Thiếu Bitamin B1 là một bệnh khá phổ biến trên thế giới, đây cũng là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm như: bệnh tê phù, hội chứng thần kinh… ở trẻ em, thiếu vitamin B1 trầm trọng còn có thể viêm màng não dẫn đến tử vong.
Mục lục
Thiamin là Vitamin B đầu tiên được Funk xác định (năm 1910) nên gọi là vitamin B1. Vitamin B1 tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa và rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa đường, nó đóng vai trò trong sự dẫn truyền thần kinh ngoại biên.
Vitamin B1 là vitamin tan trong nước, tồn tại dưới dạng tinh thể màu trắng, rất nhạy cảm với nhiệt độ nên bị phân hủy phần lớn khi nấu chín, ngược lại không thay đổi hàm lượng khi trữ đông lạnh và bị phân hủy ở pH > 8 . Muốn trở nên hoạt động B1 liên kết với một hay nhiều nguyên tử phốt-pho. Thể coenzym của vitamin B1 là thiamin pyrophosphat, cần cho sự chuyển hóa acid amin có nhánh và chuyển hóa carbodydrat; nó là coenzym tác dụng trong phản ứng transcetolase làm trung gian cho sự chuyển đổi của hexose và pentose phosphat.
Nhu cầu vitamin B1 và nguồn cung cấp
Với nồng độ cao thiamin được hấp thu bằng cơ chế thụ động, nhưng ở nồng độ thấp nó được hấp thụ bằng hệ thống vận chuyển chủ động qua trung gian một chất mang và bị phosphoryl hóa. Vitamin B1 sau khi được hấp thụ trong ruột non và tá tràng, nó chuyển vào gan liên kết với phốt-pho thành dạng hoạt động, rồi vào máu để phân bố đi khắp cơ thể.
Trong máu, vitamin B1 gắn với protein huyết tương mà chủ yếu là albumin và hồng cầu. Các cơ quan dự trữ thiamin bao gồm cơ, tim, gan thận và não, trong đó cơ là nơi dự trữ chính. Trữ lượng vitamin B1 trong các mô là rất ít, vì thế hàm lượng B1 trong cơ thể phụ thuộc vào lượng đưa vào qua thức ăn. Vitamin B1 được dự trữ chủ yếu dưới dạng thiamin pyrophosphat, khoảng 30mg và thời gian bán hủy trong khoảng 9 – 18 ngày. Cơ thể bài tiết vitamin B1 qua nước tiểu.
Lượng vitamin B1 cần cung cấp hằng ngày cho cơ thể: trẻ em 1- 12 tuổi 0,7- 1,2mg; trẻ trên 12 tuổi là 1,3 – 1,5mg; người lớn nam là 1,5mg và nữ là 1,3mg; phụ nữ mang thai và nuôi con bú là 1,8mg.
Thiamin có nhiều trong các loại thực phẩm: nấm men bia, mầm ngũ cốc, thịt lợn, thịt bò, rau củ, hạt và đậu, nhìn chung vitamin B1 có trong hầu hết các loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật nhưng hàm lượng thấp.
Vì sao cơ thể bị thiếu Vitamin B1?
Cho đến nay khoa học chưa thấy hiện tượng thừa vitamin B1. Ngược lại thiếu vitamin B1 là một bệnh khá phổ biến trên toàn cầu. Một số nguyên nhân dẫn tới thiếu Vitamin B1 có thể có như sau:
- Bổ sung thiếu trong chế độ ăn: hầu hết những người thiếu vitamin B1 trên thế giới là do ăn kém. Thiếu vitamin B1 cũng thường gặp hơn ở các nước dùng gạo làm lương thực chính. người cao tuổi do ăn uống kém dễ bị thiếu Vitamin B1.
- Nghiện rượu: Ở các nước phương Tây, nguyên nhân chủ yếu gây thiếu vitamin B1 là nghiện rượu và bệnh mạn tính. Rượu ảnh hưởng gián tiếp đến sự hấp thu vitamin B1 và sự tổng hợp thiamin pyrophosphat. Bệnh nhân suy dinh dưỡng với bệnh gan do rượu có nguy cơ thiếu vitamin B1 vì giảm dự trữ trong gan và cơ.
- Người lao động nặng: do tăng tiêu hao năng lượng.
- Các chất, thuốc kháng Vitamin B1: Có nhiều phân tử có hiệu ứng chống lại vitamin B1 trong các sản phẩm động vật và thực vật cũng như trong một số loại thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai…
Biểu hiện thiếu Vitamin B1 và các nguy cơ khi thiếu Vitamin B1
Người bị thiếu vitamin B1 giai đoạn đầu thấy chán ăn, bực bội, thờ ơ, và thấy người mệt mỏi. Nếu thiếu vitamin B1 kéo dài gây bệnh tê phù thể ướt hay khô. Ở cả hai thể bệnh, bệnh nhân có biểu hiện bị đau và dị cảm.
Bệnh tê phù thể ướt có các triệu chứng tim mạch là chủ yếu, do chuyển hóa năng lượng cơ tim bị cản trở, có thể xảy ra sau 3 tháng ăn thiếu vitamin B1. Tim bệnh nhân to, nhịp nhanh, suy tim ứ huyết cung lượng cao, phù ngoại biên và viêm dây thần kinh ngoại biên. Phù ở các chi, ở mặt, toàn thân và các hốc thanh mạc; chân đau khi đi lại, cơ bắp chân sưng, ấn vào đau.
Bệnh nhân tê phù thể khô viêm và liệt nhiều dây thần kinh ngoại biên, suy yếu, mất cảm giác, giảm vận động; cơ bị teo và suy yếu dần, đi lại trở nên khó khăn; gầy mòn, lúc đầu phải chống gậy nhưng sau đó thì không đi lại được; nếu không được điều trị, bệnh nhân suy mòn dần, liệt giường, dễ bị nhiễm khuẩn, tử vong do nhiễm khuẩn nặng.
Hội chứng Wernicke-korsakoff là một hội chứng thần kinh – tinh thần hay gặp ở bệnh nhân nghiện rượu gây thiếu vitamin B1 nặng, kéo dài: bao gồm rung giật nhãn cầu ngang, liệt cơ mắt do yếu một hay nhiều cơ bên ngoài mắt, thất điều do tiểu não và trì trệ tâm thần; mất trí nhớ và bệnh tâm thần lú lẫn.
Bệnh Beri-Beri trẻ em, hay gặp ở những trẻ còn bú mẹ từ 2 – 5 tháng bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B1 có thể xảy ra nhanh chóng với suy tim đột ngột dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ. Trẻ thiếu vitamin B1 có thể viêm màng não, nôn ói, rung giật nhãn cầu và co giật; mất tiếng, trẻ bị kích thích mạnh hoặc khóc khàn tiếng, có khi không thể phát ra một âm thanh nào (hét yên lặng). Thể trường diễn ít gặp hơn, chủ yếu thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, táo bón dai dẳng, ngủ hay quấy, rất kém ăn; các cơ chân tay nhão, da nhợt nhạt, tím tái quanh môi; có thể suy tim và tử vong hay tử vong do nhiễm khuẩn nặng như viêm
Làm thế nào để phòng thiếu Vitamin B1?
Khi phát hiện thiếu vitamin B1 phải điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn; Có thể tiêm và uống vitamin B1: tiêm bắp vitamin B1 25mg 2 lần/ngày, trong 3 ngày; uống liều 10mg vitamin B1, 2 hoặc 3 lần/ngày cho đến khi phục hồi.
Đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để hỗ trợ điều trị. Đối với trẻ em cho tiêm và uống vitamin B1 theo cân nặng; cho người mẹ uống vitamin B1 liều 10mg/lần, ngày 2 lần đối với trẻ bị bệnh còn bú. Muốn phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp như sau: không nên xay xát gạo quá kỹ; chọn các thực phẩm giàu vitamin B1 trong thực đơn hằng ngày như thức ăn họ đậu, rau, thịt, cá, trứng, sữa; phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần ăn uống đủ chất, cần thiết bổ sung thêm vitamin B1; hạn chế uống rượu, thường xuyên bổ sung vitamin B1 cho người nghiện rượu…
Benh.vn (Theo SKĐS)