Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn độ, vô tổ chức không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể. Hiện nay, ung thư là một bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Mục lục
Tại Việt Nam, bệnh ung thư cũng có xu hướng ngày càng gia tăng về tỷ lệ mắc và trở thành một trong những gánh nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung về kinh tế, xã hội và sức khoẻ con người. Việc chẩn đoán và điều trị ung thư luôn là những vấn đề mà cả thế giới quan tâm và đầu tư nghiên cứu.
Phòng chống bệnh ung thư (ảnh minh họa)
Các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư
Ung thư là một bệnh lý phức tạp có yếu tố khởi phát thường không rõ ràng và thường là kết hợp nhiều nguyên nhân, do đó cần nắm được các yếu tố nguy cơ của ung thư để có kết luận và theo dõi phù hợp.
Các yếu tố liên quan đến gen, di truyền
Một số loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú… có tính chất gia đình nghĩa là có nhiều người trong gia đình mắc cùng một loại bệnh ung thư. Do vậy, những thành viên gia đình này nên đi khám sức khoẻ định kỳ để sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, từ đó điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Bức xạ ion hoá
Những người bị chiếu bởi các bức xạ ion hoá có thể tổn thương ADN trong nhân tế bào và dẫn đến ung thư. Nguy cơ tổn thương ADN phụ thuộc vào mức độ chiếu xạ nhiều hay ít. Do đó, chúng ta cần có các biện pháp hạn chế nguy cơ bị chiếu xạ cho cơ thể. Đối với những người làm trong môi trường có tiếp xúc với phóng xạ cần có các phương tiện bảo hộ lao động, che chắn phù hợp… để hạn chế mức độ ảnh hưởng của bức xạ ion hoá.
Bức xạ tia cực tím
Là bức xạ từ mặt trời đi tới trái đất. Loại bức xạ có hại nhất là loại có tần số cao, tức những tia cực tím B có khả năng làm tổn thương ADN. Những tia bức xạ cực tím này là nguyên nhân gây ra khoảng 90% các trường hợp ung thư da.
Mức độ nguy hiểm của tia cực tím theo từng giờ trong ngày
Vì vậy, cần có các phương tiện bảo hộ thích hợp, nên bôi kem chống nắng và tránh bị phơi nắng quá nhiều.
Hoá chất gây ung thư
Có nhiều loại hoá chất gây ung thư. Các chất này thường có ở trong đất, nước, thực phẩm, ví dụ như các thuốc trừ sâu, diệt cỏ…
Để phòng bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm ướp muối, nướng, hun khói; không ăn thực phẩm có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng. Tăng cường ăn hoa quả, rau xanh, các thực phẩm có nhiều caroten, vitamin C…
Yếu tố nội tiết
Những phụ nữ sử dụng nhiều các chế phẩm, thuốc có chứa estrogen sẽ có nhiều nguy cơ bị một số ung thư: ung thư vú, tử cung…
Phụ nữ có kinh lần đầu sớm và mãn kinh muộn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cần thường xuyên vận động, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không uống rượu, không nên sinh con quá muộn… sẽ làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung và các ung thư liên quan đến yếu tố nội tiết.
Thuốc lá
Trong khói thuốc lá có nhiều chất gây ra ung thư: phổi, đường hô hấp trên, thực quản, bàng quang, tuỵ, dạ dày, gan, thận, đại tràng và trực tràng…
Hít phải khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ bị các loại ung thư nói trên.
Rượu
Là một trong các nguyên nhân gây ung thư. Những người uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị ung thư miệng, họng, thực quản, dạ dày và gan.
Thực phẩm gây ung thư
Có một số loại thực phẩm có thể gây ung thư như: thực phẩm ướp muối, ủ chua, ngâm dấm, thực phẩm bị nấm mốc; thịt, cá hun khói, thịt nướng, dưa muối, thực phẩm đóng hộp…
Chế độ ăn nhiều mỡ động vật có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư đại tràng, trực tràng và tuyến tiền liệt.
Để phòng bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm ướp muối, nướng, hun khói; không ăn thực phẩm có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng. Tăng cường ăn hoa quả, rau xanh, các thực phẩm có nhiều caroten, vitamin C….
Chế độ ăn ít mỡ, thức ăn làm từ đậu tương, nhiều chất xơ, rau quả có thể phòng ngừa được ung thư vì chúng có tính chống oxy hoá, ngăn cản được các yếu tố nguy cơ phát triển thành ung thư.
Gốc tự do
Gốc tự do có thể gây tổn thương ADN và dẫn đến ung thư. Do đó, chúng ta cần bổ sung các chất chống oxy hoá có tác dụng kìm hãm, ngăn cản sự tạo thành các gốc tự do. Vitamin C và A là những chất chống oxy hoá tốt nhất, vì thế cần bổ sung hoặc ăn những thực phẩm chứa nhiều hai loại vitamin này.
Các triệu chứng cần đi khám để phát hiện sớm ung thư
Vàng da là một dấu hiệu của bệnh ung thư gan
Việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư giúp điều trị hiệu quả và có thể điều trị khỏi bệnh. Những dấu hiệu sau đây có thể là sự báo động của bệnh ung thư:
- Ho dai dẳng, ho ra máu kéo dài, đau ngực đặc biệt trên những người nghiện thuốc lá và rượu thì cần phải nghĩ tới bệnh ung thư phổi và cần phải đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Khàn tiếng thường xuyên và kéo dài không do viêm họng hay cảm lạnh, thì có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản.
- Rối loạn tiêu hoá dai dẳng, khi táo bón, khi tiêu chảy, đi ngoài có nhầy máu lẫn theo phân; ở tuổi trên 40 thường xuyên ăn không tiêu, đầy bụng, táo bón, hay bị tiêu chảy… là những dấu hiệu hướng tới bệnh ung thư đại tràng, trực tràng.
- Chán ăn, đầy hơi, đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… cần nghĩ tới ung thư dạ dày.
- Vết thương bị lở loét lâu lành ở vùng miệng, dù đã điều trị tích cực từ 2-3 tuần mà không khỏi, và nếu trong miệng có những vùng trắng dày lên, những khối sùi loét có thể là biểu hiện của ung thư khoang miệng.
- Nuốt nghẹn, nuốt vướng, nuốt khó, có cảm giác vướng víu ngay vùng cổ khi ăn, đó có thể là dấu hiệu ung thư thực quản.
- Đau hạ sườn phải, vàng mắt, vàng da có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư gan.
- Đi tiểu ra máu, đi tiểu buốt, dắt, tiểu nhiều lần hoặc khó đi tiểu… cần đi khám để phát hiện ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt.
- Ra máu âm đạo bất thường: sau khi có quan hệ tình dục, giữa chu kỳ kinh, sau mãn kinh… có thể là biểu hiện của bệnh ung thư tử cung.
- Đầu vú có tiết dịch hoặc rỉ máu, sờ thấy khối bất thường tại vú có thể là ung thư vú. Phụ nữ không sinh con, không cho con bú, những phụ nữ mà gia đình có mẹ, chị gái bị ung thư vú và phụ nữ trên 40 tuổi cần phải đi khám kiểm tra vú định kỳ 6 tháng -1 năm/lần để phát hiện sớm ung thư vú.
- Nốt ruồi đột nhiên phát triển nhanh, đau, ngứa, dễ chảy máu khi va chạm; các vết loét nhỏ trên da lâu ngày không khỏi… có thể là dấu hiệu ung thư hắc tố, ung thư da.
- Khối u ở chân tay, thành bụng và lưng có dạng cục tròn, hơi cứng và di động, cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phần mềm…
- Vết xuất huyết dưới da, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn… có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu, u lympho.
- Đau đầu, mờ mắt, co giật, giảm trí nhớ, yếu nửa người… có thể là dấu hiệu của u não
Tóm lại
Khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường chúng ta cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, phát hiện sớm ung thư. Đối với bệnh ung thư, phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả và tỷ lệ khỏi bệnh càng cao.
Chúng ta cần có lối sống lành mạnh, chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tránh các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh ung thư.
Để phát hiện sớm và điều trị ung thư có hiệu quả chúng ta cần thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai