Vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe của con người quả thực rất đáng kinh ngạc.
Mục lục
Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định thêm vai trò điều hòa của các vi sinh vật đường ruột này trên Hệ thống Thần Kinh Ruột và Hệ thống Thần kinh Trung tâm.
Thực tế cho thấy, các bệnh thần kinh, bệnh tự miễn, và phần lớn bệnh về tâm lý cũng liên quan đến sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột. Đặc biệt sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn tự nhiên trong ruột cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến việc điều trị không hiệu quả và làm tình trạng bệnh không thể cải thiện.
Hệ vi sinh vật đường ruột là gì?
Hệ vi sinh vật đường ruột của con người chứa hàng tỷ loại vi sinh vật, bao gồm tối thiểu 1000 chủng vi khuẩn khác nhau với hơn 3 triệu gen, gấp 150 lần gen người (1).
Các vi sinh vật này sinh trưởng theo cấp số mũ từ đầu đến cuối ống tiêu hóa, và chủ yếu nằm trong đại tràng. Đặc biệt, chỉ một phần ba trong số các chủng vi sinh vật này là thường gặp ở hầu hết mọi người, còn hai phần ba là đặc trưng riêng của mỗi người. Nói cách khác, chúng như thẻ căn cước, hay dấu vân tay của con người và không ai có giống ai (2).
Do vậy, hệ vi sinh vật đường ruột trong tương lai của mỗi người sẽ phụ thuộc vào tất cả các yếu tố ảnh hưởng và chế độ sinh hoạt kể từ khi họ được sinh ra.
Mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và các bệnh thần kinh
Một loạt các nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá mối quan hệ phức tạp giữa hệ vi sinh vật đường ruột và các bệnh thần kinh, tâm thần ở người.
Trẻ sinh mổ và sinh thường trong nghiên cứu của Polidano và cộng sự (3) đã cho thấy sự khác biệt về điểm nhận thức ở hai nhóm trẻ này. Trong đó, các trẻ sinh mổ có điểm nhận thức thấp hơn. Điều này rất có thể do quá trình tiếp xúc với hệ vi sinh vật ở da mẹ rất khác biệt giữa hai quá trình sinh mổ và sinh thường, dẫn tới sự khác biệt về hệ vi sinh vật phát triển trong cơ thể trẻ.
Trẻ dùng kháng sinh nhiều có nguy cơ cao phát triển những triệu chứng hành vi như trầm cảm (4). Điều này có thể do kháng sinh làm ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật trong ruột, và từ đó làm gia tăng nguy cơ trầm cảm khi trẻ lớn lên.
Những trẻ bị tự kỷ có thể từng bị các triệu chứng dạ dày ruột mạn tính nhiều gấp ba lần các trẻ bình thường, cho thấy rằng tự kỷ sinh lý có thể liên quan đến rối loạn sinh lý ở ruột người (5). Thêm vào đó, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ vi sinh vật ở trẻ bị tự kỷ đã có sự biến đổi so với ở trẻ bình thường (6).
Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng đã được thực hiện trên 60 người bị Alzheimer sau 12 tuần cho thấy: những bệnh nhân được sử dụng một loại chế phẩm vi sinh probiotic có sự cải thiện rõ rệt về điểm số qua bài kiểm tra tình trạng tâm trí nhỏ. Điều này thể hiện rằng chế phẩm vi sinh – một dạng chế phẩm có tác động tới hệ vi sinh vật đường ruột – có thể tăng cường chức năng nhận thức ở người (7).
Hướng chẩn đoán mới của các bác sỹ tâm lý và thần kinh học
Bác sỹ có thể tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm vi sinh như:
- Nuôi cấy và định danh vi khuẩn từ mẫu phân của bệnh nhân.
- Kiểm tra nồng độ acid hữu cơ trong nước tiểu để tìm các sản phẩm chuyển hóa của vi sinh vật.
- Xét nghiệm dị ứng thức ăn cụ thể.
Từ đó, bác sỹ có thể đánh giá sự khỏe mạnh của hệ vi sinh vật đường ruột, và tìm hiểu xem liệu có vi khuẩn hội sinh hoặc vi khuẩn gây bệnh hay không.
Phác đồ điều trị từ hướng tiếp cận mới
- Kiểm soát lối sống và chế độ dinh dưỡng của người bệnh, tập trung vào việc thay đổi các vi sinh vật đã định danh.
- Sử dụng các thuốc hoặc chế phẩm từ thảo dược và dược chất với mục tiêu làm kìm hãm và giảm sự tăng trưởng của các vi sinh vật gây hại, tái cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
Mặc dù vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học sẽ sớm đưa ra được câu trả lời để khẳng định các giả thuyết đang có. Và hy vọng rằng trong tương lai gần chúng ta sẽ tìm ra hướng điều trị hiệu quả cho các bệnh thần kinh, tâm thần bắt nguồn từ hệ vi sinh vật đường ruột của chính con người.
Nguồn:
1. Blaser, Martin J. “The theory of disappearing microbiota and the epidemics of chronic diseases.” Nature Reviews Immunology17.8 (2017): 461.
2. Leong, Rupert W., Nikola Mitrev, and Yanna Ko. “Hygiene hypothesis: is the evidence the same all over the world?.” Digestive Diseases 34.1-2 (2016): 35-42.
3. Polidano, Cain, Anna Zhu, and Joel C. Bornstein. “The relation between cesarean birth and child cognitive development.” Scientific reports 7.1 (2017): 11483.
4. Sharon, Gil, et al. “The central nervous system and the gut microbiome.” Cell 167.4 (2016): 915-932.
5. Chaidez, Virginia, Robin L. Hansen, and Irva Hertz-Picciotto. “Gastrointestinal problems in children with autism, developmental delays or typical development.” Journal of autism and developmental disorders 44.5 (2014): 1117-1127.
6. Tabouy, Laure, et al. “Dysbiosis of microbiome and probiotic treatment in a genetic model of autism spectrum disorders.” Brain, behavior, and immunity 73 (2018): 310-319.
7. Akbari, Elmira, et al. “Effect of probiotic supplementation on cognitive function and metabolic status in Alzheimer’s disease: a randomized, double-blind and controlled trial.” Frontiers in aging neuroscience 8 (2016): 256.