Đó là một nam bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, đến bệnh viện điều trị vì mắc bệnh quai bị. Theo nam bệnh nhân này, khi đầu mới mắc bệnh với những biểu hiện như khó nuốt nước bọt, hàm sưng to, tưởng bị đau răng hay mọc răng khôn vài ngày là khỏi nên bệnh nhân này cố cắn răng chịu đựng.
Không ngờ 5 ngày trôi qua, bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, mặc dù đã uống thuốc giảm đau, lo lắng quá nam bệnh nhân này đã đến bệnh viện kiểm tra, khi đó mới phát hiện mình mắc bệnh quai bị. Các bác sĩ đã cho vào khoa Truyền nhiễm, điều trị cách ly đồng thời tư vấn cho bệnh nhân này về những biến chứng mà bệnh có thể gây ra, đặc biệt là biến chứng vô sinh sau mắc bệnh.
Quá lo lắng, sau khi chữa khỏi bệnh vài ngày, nam thanh niên này đã đến Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) khám và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Rất may, kết quả cho thấy khả năng sinh tinh của nam thanh niên này vẫn còn, nhưng các bác sĩ cho biết, nếu không được điều trị kịp thời thì khả năng vô sinh của nam giới ở tuổi dậy thì khi mắc bệnh quai bị là rất cao.
Số lượng và sự di chuyển của tinh trùng sẽ quyết định khả năng có thụ tinh. Ảnh: Lê Phương
Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu Điện) cho rằng, những trường hợp như nam thanh niên trên không phải là hiếm gặp. Về mối liên hệ giữa bệnh quai bị với vô sinh ở nam giới, BS Nhã cho biết, vô sinh do mắc bệnh quai bị chiếm khoảng 30-40%.
“Những trường hợp trẻ nhỏ mắc quai bị không chịu sự tác động nhiều đến vấn đề vô sinh như trẻ ở tuổi vị thành niên (tuổi dậy thì) và nam giới đã ở tuổi trưởng thành”, BS Nhã cho biết.
Tuy nhiên, BS Nhã cũng đặc biệt lưu ý đến các các mẹ nhằm tránh việc con mình mắc bệnh quai bị. Theo BS Nhã, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi mắc quai bị, virus sẽ tấn công và ăn những tế bào sinh tinh của nam giới. Vì thế cần phải tiêm phòng đầy đủ, hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.
Theo BS Nhã, rất nhiều người khi mắc quai bị xong thì không còn tế bào sinh tinh nữa. Bởi vậy, sau khi mắc bệnh cần phải đến các cơ sở chuyên khoa để khám, nhằm có phương pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
Mắc bệnh quai bị, ngoài việc bị ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản, các bác sĩ cho biết bệnh còn có nhiều biến chứng nguy hiểm khác như nhồi máu phổi. Đây là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
Để phòng bệnh quai bị, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, vaccin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị, kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 – 7 tuần.
– Nếu trẻ bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi.
– Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi, lần 2 từ 4-12 tuổi.
Trong trường hợp tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vaccin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
Benh.vn ( Theo Khampha)