Không chỉ trên thế giới mà ngay chính tại Việt Nam cũng có nhiều trường hợp y học hy hữu, khiến các bác sĩ phải đau đầu và nhớ mãi. Chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trình đối mặt với số phận, đồng thời tìm cách thoát khỏi cuộc sống khắc nghiệt của một số nữ bệnh nhân mắc phải những căn bệnh oái oăm dưới đây.
Mục lục
1. Cô gái mai rùa
Chào đời với chiếc “mai rùa”
Vừa chào đời, Minh đã có một vết chàm ở lưng. Lúc đó, vết chàm còn bé nên cả nhà nghĩ lớn lên sẽ hết, nếu không thì nó nằm ở lưng cũng không ảnh hưởng gì đến hình thức. Thế nhưng, vết chàm cứ lớn lên theo tuổi của Minh. Cả nhà đưa Minh đi khám thì nhận được câu trả lời: đợi lớn sẽ có cách xử lý, giờ bé quá chưa làm gì được. Câu nói của bác sĩ khiến gia đình phần nào yên tâm vì nghĩ rằng, như thế là có thể điều trị được.
Thương con, bố mẹ Minh lại đưa em đi khám với hy vọng chữa sớm còn hơn để lâu khó chữa. Lúc này, bác sĩ bảo, khối u đã tương đối to và khuyên nên chung sống “hòa bình” với nó. Sống xa Hà Nội, lại thêm điều kiện kinh tế khó khăn nên bố mẹ đành để Minh sống chung với tấm “mai rùa” này.
Cuộc sống của cô bé khi tới tuổi thiếu nữ
Rồi đến tuổi thiếu nữ, Minh cứ vác khối u trên lưng đến trường. Minh không dám gặp gỡ ai, hạn chế giao tiếp bên ngoài. Cuộc sống của Minh chỉ quanh quẩn trong nhà. Mỗi lần nhà có khách lạ, Minh lại thu mình trong phòng không dám xuất hiện.
Cả nhà đã xác định, Minh sẽ chung sống với “mai rùa” cả đời. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, khối u to lên rất nhanh, chiếm gần như toàn bộ lưng khiến Minh đi lại rất khó khăn và em càng mặc cảm hơn về vẻ ngoài dị dạng của mình.
Ca phẫu thuật khó
Chia sẻ của bác sĩ
TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trường hợp của Minh khá đặc biệt. Đó là một dạng u xơ thần kinh, nhưng nguy hiểm ở chỗ, nó phối hợp với dị dạng mạch máu, các mạch máu tăng sinh rất nhiều. Nhiệt độ ở khối u lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ cơ thể 2 – 3 độ. Nguy cơ chảy máu ồ ạt khi mổ rất có thể xảy ra. Nếu phẫu thuật không cẩn thận sẽ dễ mất máu, nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, toàn bộ đốt sống phần ngực và lưng bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, không có cung xương sau. Vì thế, khối u có phần thông trực tiếp với tủy sống.
TS.BS Hà nói: “Trước khi tiến hành phẫu thuật, chúng tôi đã phải đặt ra nhiều tình huống để đưa ra hướng phẫu thuật tối ưu nhất. Cuối cùng, chúng tôi đã áp dụng phương pháp tiêm thuốc tắc mạch để máu kém đi, tránh mất máu nhiều khi phẫu thuật. Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ dùng dao siêu âm để cầm máu, mổ đến đâu hàn mạch luôn đến đấy. Ngoài ra, các bác sĩ không thể phẫu tích quá lớn dẫn đến dò vào tủy sống, gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến chức năng vận động đại tiểu tiện.”
Ca phẫu thuật đáng nhớ
Sau hàng loạt các xét nghiệm cùng với sự chuẩn bị cẩn thận, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt 70 – 80% khối u, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, giảm biến chứng loét, vỡ, chảy máu sau này.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 7 tiếng đồng hồ đã thành công tốt đẹp. Ngày ra viện, khi bác sĩ hỏi thăm, Minh không nói lên lời mà chỉ biết khóc. Cô khóc vì hạnh phúc, vui sướng.
Theo định kỳ, Minh lên Bệnh viện Việt Đức để kiểm tra sức khỏe. Mỗi lần tới viện, Minh đã có thay đổi, cô không còn tự ti như trước, khuôn mặt vui vẻ hơn, giao tiếp cũng tốt hơn. Đặc biệt, khối u đã nhỏ lại nên dáng đi và hình thức cũng dần trở về bình thường. Thế là từ nay, Minh không còn mang tên “cô gái mai rùa” nữa…
2. Thiếu nữ có bộ ngực “khủng”
Cho đến giờ, bệnh nhân Trần Thị H (14 tuổi, Quảng Ngãi) – thiếu nữ có bộ ngực nặng 10,4 kg vẫn chưa khiến các y bác sĩ của khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn hết bàng hoàng, kinh ngạc.
Theo lời của người nhà, khi mới được 12 tuổi, vú của H bắt đầu có sự thay đổi, to hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ H cho rằng, con mình dậy thì sớm hơn những đứa trẻ khác nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, ngực H lớn nhanh bất thường, hai bầu vú chảy xuống tận cạp quần. Nguy hiểm hơn, sức nặng của bộ ngực còn khiến vùng da bụng nơi ngực đè lên bị lở loét, hai vai nhức mỏi, cột sống biến dạng.
Kích thước bất thường của vòng một khiến H tự ti, xấu hổ đến nỗi phải bỏ học, không dám bước chân ra khỏi nhà. Sau khi được người quen tư vấn, H đến khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn để phẫu thuật, mong lấy lại hình dáng bình thường cho vòng một.
Cũng trong tình trạng khốn khổ vì vòng một quá khổ, bệnh nhân Triệu Mùi Pú (18 tuổi, Hà Giang) cũng phải nhờ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Giang phẫu thuật tuyến vú dài 39 cm, nặng 2 kg. Ca phẫu thuật có sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.
Cách xử lý của các bác sĩ
Được biết, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp Thoreck phẫu thuật cho người bệnh. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Toàn bộ phần vú phì đại được phẫu thuật trở lại trạng thái bình thường, người bệnh vẫn giữ được tuyến vú và có thể cho con bú trong những lần sinh nở.
Liên quan đến những ca phì đại tuyến vú, hiện nay, nhiều bệnh nhân rỉ tai nhau về một loại thuốc uống được quảng cáo có thể làm nhỏ ngực. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. TS.BS Hà khẳng định: “Không có thuốc nào có thể làm vòng một nhỏ lại. Biện pháp duy nhất là phẫu thuật.”
Trên thực tế, phẫu thuật giúp đảm bảo hình thái thẩm mỹ của vòng một như: hình dạng, kích thước, giữ được quầng núm vú và chức năng của vú bao gồm: bảo tồn được ống tiết sữa đối với trường hợp phẫu thuật là phụ nữ…
Benh.vn