Trong cuộc sống, có những người kém may mắn do khi sinh ra đã không được khỏe mạnh hoặc bị bệnh, tai nạn làm kiếm khuyết đi một số bộ phận trên cơ thể. Vì vậy, họ luôn mong ước có cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Ngày nay, y học phát triển, mong muốn đó đã được đáp ứng một phần bởi có thể cấy ghép, thay thế một số bộ phận trên cơ thể, giúp người bệnh thoát khỏi án tử mà họ không bao giờ dám nghĩ tới…
Tâm sự của người đàn ông tình nguyện ghép đầu
Mới đây nhất, một người đàn ông Nga tên là Valery Spiridonov, 30 tuổi đã trở thành người đầu tiên trên thế giới tình nguyện tham gia một ca cấy ghép đầu. Ông sẽ được gắn đầu của mình vào một thân thể khác để chữa căn bệnh hiếm gặp khiến ông bị trói buộc với chiếc xe lăn.
Ông Valery mắc căn bệnh di truyền quái ác Werdnig-Hoffman (teo cơ tủy sống) nên bị liệt. Những người mắc bệnh này thường không sống quá 20 năm, do vậy sức khỏe của Valery đang xấu đi khá nhanh cho dù ca phẫu thuật có thành công hay không. Vì vậy, ông nghĩ mình sẽ tham gia vào một vụ cá cược có tỷ lệ kèo chênh lệch lớn, nếu thắng sẽ thắng đậm, còn nếu thua cũng chẳng mất bao nhiêu. Đặc biệt, ca phẫu thuật ghép đầu này là một cơ hội mà ông không muốn bỏ lỡ, dù rất sợ.
Ước muốn lớn nhất của ông là được trải nghiệm một cơ thể khỏe mạnh trước khi chết, còn nếu may mắn thì sẽ được sống khỏe mạnh, có thể đi bộ, chạy nhảy như người bình thường.
Những điều tồi tệ hơn cái chết
Mặc dù Spiridonov đã chuẩn bị cho khả năng cơ thể mới sẽ từ chối cái đầu được ghép và anh sẽ chết. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế quan ngại, kể cả khi đã có một cơ thể khỏe mạnh, bệnh nhân ghép đầu vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.
Bác sỹ Hunt Batjer, chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ chia sẻ: “Có những điều còn tồi tệ hơn cả cái chết, và tôi không mong chúng xảy đến với bất cứ ai.” Ông tin rằng nếu tiến hành ca phẫu thuật này, Spiridonov sẽ phải trải qua những cảm giác còn tồi tệ hơn cả cái chết.
Theo ông, vấn đề là việc ghép một cái đầu vào một thân thể khác, bao gồm cả việc nối lại xương sống và các mạch máu là một điều chưa ai từng thử nghiệm, và là một sự điên rồ, có thể dẫn đến hệ quả là bệnh nhân bị điên hoặc mất trí nhớ.
Nhà đạo đức học y tế Jennifer Blumenthal-Barby Đại học Y – Dược Baylor (Houston, Mỹ) cho rằng phần lớn những người được nhận tạng, mô hoặc mặt mới đều suy nghĩ về người đã hiến tặng mình và cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc đối với họ. Bao gồm cả gia đình hay thân nhân của người hiến tặng.
Ý kiến của bà dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý các bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật ghép mặt và nhấn mạnh:“Đó sẽ là một cuộc chuyển biến tâm lý rất mạnh. Người tự nguyện trải qua những cuộc phẫu thuật như vậy phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng và phải có tinh thần thép để vượt qua chuyện này” -.
Còn theo Arthur Caplan, giám đốc đạo đức y khoa thuộc Trung tâm Y tế Langone, đại học New York thì nhận định bác sỹ Canavero là một “gã khùng,” và tin rằng những người cấy ghép đầu “sẽ bị choáng ngợp bởi những sự khác biệt của cơ thể mới và có thể sẽ hóa điên.”
Một ví dụ cho thấy, cách đây 45 năm trước, vào năm 1970, một ca cấy ghép đầu đã được thực hiện với khỉ. Con vật chỉ sống được 8 ngày sau ca mổ, bởi cơ thể mới đã đào thải cái đầu, và con khỉ cũng không thể thở hay cử động vì tủy sống giữa đầu và thân cũng không được ghép chuẩn xác.
Cũng như tất cả những người từng ghép tạng, mô hay bộ phận cơ thể khác, bệnh nhân ghép đầu phải sử dụng thuốc chống đào thải suốt đời và phải trải qua một cuộc chiến gian khổ. Vì vậy, ca phẫu thuật ghép đầu người có thành công hay không thì bệnh nhân vẫn phải đối mặt với những biến chứng không thể lường trước được.
Theo Independent, ca phẫu thuật cấy ghép đầu dự kiến sẽ tiến hành vào năm 2017 do bác sỹ phẫu thuật người Italy Sergio Canavero thực hiện trong vòng 36 giờ, với sự tham gia của 150 bác sỹ và y tá. Do đó, chúng ta hãy cùng chúc ca phẫu thuật thành công để cuộc sống của Valery được cải thiện và y học mở ra một kỷ nguyên mới.
Benh.vn (Tổng hợp)