Lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới, một phụ nữ đã sinh con thành công từ tử cung được hiến tặng. Trong lịch sử cũng từng có hai ca cấy ghép tử cung ở Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không có trường hợp nào giữ được thai sau đó.
Trường hợp may mắn của y học
Sản phụ may mắn nói trên là một nữ vận động viên 36 tuổi người Thụy Điển. Cô có buồng trứng khỏe mạnh nhưng không có tử cung bẩm sinh (khiếm khuyết xảy ra ở 1/4.500 bé gái trên thế giới).
Năm 2013, cô được cấy ghép tử cung của một người quen 61 tuổi hiến tặng và phải dùng ba loại thuốc chống thải ghép. Sáu tuần sau ca phẫu thuật, cơ thể có dấu hiệu cho thấy tử cung cấy ghép thích nghi tốt với cơ thể người nhận.
Sau một năm, các bác sỹ đã chuyển một bào thai được thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của vợ chồng cô vào tử cung cấy ghép và người mẹ đã hạ sinh một bé trai vào tháng 9/2014. Bé trai bị ra đời sớm hơn dự kiến nhưng tình trạng sức khỏe của cả hai mẹ con hiện nay rất tốt.
Theo tiến sỹ Mats Brannstrom (khoa sản, Đại học Gothenburg và Stockholm IVF) – người đứng đầu nghiên cứu trên và cũng là người đã thực hiện ca đỡ đẻ đặc biệt này, cho biết em bé ra đời là “một điều tuyệt diệu, nhưng chứng kiến niềm vui của bố mẹ bé còn tuyệt vời hơn.”
Đầu năm 2014, nhóm nhà khoa học đã tiến hành cấy bào thai cho bảy phụ nữ được cấy ghép tử cung thành công và hiện có hai người đang mang thai ít nhất 25 tuần.
Hy vọng cho nhiều người
Sự kiện y học này mở ra hy vọng mới cho hàng nghìn phụ nữ đang khao khát có con nhưng không thể vì đã phải cắt bỏ tử cung do ung thư hoặc bẩm sinh không có tử cung.
Trước những thành công nói trên, các bác sỹ ở Anh, Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác cũng có kế hoạch thực hiện các phẫu thuật tương tự, nhưng sử dụng tử cung của phụ nữ đã mất chứ không phải từ người sống hiến tặng.
Benh.vn (Theo vietnamplus)