Sức khoẻ tâm thần được định nghĩa là trạng thái không chỉ không có các rối loạn và dị tật tâm thần mà còn là trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái. Muốn có trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm thần cần phải có chất lượng sống tốt, có được sự cân bằng, hoà hợp giữa cá nhân, người thân và môi trường xã hội. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại, mọi người sẽ không tránh khỏi những lưu ý quan trọng để dự phòng các bệnh rối loạn tâm thần, vốn dĩ ngày càng trở nên phổ biến.
Nguyên nhân rối loạn tâm thần
Hoạt động tâm thần là hoạt động phản ánh thực tại trên cơ sở vật chất là bộ não. Cơ thể con người là một khối thống nhất, hoạt động tâm thần có thể ảnh hưởng đến cơ thể và ngược lại bệnh cơ thể cũng ảnh hưởng đến não. Hoạt động đời sống con người có ảnh hưởng của các yếu tố môi trường – tâm lý – xã hội.
Phương pháp tâm sinh lý xã hội cho rằng những rối loạn tâm thần trên lâm sàng là do những tác động qua lại liên tục của những yếu tố sinh học, xã hội và tâm lý. Dưới đây là những yếu tố gây bệnh quan trọng nhất trong các lĩnh vực sinh học, tâm lý và xã hội. Việc dự phòng và tăng cường sức khoẻ tâm thần cũng được xây dựng trên cơ sở hiểu biết về các lĩnh vực này.
Yếu tố sinh học gây rối loạn tâm thần
Gen
Gen đóng vai trò trung tâm trong việc xác định nguy cơ bị các rối loạn tâm thần có và không có loạn thần. Đã có một số gen được xem là có vai trò trong loạn thần. Sự tương tác giữa gen và môi trường có thể được nhận thấy qua những nghiên cứu các biểu hiện bệnh ở những cặp sinh đôi. Những kết luận rút ra từ những nghiên cứu sinh đôi cũng nhấn mạnh sự phát hiện và can thiệp sớm có thể hy vọng làm giảm cả tỷ lệ và mức độ trầm trọng của bệnh.
Biến đổi cấu trúc não
Sự bùng nổ những tiến bộ của kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và cộng hưởng từ giúp chúng ta có những hiểu biết đáng chú ý về cấu trúc não. Ví dụ, bệnh nhân tâm thần phân liệt có giãn não thất và giảm tỷ trọng ở thuỳ trán. Biến đổi cấu trúc não còn giúp phân biệt những suy giảm nhận thức ở các nguyên nhân khác nhau như bệnh Alzheimer hay bệnh mạch máu.
Biến đổi chức năng não
Những phương pháp ghi hình thần kinh chức năng như chụp cắt lớp vi tính, phóng thích photon đơn (SPECT) và ghi hình cộng hưởng từ chức năng (FMRI) cho những thông tin đặc hiệu hơn qua nghiên cứu về mức độ hoạt động ở những vùng não khác nhau. Hình ảnh không cho biết nguyên nhân của bệnh nhưng hướng chúng ta đến những vùng não đặc biệt cho những nghiên cứu sau này.
Yếu tố nội khoa gây rối loạn tâm thần
Bệnh lý não và những cơ quan có ảnh hưởng gián tiếp lên não có thể gây rối loạn tâm thần. Ngoài ra, thuốc kê đơn hoặc một số thuốc khác cũng có ảnh hưởng lên não và cũng gây rối loạn tâm thần.
Bệnh lý não
Các chấn thương sọ não, các bệnh lý mạch máu, nhiễm trùng – nhiễm độc thần kinh, bệnh thoái triển não đều có thể gây ra những biến đổi về ý thức, nhận thức, cảm xúc và hành vi và cả những triệu chứng loạn thần. Các triệu chứng này nhiều khi còn xuất hiện trước và che mờ các triệu chứng thực tổn não.
Các bệnh lý nội khoa có ảnh hưởng lên não
Một số rối loạn nội tiết có thể gây ra rối loạn tâm thần. Nhiễm độc giáp có thể gây lo âu. Bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến não do nhiều cơ chế như giảm cung cấp máu,… Các bệnh tim mạch, rối loạn chức năng thận, …
Những thuốc có ảnh hưởng lên não
Nhiều loại chất và thuốc khi sử dụng có thể gây ra những triệu chứng tâm thần cấp, mạn và di chứng. Những chất gây phụ thuộc điển hình như rượu, chất gây ảo giác, … có thể gây triệu chứng loạn thần. Thuốc điều trị gây rối loạn tâm thần thường gặp như corticoid, L-dopa, …
Yếu tố tâm lý gây rối loạn tâm thần
Khái niệm về stress bao gồm 2 khía cạnh:
Tình huống stress (sang chấn tâm thần)
Bao gồm tất cả những sự việc, những hoàn cảnh trong các điều kiện sinh hoạt xã hội, trong các mối liên quan phức tạp giữa người và người tác động vào tâm thần, gây ra những cảm xúc mạnh, phần lớn là tiêu cực: sợ hãi, lo lắng, buồn rầu, tức giận, ghen tuông, thất vọng… Stress trở nên bệnh lý khi tình huống stress xuất hiện bất ngờ và quá mạnh hoặc không mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần vượt khả năng chịu đựng của đối tượng gây ra các rối loạn cơ thể, tâm thần và ứng xử gọi là các rối loạn liên quan stress.
Sự tác động hàng ngày
Hàng ngày, hàng giờ mỗi cá thể trong xã hội phải chịu tác động của nhiều loại stress như điều kiện sống khó khăn, làm việc quá tải và căng thẳng, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình… Tuy nhiên, stress có gây bệnh hay không còn phụ thuộc nhiều nhân tố phức tạp. Thành phần gây bệnh của stress là ý nghĩa thông tin chứ không phải là cường độ của stress. Những stress gây xung đột nội tâm, làm cho cá nhân không tìm được lối thoát thường gây bệnh. Sức chống đỡ của nhân cách có ý nghĩa quan trọng.
Các bệnh nhân có các nét nhân cách cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương. Cùng một tình huống stress, tuỳ theo phương thức phản ứng của đối tượng mà có thể biểu hiện bệnh lý khác nhau: lo âu, trầm cảm, khó thở, rối loạn tiêu hoá, cao huyết áp…
Môi trường và nhân cách tác động qua lại, cảm ứng lẫn nhau rất mật thiết, khi cảm ứng những nét tiêu cực có thể gây ra trạng thái bệnh lý tập thể, khi cảm ứng những nét tích cực thì mỗi nhân cách trong tập thể lại được tăng thêm sức mạnh để chống đỡ stress. Cơ thể khoẻ mạnh hỗ trợ tốt cho nhân cách chống đỡ với stress.
Yếu tố xã hội gây rối loạn tâm thần
Tình trạng kinh tế xã hội
Một người thất nghiệp không chỉ bị áp lực về tài chính mà còn dễ mất lòng tin. Đã có những báo cáo về mối liên quan giữa thất nghiệp và bệnh lý tâm thần.
Tuổi và giới
Phụ nữ có tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao hơn nam giới. Ngược lại, nam giới lại dễ bị lạm dụng chất gây nghiện và rối loạn nhân cách chống đối xã hội hơn nữ. Nhiều bệnh lý tâm thần có đặc trưng về tuổi khởi phát. Trầm cảm thường khởi phát sau tuổi dậy thì. Rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt hầu như không gặp ở trẻ em, lứa tuổi thường gặp nhất là 15-25.
Cấu trúc xã hội
Những cấu trúc xã hội hỗ trợ, đặc biệt gia đình, là yếu tố quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Những cấu trúc xã hội này, ngoài gia đình và bạn bè còn gồm nhiều cấu trúc khác bao gồm cả những tổ chức tôn giáo. Những người bị rối loạn tâm thần thường ít có những quan hệ xã hội hơn là những người cùng trang lứa.
Những sự kiện trong đời sống
Trong khi những yếu tố xã hội như đã nói ở trên có ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng thì những sự kiện có tác động lên một cá nhân có tính đặcthù cao hơn. Những ảnh hưởng thực sự của bất kỳ một sự kiện nào không những phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, vào thời gian tác động của sự kiện đó mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của xã hội và những yếu tố khác của từng cá nhân.
Những thảm hoạ chiến tranh và thiên tai có thể dẫn đến những cơn hồi tưởng nhanh lặp đi lặp lại hoặc những hình thức rối loạn tâm thần khác thường chỉ xảy ra ở một số người nào đó mà thôi. Những sự kiện trước đó góp phần vào bệnh cảnh thường là những sự mất mát trong quan hệ cá nhân và cần phải có sự điều chỉnh của xã hội.
Dự phòng bệnh rối loạn tâm thần
Để dự phòng bệnh rối loạn tâm thần, mọi người có thể áp dụng nhiều biện pháp kể sau đây.
Những biện pháp phòng bệnh rối loạn tâm thần tuyệt đối
Đó là những biện pháp nhằm loại trừ các nguyên nhân chính, bảo vệ những người lành mạnh khỏi bị rối loạn tâm thần.
Các biện pháp chủ yếu như:
1) Chống các bệnh nhiễm khuẩn thần kinh nguyên phát và thứ phát, đặc biệt các bệnh nhiễm khuẩn dễ lan truyền rộng như HIV, lao, sốt rét, …; Chống các bệnh nhiễm độc thần kinh và chấn thương sọ não như nhiễm độc rượu, ma tuý, …;
2) Tích cực bảo vệ bà mẹ và trẻ em để mỗi em bé ra đời đều hoàn toàn khoẻ mạnh về mặt thần kinh và tâm thần. Tránh cho bà mẹ khi có thai những sang chấn cơ thể và tâm thần, tích cực chữa những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, …;
3) Rèn luyện nhân cách, tổ chức xã hội và gia đình chống các stress.
Những biện pháp phòng bệnh rối loạn tâm thần tương đối
Đó là những biện pháp áp dụng cho những người đã chịu tác dụng xấu của môi trường, cho những trẻ em bị tổn thương thần kinh trong bào thai hay có yếu tố di truyền và đề phòng tái phát cho những bệnh nhân tâm thần đã thuyên giảm.
Các biện pháp bao gồm:
1) Tổ chức theo dõi những trẻ bị nhiễm khuẩn trong những năm đầu sau khi đẻ, những trẻ có bố mẹ bà con gần bị rối loạn tâm thần, …;
2) Tổ chức lớp học riêng cho những trẻ chậm phát triển về tâm thần hay có rối loạn tính cách, tác phong;
3) Chẩn đoán sớm các rối loạn tâm thần để can thiệp sớm ngay trong giai đoạn bệnh đang còn dễ khỏi, ít hoặc chưa có triệu chứng âm tính;
4) Chú ý theo dõi và hỗ trợ chặt chẽ, hỗ trợ tâm thần cho những người bị bệnh não, sang chấn sọ não, … và người ít nhiều có tổn thương hệ thần kinh trung ương;
5) Đối với những bệnh nhân tâm thần đã khỏi hay thuyên giảm, cần tiếp tục điều trị củng cố và theo dõi lâu dài. Nghiên cứu chế độ lao động và hình thức lao động thích hợp cho từng loại bệnh nhân, chữa các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc mới phát sinh, giúp đỡ giải quyết những sang chấn tâm thần trong cuộc sống, ….
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai