Đa phần, những bệnh nhân sau phẫu thuật thường “chán ăn”. Phần vì đau đớn do ảnh hưởng của vết mổ, phần vì mệt mỏi, cơ thể suy nhược do điều trị lâu ngày…
Mục lục
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, chế độ ăn uống để phục hồi sức khỏe, làm liền vết mổ là rất cần thiết và quan trọng, đòi hỏi những người thân trong gia đình phải thực sự khéo léo động viên người bệnh.
Ngoài ra, gia đình cần có những kỹ năng về chế độ ăn uống khoa học, tránh những thực phẩm tối kỵ đối với người bệnh mà nếu vô tình không biết sẽ ảnh hưởng đến vết mổ, khiến vết mổ lâu bình phục hơn.
Vậy, ăn uống khoa học sau phẫu thuật cần đảm bảo những yếu tố nào? Những thực phẩm nào cần tránh sau phẫu thuật?
Thế nào là phẫu thuật?
Phẫu thuật là việc các bác sỹ dùng các phương tiện y khoa để can thiệp vào một bộ phận nào đó trong cơ thể con người.
Phẫu thuật (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn sau phẫu thuật
1. Ăn nhiều chất đạm, đủ chất béo
Chất đạm
Mục đích:
- Ăn nhiều chất đạm giúp cơ thể bổ sung đầy đủ chất, phục hồi sức khỏe và vết mổ mau lành.
Các thực phẩm chứa đạm:
- Các loại thịt nạc như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng gà vịt, chim cút…
- Các loại hải sản bao gồm: cá, tôm, cua…
- Nếu bệnh nhân không thích thịt, phải dùng protein có nguồn gốc thực vật như: đậu phụ, các loại đậu, nhất là đậu nành.
Bổ sung thực phẩm giàu chất đạm, chất béo sau phẫu thuật (Ảnh minh họa)
Lưu ý:
- Các sản phẩm từ sữa là một nguồn protein tốt nhưng có thể gây táo bón nên chỉ cho bệnh nhân sử dụng ở mức độ vừa phải. Nên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp như: sữa gầy, sữa chua, phô mai…
- Sau mổ hệ thống tiêu hóa còn yếu nên không ăn quá nhiều hải sản tránh đầy bụng, tiêu chảy…
- Trường hợp bệnh nhân đang gặp khó khăn trong việc ăn uống, phải xem xét bổ sung chất đạm bằng truyền đạm, uống thuốc đạm dạng viên.
Chất béo
Mục đích:
- Bệnh nhân sau phẫu thuật cần cung cấp đầy đủ chất béo, tuy nên chỉ nên ăn dầu thực vật qua việc chế biến món ăn.
Các loại thực phẩm chứa chất béo:
- Các loại thịt: gà, lợn…
- Hải sản: cá, tôm, cua, ghẹ…
- Các loại quả: quả hạnh, quả bơ…
Lưu ý:
- Hạn chế ăn chất béo từ động vật như: lợn, chó, gà, vịt, nước béo trong nước dùng phở, bún…
2. Ăn các loại thực phẩm chứa Vitamin và khoáng chất
Mục đích:
Ăn trái cây và rau quả tươi chứa chất dinh dưỡng và chất xơ, rất cần thiết để giúp lành vết mổ. Vitamin C trong hoa quả và rau xanh chống ôxy hóa, nâng cao sức đề kháng, làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
Bổ sung những thực phẩm Beta-caroten (chất có ở thức ăn mà cơ thể sẽ biến thành vitamin A) rất quan trọng cho việc hình thành mô sẹo, làm nhanh lành vết thương.
Thực phẩm có nhiều khoáng chất, vitamin giúp làm lành vết mổ (Ảnh minh họa)
Các loại trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất:
- Những thực phẩm giàu vitamin C: cam, bưởi, chanh, rau ngót, dâu tây, kiwi, rau xanh các loại.
- Các thực phẩm chứa nhiều beta-caroten: cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang, bí đỏ…
Lưu ý:
- Nên dùng rau, củ quả tươi là tốt nhất và ăn ở mức độ vừa phải không nên ăn quá nhiều (gây áp lực dạ dày hoặc đau quặn bụng).
3. Ăn các thực phẩm có chất đường và nhiều chất xơ
Mục đích:
- Sử dụng các loại thức ăn chứa chất xơ giúp ngăn ngừa bệnh táo bón, một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật ổ bụng.
Chất xơ hạn chế tình trạng táo bón sau phẫu thuật (Ảnh minh họa)
Các thực phẩm chứa đường và chất xơ:
- Chất đường có trong các loại ngũ cốc được chế biến thông thường như: cơm, cháo, xôi, chè đậu đen, đậu xanh, bánh mì… (nên dùng ngũ cốc thô thay cho ngũ cốc tinh chế: gạo lức, đậu còn nguyên hạt….)
- Thức ăn chứa nhiều chất xơ bao gồm: bánh mì nâu, bánh mì đen làm từ ngũ cốc (bánh mì trắng thường được tinh chế kỹ quá nên không cung cấp nhiều chất xơ).
- Trái cây là một nguồn cung cấp vitamin và chất xơ cho bệnh nhân sau mổ. Các loại trái cây nhiều chất xơ gồm: bưởi, cam, quýt, lê, táo..
Lưu ý:
- Hạn chế tối đa ăn đường kính, bánh kẹo ngọt… vì dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn vết mổ.
- Đối với ngũ cốc chế biến sẵn, khi mua cần kiểm tra nhãn để tránh dùng các loại ngũ cốc có nhiều đường hoặc chất xơ thấp.
- Rau củ quả là nguồn chất xơ dồi dào, nhưng cần nấu chín trước khi ăn (không nên ăn sống)
Giải pháp cho bệnh nhân “khó ăn” sau mổ
Bệnh nhân bị táo bón gây cảm giác không ngon miệng
Phương pháp khắc phục:
- Sử dụng các món ăn giảm táo bón như: súp, cháo, hoa quả, nước ép trái cây…
Bệnh nhân suy nhược, không có nhu cầu ăn
Phương pháp khắc phục:
- Dùng các thức ăn giàu calo như: uống sinh tố có sữa và trái cây, ăn bột đậu trộn lẫn bột protein.. (bệnh nhân tuy ăn ít, nhưng vẫn có thể cung cấp đủ calo cần thiết cho cơ thể)
- Dùng bơ nguyên chất, dùng thức uống đầy đủ calo như nước trái cây, nước chanh, nước cam, nước ép trái cây… uống bất cứ khi nào có thể.
- Chia thành nhiều bữa (từ 6 – 7 bữa/ngày)
Sử dụng bột đậu trộn lẫn protein cho bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh minh họa)
Những thực phẩm cấm kỵ sau phẫu thuật
Những thực phẩm làm tăng quá trình tạo mủ, gây viêm, gây sẹo lồi
- Gây sưng và tạo mủ: sôi, bánh trưng, cơm nếp, thịt gà…
- Gây sẹo lồi: rau muống.
- Khiến vùng da mới bị loang: lòng trắng trứng gà
Những thực phẩm gây ngứa, co kéo da
- Các món ăn gây ngứa: da gà, hải sản…
- Các món ăn dễ gây co kéo da: thịt bò…
Những đồ uống kích thích thần kinh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, lạnh
- Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ: đồ chiên rán, nướng…
- Đồ uống có tính kích thích: cà phê, chè, rượu, bia…
- Các loại gia vị gây nóng như: ớt, hạt tiêu…
- Thực phẩm lạnh như: bắp cải, củ cải trắng, dưa hấu, lê…
Lời kết
Sau phẫu thuật, cơ thể người bệnh suy yếu, trong đó hệ miễn dịch là suy giảm rõ rệt nhất. Vì vậy, để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, làm lành vết thương, gia đình cần đảm bảo một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ rau xanh, dưỡng chất…
Tuy nhiên, nếu “tẩm bổ” quá nhiều hoặc sử dụng những thức ăn không hợp lý sẽ khiến người bệnh đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, cần tránh những thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất đường… những thực phẩm gây ảnh hưởng đến vết mổ như: da gà, cơm nếp,…
ĐHA – Benh.vn