Để bảo vệ người tiêu dùng và những người chăn nuôi gia súc, gia cầm chân chính, vừa qua Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo lên Uỷ Ban Nhân Dân TP về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin miễn phí trên điện thoại. Qua đó, heo được chăn nuôi tại chuồng sẽ được gắn vòng nhận diện, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc thịt heo.
Mục lục
Chương trình nằm trong đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Công thương thực hiện, giai đoạn 2016 – 2020 nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và “soi” chất lượng thịt. Trong đó Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được giao nghiên cứu, triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo dựa trên nền tảng Te-card của châu Âu.
Quy trình nhận dạng heo được chăn nuôi theo đúng quy trình
Theo quy trình, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau. Sau đó, chiếc vòng sẽ kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi con heo xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.
Đặc biệt, trong quá trình mổ, người kiểm dịch xác nhận đủ tiêu chuẩn và đóng mộc lên heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử. Khi đến chợ, ban quản lý, nhân viên kiểm dịch dùng máy chuyên dụng để kiểm tra nguồn gốc và chỉ chấp nhận heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sau đó niêm phong trong các thùng rồi giao tiểu thương bán. Tiểu thương dùng smartphone kích hoạt “tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch, sau đó dán tem có mã vạch lên miếng thịt cân cho khách.
Giải pháp giúp phát hiện các sai phạm trong quá trình chăn nuôi
Tem dán trên sản phẩm sẽ được giao về ban quản lý các chợ để tiểu thương tiện mua về dán lên sản phẩm thịt bán ra. Người mua có thể trực tiếp “soi” chất lượng thịt bằng việc sử dụng phần mềm. Nếu bị phát hiện, những trường hợp sai phạm sẽ bị đưa vào “danh sách đen” và sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.
Một cán bộ ngành Thú y TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là giải pháp hay trong việc quản lý thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc triển khai đề án phải lưu ý ở khâu phân phối. Theo người này, thịt khi ra chợ được phân ra nhỏ lẻ để bán, con tem được tiểu thương mua về có thể mang dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. Khi đó, dù có soi tem ra Thịt sạch nhưng thực chất người tiêu dùng vẫn phải ăn “bẩn”
Những chiếc vòng được sản xuất theo công nghệ khắc laser tại Malaysia, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao, chống giả mạo và không thể tháo ra lắp lại. Tổng chi phí để áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ “trang trại đến bàn ăn” là có 9.800 đồng.
Đại diện nhóm tư vấn và Sở Công Thương cho biết: Mỗi con tem có giá 25 đồng; 1 bảng tem có 50 con. Khi tiểu thương bán hàng họ chỉ cần kích hoạt con tem đầu và con tem cuối cho đồng bộ với sản phẩm thịt mà họ bán ra, toàn bộ thông tin về nguồn gốc sản phẩm thịt sẽ được thể hiện trên các con tem.
Chia sẻ của Chi cục Thú y HCM
Chi cục phó Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết thực tế vừa qua xảy ra nhiều trường hợp các thương lái mua heo từ trang trại về bơm nước, tiêm thuốc an thần 1 – 2 ngày sau mới đưa đến lò giết mổ. Do vậy, giải pháp trên là giúp thắt chặt quy trình quản lý, tránh tình trạng các khâu đều làm tốt nhưng Thị trường vẫn không có thịt sạch để ăn.
Bên cạnh đó, khi các lò mổ phân con heo thành 2 mảng, mỗi mảng có 1 vòng nhận diện ở chân thì rất dễ quản lý. Tuy nhiên khi đến chợ đầu mối, có một số trường hợp họ “phá lóc” phân thịt theo nhu cầu thực tế để bán cho tiểu thương. Do vậy đây là một vấn đề kỹ thuật cần lưu ý.
Một phương tiện giúp người dân an tâm hơn
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tạo ra một app (ứng dụng) miễn phí trên điện thoại di động để mọi người có thể tải về và dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này sẽ kèm theo bản đồ các điểm phân phối thịt an toàn. Ngoài ra, chương trình sẽ đặt các thiết bị truy xuất nguồn gốc chuyên dụng tại các chợ để người tiêu dùng có thể kiểm tra miễn phí trong trường hợp không có điện thoại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn có thể lên trang web của chương trình để kiểm tra thông tin sản phẩm”.
Vì toàn bộ thông tin được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu (có thể lưu trữ từ 5 – 10 năm) nên không cần đến giấy tờ, thủ tục như trước kia và không thể giả mạo hay sao chép. “Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm ở mọi lúc mọi nơi. Thông tin sẽ được tự động chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan để dễ dàng kiểm tra kiểm soát”, ông Trung khẳng định.
Đưa ra quan điểm về giải pháp quản lý
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhận định đây là một giải pháp quản lý thông minh, tạo ra một cơ hội cho người chăn nuôi và doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững công việc làm ăn của họ. Vì nếu không, với cách làm ăn cũ, họ cũng sẽ từ từ bị đào thải. Còn người tiêu dùng sẽ có cơ hội được lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
“Cả cộng đồng cùng tham gia vào chương trình này tôi tin là chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi thịt bẩn. Ở đây chúng ta sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc này mà loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc khác. Chúng ta chỉ loại bỏ các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc” – ông Tuyến nói.
Dự kiến chương trình sẽ triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn. Năm chợ: Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông cùng chuỗi siêu thị Co.opmart, Satra, Vissan và Sagrifoods cũng nằm trong diện thí điểm. Sau thử nghiệm với thịt heo, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai mở rộng ra các mặt hàng như rau, củ quả.
Tổng hợp