Sau bao nhiêu năm tháng gian khổ bảo vệ đất nước, các chiến sĩ bộ đội lại trở về tiếp tục công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Mặc dù nay tuổi đã sế chiều, sức khỏe giảm sút, bệnh tật hoành hành nhưng tinh thần và ý chí kiên cường chống trọi với bệnh tật, không chịu đầu hàng số phận…vẫn là những bài học cho thế hệ chúng ta học tập và noi theo. Benh.vn đã tổng hợp từ những bài học thực tế và đưa ra một chế độ dinh dưỡng khoa học để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi
Mục lục
- 1 Câu chuyện của những người lính năm xưa
- 2 Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
- 2.1 1. Ưu tiên các loại rau và hoa quả
- 2.2 2. Đảm bảo chất lượng bữa ăn
- 2.3 3. Đa dạng hoá các loại thực phẩm
- 2.4 4. Chia làm nhiều bữa nhỏ
- 2.5 5. Đồ ăn cần có độ mềm
- 2.6 6. Nên ăn nhạt
- 2.7 7. Nên ăn chậm
- 2.8 8. Uống nhiều nước
- 2.9 9 . Uống sữa để bổ sung dinh dưỡng
- 2.10 10 . Hạn chế ăn đồ lạnh
- 2.11 11.Hạn chế chất đường, chất béo và uống rượu bia
- 2.12 12. Chú ý đến vị giác và không gian ăn uống
- 3 Lời kết:
Câu chuyện của những người lính năm xưa
Ông H.V.M sinh năm 1932, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Sinh ra và lớn lên tại miền đất Quảng Nam, 16 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Đảng. Với tinh thần “ tuổi trẻ quyết tâm dành độc lập, tự do cho tổ quốc”, trải qua hai cuộc chiến trên khắp các mặt trận từ bắc đến nam, ông đã cống hiến trọn vẹn tuổi xuân của mình. Hòa bình lập lại, với vai trò chính ủy bộ tư lệnh Biên phòng, ông lại có mặt trên khắp các tuyến biên giới, hải đảo…
Năm 1985 về nghỉ hưu, những tưởng được hưởng cuộc sống an nhàn bên vợ và các con….nhưng một loạt các căn bệnh quái ác hoành hành: tiểu đường, tim mạch, thoái hóa cột sống, tiền đình….khiến cuộc sống của ông trở nên điêu đứng.
Do ảnh hưởng từ tiểu đường, thị lực 2 mắt giảm xuống 3/10 khiến việc xem và đọc sách rất khó khăn; thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân gây nên hiện tượng tiền đình, người xoay như chong chóng…khiến ông không ngồi, không đứng lên được. Mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người khác giúp.
Không chịu đầu hàng số phận, người cựu chiến binh đó đã lên kế hoạch để bảo vệ sức khỏe. Tuân thủ việc uống thuốc theo phác đồ điều trị của bệnh viện (BV 108) kết hợp với một chế độ ăn giàu vitamin, dưỡng chất gồm: các loại rau xanh, hoa quả tươi ít đường, cá, hạn chế những loại thực phẩm mỡ, nhiều đạm… “Không hút thuốc lá, không bia rượu” là phương châm sống của ông.
Sau 5 năm bền bỉ áp dụng một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hiện tượng tiền đình đã biến mất, chỉ số đường trong máu đã trở về bình thường…duy chỉ có đôi mắt, thị lực đã mất không thể phục hồi được.
Gần 30 năm qua, ngày nào cũng vậy, 4h30 sáng, ông đã thức dậy để tập dưỡng sinh rồi đi bộ. Thói quen đọc sách, báo giúp ông có một trí nhớ tuyệt vời. Ở tuổi 81, mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng người ta vẫn thấy ông vui, khỏe với tinh thần lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa.
Bà N.T M.T, Trung tá bác sỹ bệnh viện 108, Hà Nội
Sinh năm 1933, sau khi tốt nghiệp đại học Y Khoa, bà vào làm việc tại khoa A4 (truyền nhiễm) bệnh viện 108. Mặc dù không trực tiếp ra chiến trường, không trải qua những trận sốt rét ác tính, thoái hóa xương khớp do nắng mưa, cái lạnh thấu da của rừng núi gây nên nhưng hình ảnh của bà là một tấm gương về ý chí và nghị lực trước những biến cố của cuộc đời và sự giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh minh họa)
Sau khi lấy chồng và sinh được một người con trai, năm 44 tuổi bà đổ bệnh khi người con đột ngột qua đời. Vì thương nhớ con, bà ốm liệt giường hàng tháng trời, không ăn, không ngủ khiến thân hình trở nên gầy gò, tiều tụy…
Khi sức khỏe đã ổn hơn, thời gian dần lấp đi khoảng trống……thì chồng bà cũng mất do quá đau buồn. Ở tuổi 46, bà trở thành góa phụ không trồng, không con… Hai bàn tay trắng, bà gần như phát điên….Đêm đêm những giấc mơ và hình ảnh gia đình xưa cứ hiện về…
Do buồn phiền và suy nghĩ quá nhiều bà bị mắc bệnh cao huyết áp, tiền đình và có biểu hiện suy tim….Bệnh tật hoành hành, bà trở nên bất lực với chính bản thân. Những việc đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày…cũng gặp trở ngại.
Sau những cơn bạo bệnh dày vò, hành hạ cơ thể đã khiến bà thức tỉnh. “Sống cho đáng sống” là phương châm và nghị lực sống của bà. Với những kiến thức đã được đào tạo trong ngành y và sự giúp đỡ của đồng nghiệp là các bác sỹ, căn bệnh cao huyết áp, tiền đình dần được chế ngự.
Tuân thủ chế độ uống thuốc hàng ngày, kết hợp với chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước, luyện tập thể thao, đặc biệt là 5 động tác suối nguồn tươi trẻ … khiến sức khỏe bà hồi phục rất nhanh, bệnh tiền đình mất hẳn.
Không chồng, con, bà dồn tình yêu thương, của cải, vật chất của mình giúp đỡ 2 người con của một gia đình liệt sỹ đến khi các cháu vào đại học. Giờ đây khi đã ở tuổi 80, bà vẫn vào nam, ra bắc tham gia các chương trình từ thiện cho bệnh nhân nghèo, những hoàn cảnh khó khăn của xã hội.
Tâm sự với chúng tôi (PV trang Benh.vn) bà chia sẻ: “Ngày nay, xã hội phát triển, công việc hàng ngày phải ngồi với máy tính gây nên rất nhiều bệnh. Vì vậy, cần luyện tập thể thao hàng ngày. Khi tập thể thao, quá trình trao đổi chất diễn ra, mồ hôi thoát ra sẽ loại bỏ các chất độc tích tụ trong cơ thể”
Rút kinh nghiệm từ bài học cuộc sống của mình bà khuyên “ Nếu không may trong cuộc đời gặp biến cố, hãy nghĩ rằng, điều bất hạnh là do số phận sắp đặt, không thể cưỡng lại được, sẽ thấy lòng thanh thản hơn. Nếu điều kiện cho phép, hãy dành thời gian và vật chất giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và coi họ như những thân trong gia đình mình”
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng khoa học là diều thiết yếu trong bảo vệ sức khỏe nói chung và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi nói riêng.
1. Ưu tiên các loại rau và hoa quả
- Hoa quả là những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi như: đu đủ, cam, bưởi, táo, nho…
- Tăng cường các loại rau củ, quả như: mùng tơi, bắp cải, bí ngô, bí đao…. vì hàm lượng chất xơ trong các loại rau xanh giúp hệ tiêu hoá hoạt động dễ dàng hơn.
- Ngoài ra, các loại vitamin, khoáng chất và các axit hữu cơ có tác dụng kích thích sự thèm ăn và duy trì sự cân bằng các hooc-môn trong cơ thể.
Đảm bảo chế độ ăn nhiều rau quả (Ảnh minh họa)
2. Đảm bảo chất lượng bữa ăn
- Những thực phẩm giàu dinh dưỡng như: sữa, trứng, các chế phẩm từ đậu nành… rất tốt cho người cao tuổi.
- Nên tăng cường ăn các loại cá: cá rô, cá bống, cá thu….
- Giảm ăn thịt, đặc biệt là các loại thịt có độ đạm cao như: thịt chó, ngũ tạng ….
- Chế biến thức ăn theo cách hấp hoặc luộc để đảm bảo hàm lượng các vitamin và khoáng chất được giữ lại nhiều nhất trong thực phẩm, hạn chế các loại đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ.
- Nên hạn chế ăn các loại đường tinh chế, sử dụng hàm lượng đường trong rau xanh và hoa quả giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
3. Đa dạng hoá các loại thực phẩm
- Cần đa dạng hoá các loại thực phẩm trong bữa ăn: thịt, cá, trứng, rau xanh…
- Sự đa dạng hoá thể hiện ở việc kết hợp một cách khoa học giữa các nhóm thực phẩm như: tinh bột, chất béo, chất xơ, chất đạm… hay sự kết hợp giữa khối lượng và màu sắc thực phẩm.
4. Chia làm nhiều bữa nhỏ
- Người cao tuổi nên chia 3 bữa ăn chính trong ngày thành 4-5 bữa nhỏ, đồng thời khoảng cách giữa các bữa ăn nên đều nhau và đúng giờ.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày giúp làm giảm “áp lực” cho dạ dày và giúp hệ tiêu hoá hoạt động dễ dàng hơn.
- Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc chia nhỏ bữa ăn hàng ngày càng quan trọng hơn vì các bữa chính không được bổ sung đủ lượng gluxit. Các bữa ăn phụ trong ngày sẽ đảm bảo các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
5. Đồ ăn cần có độ mềm
- Do khả năng tiêu hoá và hấp thụ thức ăn kém khi về già nên bữa ăn của người cao tuổi cần có độ mềm thích hợp.
- Thức ăn nên chế biến theo phương pháp hấp, luộc, hầm hoặc kho.
- Lựa chọn thực phẩm cần chú ý tránh các thực phẩm có kết cấu thô hoặc cứng. Các loại thịt mềm, thịt cá, sữa hoặc trứng là thức ăn tốt nhất cho người già.
6. Nên ăn nhạt
- Ăn nhạt có thể tránh các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, huyết áp…
- Người cao tuổi nên ăn không quá 6gram muối/ngày.
7. Nên ăn chậm
- Các bữa ăn của người già thường diễn ra với “tốc độ’ chậm hơn. Điều này đặc biệt tốt cho hệ tiêu hoá và việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong các món ăn.
- Ăn chậm giúp nước bọt tiết ra nhiều hơn, làm mềm thức ăn, có ích cho quá trình nuốt thức ăn. Nước bọt có chất Immunoglobulin giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và muccus protein có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc dạ dày.
8. Uống nhiều nước
- Uống đủ lượng nước từ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Nước lọc, nước khoáng, nước ép hoa quả, các loại trà như: trà xanh, trà hoa cúc… đều là những loại nước tốt cho sức khoẻ của người già.
Các loại nước hoa quả tốt cho sức khỏe người cao tuổi (Ảnh minh họa)
- Tăng cường nước cho cơ thể giúp làm chậm quá trình lão hoá của các tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào da, từ đó giúp cân bằng độ ẩm, ngăn chặn hiện tượng nhăn da ở người cao tuổi.
- Nước còn rất tốt cho hoạt động của thận và có thể làm giảm hiện tượng táo bón và các rối loạn của quá trình trao đổi chất cho cơ thể.
9 . Uống sữa để bổ sung dinh dưỡng
Người già nên uống 1 -2 ly sữa mỗi ngày là một cách khá hiệu quả để bổ sung những dưỡng chất bị thiếu hụt.
10 . Hạn chế ăn đồ lạnh
- Nhiệt độ thích hợp cho đồ ăn bằng chính nhiệt độ của cơ thể. Điều này giúp các thức tiêu hoá dễ dàng sau khi vào cơ thể.
- Các món ăn lạnh có thể gây viêm họng và dẫn đến một số vấn đề về đường ruột.
11.Hạn chế chất đường, chất béo và uống rượu bia
- Không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm sẽ khiến người già dễ gặp phải các bệnh về tim mạch, máu nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, cao huyết áp..
- Cần hạn chế các thực phẩm như: bánh kẹo, đồ khô, mỡ động vật..
- Không nên uống rượu bia, nước ngọt, trà hoặc cà phê đặc.
12. Chú ý đến vị giác và không gian ăn uống
- Mùi vị, màu sắc, cách bài trí món ăn có tác dụng kích thích vị giác người cao tuổi giúp họ ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn.
- Ngoài ra, sự yên tĩnh, sạch sẽ của phòng ăn sẽ giúp bữa ăn thêm thi vị hơn.
Lời kết:
Người cao tuổi cần có một cuộc sống tinh thần thoải mái, không suy nghĩ, lo âu, buồn phiền vì đó là mầm mống sinh ra các bệnh. Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với luyện tập hàng ngày giúp người cao tuổi có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn.