Trong khi đội ngũ các nhà khoa học trên thế giới liên tục nghiên cứu tạo ra những loại vắc xin mới để điều trị bệnh cho con người thì có một thực tế song hành là các loại dịch bệnh nguy hiểm cũng tiến triển ngày càng phức tạp, thách thức ngành y tế và loài người.
Mục lục
Trong tương lai, để bảo vệ sức khỏe, con người phải đối mặt với những khó khăn gì? Câu trả lời chưa có lời giải đáp hoàn hảo, tuy nhiên hãy tìm về cội nguồn những thách thức đã hiển hiện trong năm 2014.
Nhiễm trùng kháng thuốc
Bản tính tự nhiên của vi khuẩn và vi rút là tiến hóa và dần kháng lại các thuốc được phát minh để điều trị những bệnh do chúng gây ra. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã đẩy nhanh tốc độ của sự tiến hóa này bằng việc lạm dụng các thuốc kháng sinh khi không cần thiết, không dùng đủ liệu trình điều trị theo đơn bác sĩ, vi phạm các qui trình kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện…
Nhiễm trùng kháng thuốc
Từ trước tới nay, việc sản xuất kháng sinh chỉ được thực hiện khi các loại thuốc cũ trở nên kém hiệu quả. Theo thống kê, kể từ năm 1987 đến nay không có khám phá mới nào về một nhóm kháng sinh thực sự khác biệt.
Ngược lại, có một thực tế là sức khỏe của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào kháng sinh như: bị thương tích, viêm họng, bệnh lây qua đường tình dục…đến ung thư, ghép tạng, thay khớp, hoặc biến chứng thai sản…Vì vậy, các chính phủ đã bắt tay vào việc đẩy nhanh nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng này. Nhiều đáp ứng của Mỹ và quốc tế đã được lên kế hoạch trong năm 2015. WHO sẽ xuất bản “Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng sinh” vào tháng 5/2015.
Ấn phẩm The O’Neill Review ở Anh sẽ công bố các phát hiện của mình, dựa trên những kết quả sơ bộ cho thấy kháng kháng sinh sẽ khiến có thêm ít nhất 10 triệu người chết mỗi năm (hơn cả số tử vong tăng thêm do ung thư) và khiến kinh tế thế giới tổn thất 100 nghìn tỉ đô la đến năm 2050.
Vì vậy, việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến những thảm họa khôn lường cho ngành y tế thế giới.
Hiểm họa nếu tái diễn Ebola
Năm 2014 đã ghi dấu vụ dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử và lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự lây lan ra khắp thế giới của vi rút chết người này. Hậu quả mà dịch bệnh để lại khiến hàng nghìn người đã bỏ mạng và bao nhiêu vấn đề khác không dễ gì khắc phục: người dân mất việc làm do hậu quả của Ebola, trẻ em không được đi học, nạn khan hiếm thực phẩm lan rộng…
Dịch bệnh còn gây tổn thất chưa từng có cho hệ thống y tế ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hàng trăm bác sĩ và y tá đã chết, mà đây lại là những nước vốn đã không có nhiều các nhân viên y tế.
Trong cuộc khủng hoảng Ebola, người dân đã không nhận được những dịch vụ y tế cần thiết, bao gồm tiêm chủng trẻ em và chăm sóc thai sản… Vì thế cộng đồng y tế thế giới cần thống nhất xung quanh việc ngăn ngừa thiệt hại do dịch bệnh này, điều còn chưa thực hiện được sau khi sự lây lan của dịch bệnh được ngăn chặn ở ba nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong năm 2015, các công ty thuốc đang ráo riết phát triển vắc xin và thuốc điều trị để đưa ra những loại thuốc hoặc sản phẩm phòng bệnh chưa từng có ra thị trường. Vì vậy, ngay khi thuốc hoặc vắc xin đầu tiên diễn ra thành công trong các thử nghiệm lâm sàng, nó sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian kỷ lục.
Bên cạnh đó, Tổng thống Barack Obama đã ký một dự luật cho phép công ty phát triển liệu pháp có triển vọng được ưu tiên xem xét bởi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ, đồng nghĩa với việc đơn xin cấp phép sẽ được xử lý nhanh chóng. Đây là một sáng kiến lớn để tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu cách điều trị Ebola.
Chương trình phát triển quốc tế – ưu tiên y tế toàn cầu
Mặc dù nạn dịch Ebola đã trôi qua nhưng vấn đề phát triển quốc tế vẫn tiếp tục duy trì với sự ra đời của những mục tiêu phát triển bền vững mới và được Liên Hiệp Quốc cùng 193 nước thành viên đặt ra như một lộ trình tiến tới thế giới mà chúng ta mong muốn.
Lộ trình này sẽ thay thế cho các Mục tiêu thiên niên kỷ vốn đã định hướng những ưu tiên hỗ trợ quốc tế từ năm 2001. Khuôn khổ phát triển mới sẽ hình thành nhờ quá trình tham vấn toàn cầu rộng rãi nhất từng được Liên Hiệp Quốc tiến hành.
Chương trình phát triển y tế toàn cầu
Các thông kê cho thấy, số tiền tài trợ từ các chính phủ và các nhà tài trợ cho y tế đã tăng gấp 5 lần, từ 5,82 tỷ đô la năm 1990 lên 31,3 tỷ đô la năm 2013. So với năm 1990, tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm 47%, tỷ lệ tử vong mẹ giảm 45%, và sự lây lan của HIV/AIDS, sốt rét và nhiều bệnh khác bắt đầu được đẩy lùi…
Cuộc khủng hoảng thay đổi khí hậu
Tính cấp bách của việc định hình cơ chế điều phối đối với thay đổi khí hậu đang ngày càng lớn. Sự hiện diện của các khí nhà kính đang cao hơn bao giờ hết, và tốc độ phát thải của chúng tiếp tục tăng lên.
Theo Tổng giám đốc WHO, đây là một vấn đề của sức khỏe toàn cầu. “Tràn ngập các bằng chứng cho thấy thay đổi khí hậu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đã có những giải pháp và chúng ta cần hành động quyết liệt để thay đổi thảm kịch này.”
Đã có rất nhiều cuộc họp và thỏa ước trên quy mô quốc tế diễn ra. Tuy nhiên, trên thực tế, các thỏa ước như vậy có thực sự làm giảm mức độ khí nhà kính hay không thì còn đang gây ra tranh cãi. Theo một tổng kết gồm 90 nghiên cứu đánh giá tác động định lượng cho thấy các thỏa ước này có kết quả không đồng nhất.
Trong năm 2015, tất cả những điều này sẽ cần thay đổi theo cách nào đó. Cho dù thỏa thuận chính trị tại COP 20 ở Lima được thực thi triệt để, thì nó vẫn sẽ không đảo ngược được mức độ nóng lên của trái đất mà các nhà khoa học cho biết là sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.
Y học thực chứng sẽ dựa trên bằng chứng
Có một thực tế rất đáng sợ về y học đương thời, và bất kỳ ai làm trong ngành y đều biết đó là sự thực: kết quả của rất nhiều thử nghiệm lâm sàng đã tiến hành không bao giờ được đưa ra ánh sáng.
Nếu các nhà nghiên cứu không thích kết quả mà họ thu được, hoặc công ty thuốc gặp phải những kết luận không tốt, số liệu sẽ không cần phải công bố – và không ai trong chúng ta, những người đang sử dụng các thuốc và thiết bị khác nhau, biết được. Điều này có nghĩa là toàn bộ bằng chứng dành cho y học luôn bị sai lệch.
Y học thực chứng sẽ dựa trên bằng chứng
Tuy nhiên, theo một kế hoạch mới được Bộ Y tế Mỹ đề xuất tháng 12/2014, các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng sẽ phải đăng ký vào một cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng lớn nhất thế giới (clinicaltrials.gov) trong vòng 3 tuần sau khi đăng ký đối tượng nghiên cứu đầu tiên, và cũng báo cáo tóm tắt kết quả – cho dù kết quả thế nào. Kế hoạch này, nếu được phê duyệt, sẽ làm tăng mạnh dữ liệu thu được trong cơ sở dữ liệu.
Tương tự, kết quả báo cáo của Viện Y học Mỹ về việc chia sẻ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng sẽ có trong năm 2015, và nó được kỳ vọng là sẽ chứa đựng những hướng dẫn rất quan trọng về cách thức chia sẻ dữ liệu cấp độ bệnh nhân từ các thử nghiệm lâm sàng.
Vì vậy, việc chia sẻ dữ liệu từ tất cả các bên – các nhà quản lý, cộng đồng khoa học, các trường đại học, các tạp chí, ngành công nghiệp dược sẽ là vấn đề vô cùng quan trọng giúp đưa các cuộc thử nghiệm lâm sàng ra khỏi bóng tối và sẽ cải thiện mọi quyết định cần được đưa ra trong y học.
Hải Yến – Benh.vn (tổng hợp)