Đã bị bệnh thì bệnh nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người. Tuy nhiên, suy giảm thính lực, khả năng nghe bị hạn chế, đặc biệt là người cao tuổi suốt ngày “hở, hả…” gây phiền hà, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Mục lục
Vậy, nguyên nhân gây giảm thính lực? Những phương pháp nào giúp tăng cường thính lực?
Cơ chế truyền âm thanh
Sóng âm thanh dẫn truyền qua không khí, qua ống tai ngoài để làm rung màng nhĩ. Sự rung của màng nhĩ được truyền đến cơ quan thính giác (ốc tai) thông qua 3 xương nhỏ trong tai giữa. Điều này kích thích các tế bào cảm giác trong ốc tai, sau đó gửi các xung động tới thần kinh thính giác và cuối cùng là não bộ.
Thính giác qua dẫn truyền xương xảy ra khi sóng âm thanh làm các xương của hộp sọ rung động trực tiếp kích thích các cơ quan thính giác (ốc tai) dẫn đến việc nghe thấy.
Thế nào là giảm thính lực
Giảm thính lực là khả năng nghe bị suy giảm dần dần hoặc đột ngột do một hoặc nhiều bộ phận của tai có vấn đề…
Giảm thính lực là khả năng nghe bị suy giảm dần dần hoặc đột ngột
Triệu chứng
+ Gây ù tai, chóng mặt.
+ Gặp khó khăn trong giao tiếp bình thường, đặc biệt là trong môi trường ồn ào.
+ Bệnh nhân không phản ứng lại khi được gọi hoặc nói to hơn bình thường.
+ Tai thường bị đau và chảy nước khi bị nhiễm trùng.
+ Giảm thính lực có thể xảy ra dần dần hoặc đột ngột và ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai…
Nguyên nhân gây giảm thính lực
+ Do thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn: ti-vi, âm thanh nổi, máy móc, giao thông, máy hát, MP3… trong thời gian dài gây tổn thương các mô mềm của tai trong.
+ Do ảnh hưởng từ tai nạn lao động, giao thông…
+ Do sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng đến thính giác.
+ Do cơ thể lão hóa (người cao tuổi).
+ Do di truyền…
Suy giảm thính lực do thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn…
Các loại giảm thính lực
Điếc dẫn truyền
Nguyên lý: điếc dẫn truyền xảy ra khi sóng âm thanh không thể truyền đi bình thường từ môi trường ngoài đến ốc tai vì các vấn đề có thể xảy ra ở ống tai ngoài, màng nhĩ, xương tai giữa hoặc không gian tai giữa.
Nguyên nhân:
+ Do tắc nghẽn ống tai ngoài do sáp/ráy tai, vật lạ hoặc nhiễm trùng (viêm khoang tai ngoài).
+ Do thủng màn nhĩ: thường là do chấn thương hoặc nhiễm trùng mãn tính.
+ Do xương tai giữa bị lệch, tổn thương hay cố định (xương búa, xương đe hoặc xương bàn đạp) do chấn thương hoặc bệnh mãn tính ăn mòn xương theo thời gian hoặc chứng xơ cứng tai làm các xương tai bị cố định.
+ Do viêm tai giữa là bệnh nhiễm trùng tai giữa thường đi kèm với tụ dịch trong không gian tai giữa.
Điếc thần kinh thính giác
Nguyên lý: điếc thần kinh thính giác do cơ quan thính giác (ốc tai) hoặc dây thần kinh thính giác bị tổn thương.
Nguyên nhân:
+ Do lão hoá (presbycusis – giảm thính lực do tuổi già).
+ Do tiếp xúc cấp tính và mãn tính với tiếng ồn lớn có thể gây thiệt hại cho các tế bào cảm giác trong ốc tai.
Giảm thính lực do lão hóa
+ Do nhiễm trùng tai trong bởi vi rút và vi khuẩn như quai bị, bệnh sởi và cúm.
+ Do bệnh Meniere là nguyên nhân gây ù tai, mất thính lực và chóng mặt.
+ Do u dây thần kinh số VIII, một khối u ở dây thần kinh tiền đình, nằm ở gần các dây thần kinh thính giác và ảnh hưởng đến chức năng của nó.
+ Do sử dụng những loại thuốc độc hại đối với tai (Một số thuốc làm tổn thương các dây thần kinh thính giác hoặc các tế bào cảm giác trong ốc tai: thuốc kháng sinh aminoglycosides (gentamicin, vancomycin), thuốc lợi tiểu frusemide, Antineoplastics (thuốc ung thư)…
Phương pháp giúp tăng cường thính lực
Lối sống
+ Bảo vệ đôi tai (nút bông vào tai) khi làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn.
+ Hạn chế nghe nhạc có cường độ âm thanh cao: quán ba, vũ trường.
+ Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, tránh stress.
+ Đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ 1 năm/lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh…
Sử dụng thuốc (theo chỉ định của bác sỹ)
+ Sử dụng các loại thuốc tăng tưới máu vi mạch, tăng cung cấp ôxy cho các tế bào thần kinh, tăng cường dưỡng chất nuôi dưỡng thần kinh tai, các chất chống ô xy hóa, chống viêm nhiễm, để tăng sức khỏe cho tai, tăng cường thính lực cho đôi tai.
+ Dùng thuốc bổ thận, các thuốc hoạt huyết, phá ứ huyết để tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường các dưỡng chất nuôi dưỡng thần kinh tai, từ đó giúp tăng cường thính lực của tai.
+ Dùng các thuốc tiêu sưng viêm, giảm đau, tiêu độc giúp loại trừ các viêm nhiễm ở tai.
Sử dụng thiết bị trợ thính
Sử dụng máy trợ thính để cải thiện chức năng nghe cho người suy giảm thính lực
+ Khuếch đại âm thanh từ môi trường và truyền đến ống tai ngoài.
+ Các thiết bị hiện đại rất nhỏ được đặt hoàn toàn trong ống tai.
Lưu ý: các tác dụng phụ từ việc đeo thiết bị trợ thính bao gồm cảm giác tắc (bị tắc nghẽn trong tai), dội âm và nhiễm trùng tai.
Cấy ghép thính giác (có hai loại chính)
+ Cấy tai giữa được sử dụng ở bệnh nhân đã thử dùng máy trợ thính nhưng không thể sử dụng hoặc không có tác dụng.
+ Cấy ghép ốc tai được sử dụng cho bệnh nhân bị điếc do thần kinh thính giác ở mức độ vừa phải đến nghiêm trọng.
Lưu ý: cấy ốc tai được sử dụng trong cả khoa nhi và người trưởng thành.
Lời kết
Giảm hoặc mất thính lực là hiện tượng thường gặp ở người cao tuổi. Theo tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 40% người trên 65 tuổi bị giảm thính lực do bộ phận dẫn truyền âm thanh thoái hóa hoặc bộ phận thần kinh dẫn tín hiệu nghe lên não bị ảnh hưởng.
Thính lực giảm sút khiến người cao tuổi sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tình trạng này đang ngày càng gia tăng không những ở những người cao tuổi, mà ở cả người trẻ tuổi do lối sống, do môi trường…
Vì vậy, để bảo vệ thính giác chúng ta cần: hạn chế nghe âm thanh ở cường độ lớn, bảo vệ tai (nút bông) khi làm việc thường xuyên ở các khu công nghiệp, chế xuất (nơi có tiếng ồn lớn), sử dụng các loại thuốc tăng cường thính lực, khám sức khỏe định kỳ 1 năm/lần …để kịp thời phát hiện và điều trị chứng suy giảm thính giác.
Benh.vn