Người xưa có câu “trông mặt mà bắt hình dong” – Một câu nói mang hàm nghĩa phản ánh tính cách của con người, mặt khác cho thấy sức khỏe thông qua làn da, sắc khí khuôn mặt.
Mục lục
- 1 Tình trạng của da và bệnh tiểu đường
- 2 Tình trạng cúa da và bệnh máu nhiễm mỡ:
- 3 Tình trạng của da và bệnh ung bướu
- 4 Tình trạng của da và bệnh zona thần kinh
- 5 Tình trạng của da và bệnh nhược tuyến giáp
- 6 Tình trạng của da và bệnh thiếu máu
- 7 Tình trạng của da và bệnh thận Addison
- 8 Tình trạng của da và bệnh ban xuất huyết purpura
- 9 Tình trạng của da và chứng giãn tĩnh mạch
- 10 Tình trạng của da và nguy cơ suy tĩnh mạch
- 11 Tình trạng của da và sự thiếu hụt axit béo omega-3
- 12 Tình trạng của da và sự thiếu vitamin A của cơ thể:
- 13 Lời kết:
Thông qua sắc thái làn da, có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể, phản ánh trạng thái tinh thần, thói quen ăn uống, độ tuổi của mỗi người, môi trường sống, sự thay đổi thời tiết… Quá trình trao đổi chất trong cơ thể nếu bị rối loạn thì da cũng sẽ có sự thay đổi.
Vậy những thay đổi bệnh lý trên da như thế nào? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc giải đáp những thắc mắc nảy.
Tình trạng của da và bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường thường xuất hiện ngứa trên da. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng đường ở da tăng cao, các tế bào thần kinh nhạy cảm với thay đổi đó gây ra. Ngoài ra người mắc bệnh tiểu đường còn hay mắc bệnh truyền nhiễm như: nấm chân, nấm toàn thân, viêm nang lông, ghẻ lở….
Nấm bàn chân do bệnh tiểu đường (Ảnh minh họa)
Khi da bạn có những hiện tượng trên, bạn nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm, kiểm tra lượng đường trong máu.
Tình trạng cúa da và bệnh máu nhiễm mỡ:
Người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có nước da ở vùng đuôi mắt màu vàng, y học gọi đó là “u vàng”. Còn chứng vàng da thường là biểu hiện bệnh tật ở hệ thống gan.
Những người có độc tố trong nước tiểu thường có biểu hiện da đen, khô và ngứa. Những người bị nấm và phát ban có tính hệ thống thì da thường có những đường vân như mạng nhện rất điển hình.
Tình trạng của da và bệnh ung bướu
Ung bướu thường rất khó phát hiện, nhưng nó vẫn có những biểu hiện nhất định thông qua da. Màu da tái đen, mu bàn tay dầy lên, có thể bạn mắc u ác tính, cần đặc biệt lưu tâm đến khả năng bị u ở đường ruột.
Người già mắc ung bướu trong một khoảng thời gian ngắn sẽ xuất hiện nốt đồi mồi dày đặc, lúc đó bạn càn phải kiểm tra xem có phải mình bị u ở các cơ quan nội tạng hay không. Ngoài ra, nhiều người có khối u ở các bộ phận như: mắt, mũi, cơ quan sinh dục sẽ có hiện tượng loét da, trên người có nhiều nốt. Với các căn bệnh liên quan tới máu thì ở da thường xuất hiện các nốt đỏ, vết thâm tím và nhờn.
Tình trạng của da và bệnh zona thần kinh
Da đau nhoi nhói kèm theo ban đỏ ở một bên mặt hoặc thân mình, đây là dấu hiệu của bệnh zona thần kinh, dân gian thường gọi là bệnh “giời leo”, do loại virút của bệnh thủy đậu đã mắc phải trước đây. Virút nằm tiềm ẩn ở rễ dây thần kinh cảm giác quanh cột sống chờ khi nào cơ thể suy yếu vì stress, nhiễm trùng, tuổi già là xuất hiện trở lại, gây ra bệnh zona.
Bệnh zona thần kinh (Ảnh minh họa)
Tình trạng của da và bệnh nhược tuyến giáp
Vàng da lòng tay, bàn chân, đây là dấu hiệu của tiêu thụ quá nhiều cà rốt, khoai lang ngọt hoặc dấu hiệu của bệnh nhược tuyến giáp vì quá nhiều chất beta-caroten trong máu. Trong bệnh nhược tuyến giáp, tuyến không chuyển hóa được beta-caroten và chất này tích tụ trên da. Da vàng vì ăn nhiều cà rốt sẽ hết khi ngừng sử dụng rau củ này.
Tình trạng của da và bệnh thiếu máu
Nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi thường có lớp da mặt và da lòng bàn tay bì bì nhợt nhạt và lớp mô bào dưới móng tay nhờ nhờ xanh. Đây là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu thường là do thiếu khoáng chất sắt hoặc xuất huyết dạ dày…
Tình trạng của da và bệnh thận Addison
Trong bệnh suy nang thượng thận Addison, người bệnh có nước da sậm mầu nhất là ở các vùng phơi ra ánh sáng, nhưng cũng có ở lòng bàn tay, bàn chân, núm vú, nách, vùng cơ quan sinh dục. Bệnh do nang thượng thận tiết ra rất ít kích thích tố steroids nhưng có thể điều trị bằng cách bổ sung kích thích tố thiếu.
Tình trạng của da và bệnh ban xuất huyết purpura
Trong bệnh ban xuất huyết purpura, trên da của bệnh nhân có những vết ban mới đầu đỏ rồi chuyển sang đỏ tía trước khi mờ đi hoặc thành nâu nhạt. Các vùng da hay bị đổi mầu là cánh tay, cẳng chân, mu bàn tay. Đó là do các mạch máu dưới da bị suy yếu, dễ bị tổn thương, máu chảy ra ngoài và tạo ra các ban da như vậy.
Bệnh ban xuất huyết purpura (Ảnh minh họa)
Tình trạng của da và chứng giãn tĩnh mạch
Nổi gân xanh, sưng ở da chân có thể là do chứng giãn tĩnh mạch. Những lúc bị nặng, da bàn chân thường hằn rất rõ những gân xanh, có dấu hiệu sưng lên, đi lại khó khăn.
Tình trạng của da và nguy cơ suy tĩnh mạch
Đổi màu hoặc sưng phù phần dưới của chân, đây rất có thể là nguy cơ suy tĩnh mạch. Khi máu chảy xuống chân, những tĩnh mạch phải bơm ngược chúng trở lại. Những mạch máu không hoạt động bình thường sẽ không thể chống lại trọng lực để bơm ngược máu về tim được, do đó máu sẽ tích tụ ở phần dưới của chân, gây ra vết tấy đỏ hoặc sưng phù.
Tình trạng của da và sự thiếu hụt axit béo omega-3
Thiếu hụt axit béo omega-3 sẽ làm chậm quá trình loại bỏ tế bào chết tự nhiên, khiến da bị khô hay thậm chí là bị vảy gàu.
Tình trạng của da và sự thiếu vitamin A của cơ thể:
Tình trạng cơ thể thiếu vitamin A thường xảy ra đối với những người mắc bệnh gan nghiêm trọng hoặc ở những những người có khả năng hấp thụ kém. Thiếu vitamin A có thể khiến da thô ráp, tuyến mỡ da co lại, ngứa ngáy. Dấu hiệu nổi bật nhất là các tế bào da đồng loạt bị sừng hóa, sưng tấy, có vảy sừng.
Thiếu vitamin A khiến cho da trở nên khô ráp (Ảnh minh họa)
Lời kết:
Da là bộ phận trải rộng nhất trên cơ thể, có chức năng điều hòa nhiệt độ, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và những chất có hại, thu nhận cảm giác. Mỗi khi các bộ phận trong cơ thể bị rối loạn, bệnh tật thì một số dấu hiệu báo động cũng xuất hiện trên da.
Bắt bệnh thông qua làn da giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe qua những biểu hiện bất thường. Qua đó kịp thời đi khám và điều trị bệnh trước khi mọi việc quá muộn.