Các nhà khoa học sau khi phát hiện một tập hợp 326 gene của thằn lằn xanh nhỏ Anole đã giúp việc tái sinh các bộ phận cơ thể con người trước đây chỉ tồn tại trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng trở nên gần hiện thực hơn một bước.
Sử dụng bộ gene động vật
Một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết: Bộ gene của thằn lằn xanh nhỏ Anole không chỉ khiến các tế bào ở đuôi phân chia, mà còn tác động lên những tế bào thuộc các khu vực khác, như tế bào tủy sống hay tế bào da. Điều này khiến cho các nhà khoa học hoàn toàn ngạc nhiên, bởi họ dự kiến rằng toàn bộ quá trình tái tạo sẽ chỉ tập trung vào phần đuôi.
Bộ gene của thằn lằn xanh nhỏ Anole không chỉ khiến các tế bào ở đuôi phân chia, mà còn tác động lên những tế bào thuộc các khu vực khác.
Các nhà khoa học hy vọng rằng trong tương lai, các gene tương tự ở người có thể được kích hoạt nhằm hỗ trợ các liệu pháp điều trị tổn thương tủy sống, thậm chí là cả viêm khớp. Hiện nay việc xác định cách thức tăng tốc độ các phản ứng hóa học dẫn tới quá trình tái tạo mô trong cơ thể người, giống như đối với thằn lằn, sa giông hay sao biển là thách thức y học lớn nhất.
Thử nghiệm trên chuột
Các nhà khoa học đã phát hiện loại gene có cơ chế sinh học tương tự trong một nghiên cứu vào năm ngoái. Gene này mang tên Lin28a, có khả năng đưa các tế bào vào trạng thái phôi thai, kích thích cơ thể tự chữa lành một cách nhanh chóng. Nhược điểm của Lin28a là gene này chỉ có thể duy trì trạng thái kích hoạt trong tối đa là 1 tháng sau khi được sinh ra (đối với chuột), và khả năng chữa trị các tế bào của nó không thể mở rộng tới những cơ quan quan trọng như tim.
Trong tương lai các nhà khoa học hy vọng sẽ làm sáng tỏ bí ẩn về việc tái tạo các bộ phận quan trọng ở một số loài động vật để có thể mở ra hướng đi mới đột phá, thay đổi cuộc sống cho những bệnh nhân phải thực hiện cắt bỏ các bộ phận hoặc mắc các bệnh nguy hiểm.
Benh.vn (Theo Vietnamplus)