Thời gian trẻ thay răng sữa rất quan trọng cho hệ răng vĩnh viễn sau này. Vì vậy, chỉ cần lơ là một chút là hàm răng sữa đều đặn sẽ không còn, thay vào đó là hàm răng vĩnh viễn nhô ra, nhô vào trông rất mất thẩm mỹ. Với những kỹ năng cơ bản dưới đây, hy vọng các bậc cha mẹ sẽ giữ cho các con thân yêu của mình một hàm răng đều, đẹp.
Mục lục
Độ tuổi thay răng sữa ở trẻ (tùy thuộc vào từng loại răng)
Từ 6-7 tuổi: thời điểm thay 2 răng cửa giữa.
Từ 7-8 tuổi: thay 2 răng cửa bên cạnh.
Từ 9-12 tuổi: thay 2 răng nanh.
Độ tuổi thay răng sữa là từ 6 đến 7 tuổi
Từ 9-11 tuổi: thay răng hàm đầu tiên.
Từ 10-12 tuổi: thay 2 răng hàm thứ hai.
Không nên nhổ răng sữa quá sớm so với quy luật tự nhiên
Các bậc cha mẹ có thể căn cứ vào thời gian thay răng cửa, răng nanh, răng hàm của trẻ để thường xuyên kiểm tra răng cho con.
Tuy nhiên, không nhổ răng sữa trước thời điểm thay răng theo qui luật. Nếu răng bị nhổ quá sớm, để một thời gian không có răng sẽ ảnh hưởng đến khả năng ăn, nhai. Nhổ sớm còn khiến cho xương hàm và lợi không phát triển và răng vĩnh viễn sẽ mọc chậm bất thường.
Bên cạnh đó phần lợi không răng để lâu ngày co khít lại sẽ gây đâu đớn cho trẻ khi răng vĩnh viễn mọc lên.
Thời điểm nào nhổ răng sữa là phù hợp nhất
Theo quy luật tự nhiên thì răng sữa sẽ tự lung lay và rụng khi răng vĩnh viễn nhú lên. Nhưng có trường hợp đã đúng thời điểm thay răng, răng vĩnh viễn đã mọc nhưng răng sữa mãi không rụng thì cần phải nhổ răng cho trẻ để tạo “môi trường” cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí.
Độ tuổi thay răng sữa cho trẻ là từ 6 đến 7 tuổi
Mặt khác, trong khoảng thời gian thay răng, khi kiểm tra thấy răng con bị lung lay cha mẹ có thể tự nhổ cho con hoặc đưa con đến bác sỹ nha khoa để thăm khám và nhổ cho trẻ.
Răng vĩnh viễn mọc lệch thì phải làm thế nào?
Đối với một số trường hợp răng vĩnh viễn đã mọc (mọc lẫy) nhưng răng sữa lại chưa được nhổ (do sơ xuất của bố mẹ) nên phải nhổ răng sữa để trả lại khoảng trống đúng vị trí cho răng vĩnh viễn.
Thời điểm này, cha mẹ cần thường xuyên nhắc con dùng lưỡi đẩy răng mới vào vị trí của răng sữa đã bị nhổ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhổ răng sữa rồi thì răng vĩnh viễn sẽ hết bị mọc lệch. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nha sĩ để được tư vấn và nắn răng cho trẻ.
Ngoài ra, trong thời gian mọc răng mới, cha mẹ cần theo dõi và nhắc nhở bé không được mút môi, mút tay, dùng răng cắn vật cứng hoặc lấy tay nghịch các răng mới mọc…
Lời kết
Ở cơ thể con người có 2 hệ răng đó là hệ răng sữa và hệ răng vĩnh viễn. Răng sữa bắt đầu mọc ở tháng thứ 6 (sau khi sinh) và hoàn tất bộ răng sữa (gồm 20 răng) ở tháng thứ 22-24.
Từ thời điểm 6 đến 7 tuổi, các răng cửa sữa bắt đầu lung lay để răng vĩnh viễn mọc lên thay thế và đến 12 tuổi thì hoàn tất việc thay răng. Đến lúc này trẻ đã có 28 răng và đến tuổi trưởng thành (sau 18 tuổi) sẽ có đủ 32 răng như những người bình thường khác.
Vì vậy, để con có một hàm răng vĩnh viễn đều, đẹp, cha mẹ cần lưu ý thời điểm thay răng sữa cho con. Nên cho trẻ đi khám nha khoa 6 tháng/lần. Khi thấy răng con lung lay, cần nhổ bỏ kịp thời, tránh để răng mọc lẫy, chen chúc, cái thò cái thụt… gây ảnh hưởng đến bộ nhai và thẩm mỹ cho trẻ, nhất là bé gái.
Hải Yến – Benh.vn