Rau là nguồn thức ăn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống con người; rau cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ và nhiều chất bỗ dưỡng cần thiết khác cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề “rau an toàn” vẫn chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu của con người.
Mục lục
Một phần do nông dân chưa hiểu biết nhiều về tác hại của các hoá chất (phân bón, thuốc BVTV…) khi sử dụng trên rau. Mặt khác, do tập quán canh tác luôn chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến hậu quả là xảy ra hàng loạt các trường hợp ngộ độc trong dân do ăn phải thực phẩm từ rau có nhiễm hoá chất BVTV, có nhiều trường hợp bị tử vong.
1. Nguyên nhân và tác hại của các yếu tố gây mất an toàn vệ sinh trên rau
– Do hoá chất bảo vệ thực vật:
Hiện nay trong sản xuất rau màu tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chấp hành nghiêm chỉnh về liều lượng sử dụng và thời gian cách ly của thuốc; Sử dụng nhiều chủng loại thuốc, kể cả thuốc không rõ nguồn gốc và thuốc đã bị cấm sử dụng…vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Từ đó việc tồn dư hoá chất trong rau màu còn khá cao.
Qua các kết quả điều tra của tác giả Bùi Cách Tuyến và cộng sự cho thấy các hoá chất bảo vệ thực vật trong rau quả cao gấp vài chục đến vài trăm lần tiêu chuẩn cho phép của FAO và WHO. Theo báo cáo từ Chi cục Bảo vệ Thực vật TP. HCM: kiểm tra 3.050 mẫu rau củ có đến 141 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép gấp nhiều lần.
Theo Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết người bị ngộ độc cấp tính từ thuốc trừ sâu nhiễm trong rau sẽ thể hiện các triệu chứng bồn chồn, lo âu, sợ sệt do rối loạn thần kinh. Ngoài ra, có thể bịe đau bụng, chóng mặt, nhức đầu, nôn ói. Trường hợp ngộ độc mãn tính, thuốc trừ sâu xâm nhập vào cơ thể tích tụ lâu ngày tấn công, phá huỷ gen làm cho quá trình nhân đôi gen bị sai lệch và là nguyên nhân khởi đầu cho bệnh ung thư, trong đó ung thư gan thận chiếm phần lớn.
– Do hàm lượng Nitrat (NO3):
Với hiện trạng sản xuất rau hiện nay, ngoài trường hợp trồng gần các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi lượng Nitrate thì nguyên nhân chủ yếu là do người trồng rau sử dụng quá nhiều lượng phân hóa học. Dùng N, P, K bình quân là 250- 400 kg/ha, trong khi đó lượng N, P, K cho phép dùng ở Việt Nam là 73,5 kg/ha (1990).
Đặc biệt lạm dụng nhất là phân urea, bón trung bình 200-400 kg/ha với Cải bắp, cà chua, dưa hấu, trong khi yêu cầu của cây chỉ cần khoảng 150-200kg/ha. phương pháp bón không hợp lý (bón lót ít, kéo dài bón thúc đến sát thời điểm thu hoạch). Qua ghi nhận, phần lớn các loại rau ăn lá như rau thơm, rau muống, rau cần….sau mỗi đợt cắt bán nông dân đều sử dụng phân urea để tưới giúp cây mau phát triển lá mới
Sử dụng rau có chứa hàm lượng nitrate thường không gây “ngộ độc tức thì” như thuốc hoá học, nhưng tích luỹ ở mức độ cao sẽ gây nên triệu chứng làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và phát triển các khối u. Trong cơ thể nitrat bị khử thành nitrit (NO¬¬2), có thể gây phản ứng với amin tạo thành chất gây ung thư gọi là nitrosamin và được thể hiện nhiều nhất là bệnh ung thư dạ dày.
– Do tồn dư kim loại nặng:
Việc ô nhiễm bởi các kim loại nặng như Cadimi (Cd), chì (Pb), kẽm (Zn), thiếc (Sn) tiềm ẩn trong đất hoặc từ nguồn nước tưới thải ra từ Thành Phố, các khu công nghiệp được cây hấp thụ và tích lũy dần trong quá trình sinh trưởng. Hàm lượng các chất trên được phép có trong rau xanh với khối lượng rất thấp (0,03 – 10 mg/kg), nhưng trong thực tế các loại rau ăn lá chứa hàm lượng kim loại nặng rất cao nhất là Cd. Hơn nữa, bón nhiều lân cũng làm tăng lượng Cd (1 tấn super lân chứa 50-170g).
Tùy theo từng loại kim loại nặng khi tích luỹ nhiều trong cơ thể con người sẽ gây nên những bệnh khác nhau. Trong đó những bệnh ung thư là chiếm đa số.
– Do vi sinh vật gây bệnh:
Nhiều nơi nông dân vẫn sử dụng phân heo, phân trâu bò, rác rưởi chưa qua xử lý để bón cho rau ăn sống, đây là hình thức truyền trứng giun, sán và các vi sinh vật gây bệnh đường ruột cho con người.
2. Biện pháp khắc phục:
Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và vệ sinh an toàn trên rau nói riêng đang là mối quan tâm của các ngành, các cấp. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt nhằm ngăn chặn việc ngộ độc do ăn rau và các thực phẩm từ rau, chúng tôi thiết tha kêu gọi mọi nông dân trồng rau hãy vì
Mọi người nên chú ý :
– Khi dùng thuốc: nên áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng, chọn loại thuốc ít độc hại và được phép sử dụng trên rau, thuốc có thời gian phân huỷ nhanh. Tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly của thuốc đã được hướng dẫn trên nhãn chai. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, thuốc thảo mộc…
– Khi dùng phân: Không nên sử dụng quá nhiều phân đạm hoá học, cần bón cân đối N, P, K. Không bón phân cận ngày thu hoạch. Chỉ nên sử dụng phân chuồng, phân rác khi được ủ hoai mục.
– Không nên dùng nguồn nước bẩn để tưới cho rau.
Đối với bản thân người tiêu dùng phải tự đề phòng cho mình và gia đình bằng những biện pháp sau đây:
– Rau đậu mua về nếu ngửi thấy mùi thuốc sâu hoặc mùi lạ thì không nên ăn, vì có thể do mới phun xịt thuốc.
– Rau phải được rửa thật kỹ, ngâm nước từ 1 – 2 giờ và thay nước nhiều lần.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc khi phun xịt đã ngấm vào mô cây dù có rửa cũng không hết; Do vậy trên đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu về dài để ngăn chặn tình trạng này không gì khác hơn là triển khai thực hiện chương trình trồng rau an toàn theo hướng GAP, quản lý dịch hại theo hướng IPM..
ThS. Ngô Thị Hồng Liên – Chi cục QLCL Nông -Lâm -Thuỷ sản