật tinh hoàn không xuống bìu. Cần tiến hành làm xét nghiệm karotyp và xét nghiệm nội tiết tố để xác định.
6. Điều trị
Chỉ áp dụng ở tuyến có chuyên khoa sâu về Tiết niệu và Nam học
Nguyên tắc điều trị
Cắt bỏ các tổ chức xơ quanh vật hang dương vật để dựng thẳng đứng dương vật, tạo hình lại niệu đạo bằng các vạt da và tổ chức, đưa lỗ niệu đạo ra đúng vị trí qui đầu. Vạt da và tổ chức sử dụng có thể dùng:
– Vạt da có cuống
– Vạt da hoặc các mảnh tổ chức niêm mạc tự do
Mục tiêu điều trị
Mục tiêu của quá trình điều tri là tạo nên một dương vật bình thường về mặt chức năng và giải phẫu.
Benh.vn