Mùa đông là mùa bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em Bắc bộ. Mặc dù trẻ em đều được cha mẹ chăm sóc, bao bọc kỹ, tuy nhiên, bệnh vẫn rất phổ biến. Vậy, có gì sai lầm trong cách chăm sóc trẻ mà cha mẹ thường mắc trong mùa đông? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu.
Mục lục
Trẻ rất dễ bị bệnh trong mùa đông (ảnh minh họa)
Các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa đông
- Cảm lạnh.
- Ho, sốt nhẹ.
- Viêm họng.
- Viêm mũi dị ứng.
- Viêm tiểu phế quản, suyễn.
- Viêm phổi…
Sau đây là những sai lầm phổ biến của cha mẹ khi chăm sóc trẻ trong mùa đông!
Ủ ấm cho trẻ quá mức
Để ủ ấm cho trẻ trong mùa đông, cha mẹ luôn nhồi nhét cho trẻ với đủ loại quần áo dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ.
Đặc biệt, thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn vì vậy chúng sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi…Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Vì vậy, trong mùa đông, tùy vào thân nhiệt và sự hiếu động của từng đứa trẻ, cha mẹ cần chọn cho con những loại quần áo phù hợp.
Không cho trẻ ra ngoài đường
Do tâm lý e ngại trẻ ra đường bị lạnh nên khi trời trở lạnh, phần lớn cha mẹ để con ở trong phòng kín. Tuy nhiên ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, việc cho trẻ ra ngoài tắm nắng rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời là vào khoảng 9h-10h sáng và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều từ 15h-17h. Đặc biệt, các trò chơi vận động giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm.
Mùa đông cho trẻ ra ngoài trời từ khoảng 9 đến 10h hoặc 15h-17h để tắm nắng
Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, bố mẹ cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hồi không thấy quá nóng, dạy trẻ cách tự lau mồ hôi cho mình để tránh cảm lạnh.
Sử dụng điều hòa, máy sưởi với tần suất cao
Nhiều gia đình cứ đến mùa đông là đóng kín cửa phòng 24/24h để giữ ấm cho con. Tuy nhiên, nếu đóng kín cửa sẽ khiến không khí trong phòng ngột ngạt, thiếu oxy, khiến cơ thể mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, cha mẹ chỉ cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp với nhiệt độ khoảng 28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa là tốt nhất.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình lạm dụng các loại thiết bị sưởi ấm như điều hòa, máy sưởi sẽ khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, nhất là máy sưởi sẽ khiến khô mũi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây khó thở ở trẻ em.
Vì vậy, trong mùa đông khi sử dụng điều hòa, máy sưởi cha mẹ cần chuẩn bị một chậu nước trong phòng, trước khi cho con ra ngoài nên mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột.
Tắm, vệ sinh cho trẻ bằng nước quá nóng
Vì trời lạnh nên bố mẹ rất ngại cho trẻ tắm, hoặc nếu tắm cũng dùng nước rất nóng vì sợ trẻ bị lạnh. Tuy nhiên, đối với người lớn, khi cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C (cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ).
Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa chân cho con bằng nước quá nóng sẽ gây ảnh hưởng đến vòm bàn chân.
Vòm bàn chân có tác dụng làm cho chân chuyển động mềm mại khi bé bước và chạy, bảo vệ mạch máu và dây thần kinh ở gan bàn chân. Vì vậy, dùng nước nóng để rửa hoặc ngâm chân cho bé sẽ khiến dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, từ đó chân bé sẽ trở nên “bẹt”, lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường.
Để bụng bé bị nhiễm lạnh
Trẻ nhỏ nào cũng vậy, khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng…Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến đau bụng hoặc tiêu chảy…Tuy nhiên không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con…
Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi (loại chăn riêng có phéc mơ tuya để bảo vệ bụng không bị nhiễm lạnh) và đi bít tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.
Phương pháp bảo vệ sức khỏe khoa học
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ đúng mức, không nên mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ đổ mồ hôi và bị nhiễm lạnh trở lại.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung các thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin cần thiết.
- Hạn chế tiếp xúc nguồn lây, không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
- Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng như tay nắm cửa, vòi nước, bàn ghế…
- Kiểm soát thời gian ra đường của trẻ, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá…
- Đối với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.
- Ngoài ra, đối với trẻ đang bị bệnh, cần tuân thủ theo đơn thuốc bác sĩ đã kê, không tự ý ngưng thuốc khi thấy trẻ đã ngớt bệnh.
Lời kết
Sinh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con mình được hưởng những điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên trong một vài trường hợp (mặc quá nhiều quần áo, không cho trẻ ra ngoài trời, sử dụng điều hòa 24/24h cho trẻ…trong mùa đông) những tác dụng đó không những không phù hợp mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như ho, sốt, viêm họng, viêm phổi…
Hải Yến – Benh.vn