Mất sữa là thảm họa của chị em sau khi sinh bởi em bé không có được sự miễn dịch từ dòng sữa trong lành của người mẹ. Hơn thế, chị em sẽ phải vất vả, bận rộn hơn khi chăm sóc con sau quá trình sinh nở. Đi tìm nguyên nhân, các chuyên gia cho biết do nhiều yếu tố gồm cả khách quan lẫn chủ quan của sản phụ.
Mục lục
Phân tích dưới góc độ khoa học, trải qua quá trình “vượt cạn”, người mẹ bị mất sức, mất máu, dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, trầm cảm khiến sữa tiết ra ít hoặc mất sữa do phải điều trị kháng sinh, uống ít nước, nghỉ ngơi không hợp lý…
Nghỉ ngơi không hợp lý
Sau khi sinh con, cơ thể sản phụ rất yếu và sức đề kháng kém nên rất cần có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Trong đó, nhiều phụ nữ vì chăm con quấy khóc buổi đêm mà mất ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc một số người phải đi làm sớm, làm việc quá sức dẫn đến hoạt động tuyến sữa bị suy yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng ít sữa, tắc sữa, thậm chí mất sữa.
Stress và trầm cảm sau sinh
Không ít chị em sau khi sinh bị stress, trầm cảm, thậm chí nhiều người đã quyên sinh. Dưới góc độ khoa học có thể thấy sau khi sinh, người mẹ vừa trải qua quá trình mang thai nặng nhọc, sinh nở mất sức, mất máu, sự thay đổi nội tiết khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi và trầm cảm làm cho sữa tiết ra ít.
Cùng với áp lực do phải thức cả ngày và đêm chăm sóc con, không đủ thời gian nghỉ ngơi cũng khiến chị em dễ bị stress. Qua đó, tác động không tốt tới sự hoạt động của tuyến yên vốn là nơi điều tiết quá trình tiết sữa cũng gây nên hiện tượng mất sữa.
Chế độ dinh dưỡng kém
Nhiều người sau sinh quá kiêng khem hoặc không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ lại thêm nỗi lo tăng cân khó lấy lại vóc dáng sau sinh mà ăn rất ít thực phẩm dẫn đến thiếu chất. Điều này dẫn đến cơ chế tiết sữa khiến tuyến sữa ít dần, thậm chí bị mất sữa hoàn toàn.
Cho bé bú bình hoặc bú không đúng cách
Cho bé bú đúng cách là phương pháp hiệu quả để kích thích tuyến vú tiết sữa. Do đó, nếu mẹ cho con bú quá ít hoặc sai tư thế sẽ khiến tuyến vú không có được phản xạ tiết sữa. Không chỉ vậy, khi bú bình nhiều bé sẽ bỏ dần bú mẹ nên tuyến vú không được kích thích cũng là nguyên nhân gây tắt sữa.
Sử dụng thuốc
Trong quá trình cho con bú, nếu người mẹ bị bệnh, viêm nhiễm… phải điều trị thuốc kháng sinh có thể gây tác dụng phụ là mất sữa.
Ngoài ra việc uống quá ít nước (không đủ 2 lít nước/ngày) cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất sữa bởi nước là thành phần quan trọng trong quá trình “sản xuất” sữa của cơ thể phụ nữ. Nếu mẹ không uống đủ nước sẽ khiến tuyến vú không đủ nước để sản xuất sữa.
Làm thế nào để không bị mất sữa?
Để tuyến vú tiết sữa đầy đủ, các bà mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi ngày ngủ ít nhất 10 tiếng, khoảng 2 đến 4 tiếng vào ban ngày, từ 6 đến 8 tiếng ban đêm.
Ngoài ra, bổ sung thêm những thực phẩm lợi sữa như đu đủ xanh, cháo móng giò, chuối sứ, quả sung, hoa chuối lá, rau khoai lang, rau đay, lạc, hạt bí, rau ngót. Uống từ 2 đến 3 ly sữa mỗi ngày, đặc biệt là sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú sẽ giúp tăng cường chất và lượng sữa mẹ.
Đặc biệt, sản phụ nên giữ cho tinh thần được thoải mái bằng cách thư giãn hàng ngày, đi bộ, đọc sách hoặc làm điều mình thích tranh thủ vào những lúc con ngủ. Hãy cho bé bú thường xuyên và đúng cách.
Áp dụng phương pháp massage ngực bằng cách dùng tay nâng ngực rồi làm động tác vừa ấn nhẹ vừa xoay tròn quanh bầu ngực khoảng 20 lần mỗi bên. Các động tác cần thực hiện thật nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương núm vú. Nếu bé không bú hết sữa, mẹ nên vắt bớt sữa để tránh tình trạng tuyến vú giảm tiết sữa hoặc sữa ứ đọng gây viêm tắc tia sữa.