Có thể nói, hiện nay rất ít người biết và am hiểu về thực phẩm chức năng (TPCN). Nhiều trường hợp người bệnh ốm đến “thập tử nhất sinh” vẫn quyết không đi khám bệnh vì tin tưởng ở loại thực phẩm này. Cái giá mà người dùng “đánh cược” đó chính là sức khỏe và tính mạng vào loại thực phẩm mà đến cả các cơ quan chức năng cũng phải lúng túng trong việc quản lý…
Đăng ký TPCN hay thuốc?
Các chuyên gia y tế cho biết, thực phẩm chức năng là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp một số chất dinh dưỡng cơ bản. Các TPCN được bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng lại không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.
Nếu sản phẩm là vitamin và khoáng chất được nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó là thuốc, phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN (vì có thể tìm thấy vitamin và khoáng chất trong thực phẩm ăn uống hàng ngày trong TPCN; đồng thời, các vitamin và khoáng chất đó đã được bổ sung, thay đổi liều lượng nhằm hỗ trợ sức khỏe) thì chế phẩm vitamin và khoáng chất mới được đăng ký như một thực phẩm và phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đó gọi là TPCN.
Cũng từ đây, các chuyên gia đã lý giải về sự “mập mờ” giữa TPCN và thuốc chính là ở chỗ, TPCN là trung gian giữa thuốc và thực phẩm, nó không hẳn là thuốc và cũng không hẳn là thực phẩm. Nó có dính líu đến thực phẩm vì việc đăng ký và quản lý nó không chặt chẽ như thuốc (quản lý như là thực phẩm), nhưng lại có dính líu như thuốc vì phải dùng nó thận trọng như dùng thuốc.
Cần thận trọng khi sử dụng TPCN.
Đồng thời, các chuyên gia cảnh báo, Thực phẩm chức năng vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng TPCN. Nhưng chúng ta phải lý giải như thế nào về thắc mắc của nhiều người bệnh: “Không phải là thuốc nhưng trong quá trình dùng TPCN sao vẫn hết bệnh?”. Các chuyên gia giải thích: “Khi bị rối loạn nhẹ, cơ thể có thể tự hồi phục nhưng đòi hỏi phải có thời gian dài. Nếu lúc này dùng TPCN loại tốt, dùng đúng cách và đúng liều lượng thì có thể làm cơ thể phục hồi, cải thiện nhanh hơn, thậm chí một số TPCN có tác dụng giúp trị dứt rối loạn nhẹ đó. Đó cũng là điều khiến nhiều người dùng lầm tưởng TPCN là thần kỳ”.
Quảng cáo “quá đà” để kinh doanh thu lời
Được biết, từ ngày 15/01/2015, các quy định về quản lý TPCN tại Thông tư 43/2014/TT-BYT chính thức có hiệu lực và thay thế cho Thông tư 08/2004/TT-BYT.
Theo đó, một số điểm nổi bật liên quan đến quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm chức năng là như sau:
- Cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận “Thực hành sản xuất tốt khi sản xuất thực phẩm chức năng” được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với từng loại thực phẩm chức năng như: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt;
- Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Một banner quảng cáo sản phẩm TPCN nhưng không hề ghi khuyến cáo theo Thông tư 43/2014/TT-BYT.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế đánh giá: “Qua công tác kiểm tra đột xuất tới các trung tâm kinh doanh thuốc vừa qua thì phần lớn sai phạm của các công ty kinh doanh TPCN là sai nhãn mác sản phẩm, quảng cáo công dụng quá mức, hoặc phát tờ rơi nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.
Nhằm lách những quy định về quản lý TPCN, không ít công ty sản xuất TPCN đã mở một trang web riêng trên đó để quảng bá sản phẩm của mình. Và hầu hết, họ đều khoác thêm cho sản phẩm TPCN của mình những công dụng khiến người sử dụng lầm tưởng loại TPCN đó có khả năng chữa bách bệnh. Và điều quan trọng trên các trang web này, phần giới thiệu sản phẩm dưới các hình thức như thông tin, banner, hình ảnh không hề ghi dòng khuyến cáo theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, quy định chi tiết thi hành khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhằm tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.