Đúng vào thời điểm bùng phát dịch bệnh tay chân miệng (thời điểm cuối xuân sang hè). Tại các tình thành phía Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện đã tăng tới 47% so với tháng trước (giữa tháng 3 & đầu tháng 4) gây hoang mang, lo ngại cho người dân, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp phòng tránh khoa học sẽ loại bỏ được nguy cơ gây bệnh.
Mục lục
Những nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (TCM) gây ra do các loại virut thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virut đường ruột khác, trong đó hay gặp là virut đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Đặc biệt, virut EV71 cực kỳ nguy hiểm có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong.
Bàn tay của em bé bị Tay chân miệng trong 3 ngày đầu (ảnh minh họa)
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng
- Sốt, chán ăn, mệt mỏi, thường xuyên bị đau họng.
- Trong 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp, sau đó trở thành vết loét (vết loét thường nằm trên lưỡi, lợi) và niêm mạc má.
- Phát ban trên da, không ngứa (từ 1 – 2 ngày) với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da (Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân và cũng có thể xuất hiện trên mông hoặc ở cơ quan sinh dục).
Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân bị TCM không có những triệu chứng trên hoặc chỉ có phát ban hoặc loét miệng.
Lưu ý: Bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và gây tử vong.
Quá trình lây nhiễm bệnh tay chân miệng diễn ra như thế nào?
Virut gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh.
Quá trình lây nhiễm bệnh từ dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước…
Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh và thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virut vẫn tồn tại trong phân).
Những nguyên tắc hữu hiệu để loại trừ bệnh tay chân miệng
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi đi vệ sinh…(rửa tay thường xuyên).
- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (gồm cả đồ chơi của trẻ) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh TCM để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.
Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn cho trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.
- Sau khi dùng khăn giấy và tã lót cần bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng quy định.
- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.
- Tăng cường các chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch…
Lời kết
Do đặc tính thời tiết của Việt Nam nên các căn bệnh thường xuất hiện theo mùa. Đặc biệt, khi mùa nắng nóng bắt đầu với nền nhiệt cao, nóng ẩm kèm theo môi trường ô nhiễm, vệ sinh không tốt sẽ dẫn đến các căn bệnh về da liễu mà nổi bật là bệnh tay chân miệng. Nguy hiểm hơn, bệnh tay chân miệng nếu không được xử lý kịp thời sẽ phát triển thành dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các gia đình cần thường xuyên nhắc nhở các bé rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi đi chơi về…Bên cạnh đó cần làm sạch môi trường xung quanh, không cho trẻ đến các nơi đông người, không tiếp xúc với người bị bệnh để tránh lây nhiễm …
Đặc biệt, khi gia đình thấy con có biểu hiện sốt, bỏ ăn, trong miệng có vết loét, phát ban trên da ở lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục…thì cần đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời…