Một con số khổng lồ vừa được công bố khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày Việt Nam mất 250 tỷ đồng vì tai nạn giao thông do bia rượu tương đương hơn 92.000 tỷ đồng mỗi năm và bằng 2,9% GDP. Đây là một con số lớn đối với một nước đang phát triển như Việt Nam
Mục lục
Những con số đáng báo động
Nước ta được coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ người uống rượu, bia cũng như lượng tiêu thụ bia, rượu cao nhất trong khu vực. Trên các bảng xếp hạng Việt Nam thường xuyên xếp quán quân về lượng tiêu thụ bia rượu nhưng lại xếp gần cuối bảng về kinh tế trong khối ASEAN. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động.
Hậu quả do bia rượu để lại cũng vô cùng nghiêm trọng. Theo thống kê 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Chi phí dành cho rượu, bia đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển. Ước tính, chi phí cho rượu, bia và giải quyết hậu quả tác hại của rượu, bia chiếm 2-8% GDP quốc gia. Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng đáng lo ngại trong giới trẻ.
Ngành sản xuất rượu bia tại Việt Nam
Đóng góp khủng cho ngân sách
Ở chiều ngược lại, dù gây ra nhiều hậu quả nhưng thành quả mà ngành bia rượu đem lại cho nền kinh tế đất nước là không hề nhỏ. Hàng năm ngành này đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rượu bia trong nước.
Nắm bắt được nhu cầu phát triển của thị trường bia rượu, hàng loạt hãng bia trên thế giới đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam. Số lượng rượu, bia được sản xuất trong nước ngày càng tăng theo cấp số cộng, ước tính tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Năm 2010 sản lượng bia đạt 2,5 tỷ lít/ năm. Sản lượng bia năm 2015 đạt 4 tỷ lít/ năm. Dự kiến năm 2025 đạt 6 tỷ lít/ năm. Sản lượng rượu ước khoảng 300 triệu lít (cả rượu công nghiệp và rượu nấu trong dân). Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất.
Nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dù bia rượu có đóng góp khủng cho ngân sách nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Việt Nam dù thuộc nước sản xuất và tiêu thụ bia rượu vào hạng nhất trên thế giới nhưng nghịch lý nước ta không có tiếng tăm gì trên thị trường quốc tế. Các hãng nổi tiếng về bia như Đức, Bỉ, Hà Lan thường dành lượng lớn để xuất khẩu.
Trong khi đó bia Việt Nam sản xuất ra chỉ tập trung cho nhu cầu thị trường trong nước. Bia nội địa bán trong thị trường trong nước không những không đem về được giá trị kinh tế mà theo thời gian còn hủy hoại sức khỏe của người dùng dẫn đến tình trạng năng suất lao động của người Việt sẽ kém đi, do đó việc sản xuất rượu, bia trong nước có giá trị như tạo công ăn việc làm, đóng góp vào kinh tế, GDP tăng trưởng… nhưng so với các mặt hàng sản xuất khác thì nó không có giá trị kinh tế cao.
Giải pháp cho tình trạng này
Để giải quyết tình trạng này các chuyên gia cho rằng biện pháp hiệu quả duy nhất là tăng thuế. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mức thuế 65% hiện nay của Việt Nam vẫn còn là thấp, phải tăng lên mức 100%. Ngoài chính sách tăng thuế vẫn cần những giải pháp đồng bộ khác như cấm bán bia rượu cho trẻ em. Buôn bán rượu bia cần phải có giấy phép. Thậm chí nên nghiên cứu hình thức phạt tù với lái xe có nồng độ cồn cao hơn 80mg/100ml máu như đang áo dụng tại nhiều quốc gia.
Benh.vn – Tổng hợp