Cà rốt là một loại củ có nhiều chất đường, vitamin, muối khoáng, đặc biệt là vitamin C và caroten rất tốt cho cơ thể nên được các bà nội trợ sử dụng để chế biến thành các món ăn trong gia đình. Vì vậy, trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt là khi tết đến, xuân về người ta thường thấy cà rốt điểm xuyết trong bát cát canh nấm, sợi đỏ mỏng manh trong đĩa nộm…
Mục lục
Cà rốt mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều cà rốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vậy, sử dụng cà rốt như thế nào là hợp lý.
Tìm hiểu về cà rốt
Cà rốt (danh pháp khoa học: Daucus carota subsp. sativus) là một loại cây có củ, thường có màu vàng cam, đỏ, vàng, trắng hay tía. Phần ăn được của cà rốt là củ, thực chất là rễ cái của nó, chứa nhiều tiền tố của vitamin A tốt cho mắt.
Trong tự nhiên, cà rốt là loại cây sống hai năm, phát triển một nơ chứa lá trong mùa xuân và mùa hè, trong khi đó vẫn tích lũy một lượng lớn đường trong rễ cái to mập, tích trữ năng lượng để ra hoa trong năm thứ hai.
Thân cây cà rốt mang hoa có thể cao tới 1m với hoa tán chứa các hoa nhỏ màu trắng, sinh ra quả, được các nhà thực vật học gọi là quả nẻ.
Tác dụng của cà rốt
- Có chất đường, vitamin và muối khoáng.
- Các khoáng chất và vitamin có trong cà rốt như: thiamin, niacin, vitamin B6, axit folic và mangan.
- Có nhiều vitamin C và caroten là chất tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A rất tốt cho cơ thể.
- Giàu chất xơ, vitamin C, vitamin K và kali.
- Trong 100g cà rốt có: 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g xenluloza, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg caroten…
Lưu ý khi chọn cà rốt
- Cà rốt Việt Nam củ nhỏ, đậm màu, hơi sần có cuống to.
- Cà rốt Trung Quốc củ to và bóng bẩy, màu vỏ nhạt hơn.
- Nên chọn mua những củ cà rốt màu sắc tươi sáng, mịn, cỡ trung bình vì đó là những củ cà rốt ngon và tươi.
Sử dụng cà rốt như thế nào
- Chọn những củ còn tươi, non, màu đỏ da cam.
- Rửa sạch, cạo vỏ, không gọt vỏ sâu (các vitamin và muối khoáng tập trung nhiều ở lớp vỏ ngoài của cà rốt).
- Sử dụng cà rốt làm các món: canh thập cẩm, xào, dưa góp, salad, nấu các món kho với thịt động vật…
- Sử dụng cà rốt làm nước ép, làm mứt…
Lưu ý:
- Chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần.
- Người lớn ăn khoảng 100g cà rốt/lần.
- Trẻ em ăn khoảng từ 30-50g cà rốt/lần.
Tác dụng của cà rốt đối với sức khỏe
Cà rốt chứa nhiều vi chất rất tốt cho sức khỏe, điển hình như lợi ích đối với mắt, với sức đề kháng và da.
1. Cà rốt tốt cho mắt
Cà rốt có nhiều beta carotene – tiền thân của vitamin A, rất tốt cho thị giác (thiếu vitamin A, mắt sẽ không nhìn rõ).
Vitamin A và beta carotene còn có khả năng chữa và ngăn ngừa các chứng viêm mắt, hột cườm mắt, thoái hóa võng mạc…
Cà rốt bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
2. Phòng chống bệnh tim mạch
Cà rốt chứa nhiều beta- carotene, alpha -carotene và lutein-những chất chống oxy hóa, giảm cholesterol hạn chế các bệnh về tim mạch.
Cà rốt cũng giàu chất xơ, vì vậy giúp hàm lượng cholesterol trong máu luôn ở mức thấp nhất.
3. Giải độc, làm sạch gan
Cà rốt là thực phẩm giải độc, làm sạch gan.
Cà rốt giúp giảm mật và chất béo dự trữ trong gan.
4. Ngăn ngừa nhiễm trùng
Cà rốt sống hoặc cà rốt luộc nghiền nát được sử dụng để đắp lên các vết thương trên da để sát khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
5. Tốt cho răng miệng
Ăn cà rốt làm sạch những mảng bám trên răng, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.
Cắn cà rốt làm tăng quá trình sản xuất nước bọt, cân bằng độ axít, chống lại các vi khuẩn gây sâu răng.
6. Làm chậm quá trình lão hóa
Trong cà rốt có Beta-carotene, một chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do. Vì vậy, cà rốt được chị em ép lấy nước uống hoặc xay nhỏ dùng để đắp mặt nạ…. chống lão hóa.
Cà rốt bảo vệ làn da, làm chậm quá trình lão hóa (Ảnh minh họa)
7. Làm đẹp
Cà rốt có chứa chất chống oxy hóa và vitamin A-là những chất giúp cho làn da khỏe mạnh, và rất tốt cho tóc và móng tay .
Ăn nhiều cà rốt có ảnh hưởng đến sức khỏe không
Khi ăn cà rốt nhiều, thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten.
Chất beta-caroten sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây: vàng mắt, vàng da, chán ăn …
Nhập viện do ăn quá nhiều cà rốt
“Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM tiếp nhận bệnh nhi 29 tháng tuổi, tạm trú tại Bình Dương trong tình trạng tím môi, tím tay chân, toàn thân mệt mỏi.
Trước đó, bệnh nhi bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Gia đình cho bé đến khám tại phòng khám tư nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm…Đến ngày thứ 3, thấy bé có dấu hiệu chuyển bệnh nặng, gia đình đưa con đến nhập viện địa phương, sơ cứu thở ôxy sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Khi nhập viện bé ở trạng thái lừ đừ, thở mệt, môi tím, đầu chi tím, nhịp tim nhanh. Qua thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, chụp X quang tim phổi, siêu âm… cho thấy bệnh nhi bị methemoglobin máu.
Ngay lập tức bệnh nhi được cho thở ôxy và dùng thuốc giải độc xanh methylen tiêm mạch liều 1mg/kg. Sau 30 phút tiêm xanh methylen, bé đã bớt tím môi, tay chân hồng hào trở lại sau 1 giờ. Theo lời kể của người nhà, bé thích ăn cà rốt sống và thường xuyên ăn canh súp có cà rốt. Chính vì ăn kéo dài nên bé bị methemoglobin máu do nồng độ chất nitrate có nhiều trong cà rốt mà cha mẹ không biết”.
Lời kết
Cà rốt được coi là một loại thực phẩm vừa rẻ tiền lại có lợi cho sức khỏe. Trong cà rốt có chứa: các loại vitamin, khoáng chất, vitamin A, chất xơ … tốt cho thị giác, hạn chế bệnh tim mạch, thải độc gan, chống lão hóa, làm đẹp da…
Tuy nhiên, khi sử dụng cà rốt, người tiêu dùng nên lưu ý chọn cà rốt Việt Nam: củ tươi, nhỏ, lành lặn, màu đỏ cam…để chế biến món ăn và đặc biệt không nên sử dụng quá nhiều cà rốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe.