Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh tế, sức khỏe và đời sống xã hội của người bệnh. Bệnh lao gây ảnh hưởng đến sức khỏe do bản thân vi khuẩn lao cư trú và gây tổn thương các cơ quan, có thể gây những biến chứng nguy hiểm như ho ra máu ở mức độ nặng làm tổn hại sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Mục lục
Đối phó với tình hình bệnh lao tại Việt Nam
Việt Nam luôn lọt vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng lao cao nhất thế giới. Đây là một thách thức bởi những người bệnh lao đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc thường bỏ ngỏ phác đồ điều trị. Không còn thuốc chữa sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.
Bên lề Hội nghị Triển khai áp dụng thuốc mới và phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Việt Nam được tổ chức vào ngày 25/11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia chia sẻ nhiều vấn đề xung quanh phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc chính thức được áp dụng tại Việt Nam từ tháng 11/2015. Theo phác đồ mới, người bệnh lao kháng thuốc chỉ điều trị trong 9 tháng thay vì kéo dài 19 – 24 tháng như phác đồ cũ.
Việt Nam có thể nói là một trong những nước chuẩn bị sớm nhất cho áp dụng thuốc chống lao mới, phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc.
Thực trạng bệnh lao tại Việt Nam
Tỷ lệ mắc hàng năm
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho biết về tình hình bệnh nhân mắc lao tại Việt Nam: Mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên chúng ta mới chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây là điều đáng lo ngại, bởi những người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguy cơ lây lan bệnh lao ra cộng đồng. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam làm sao phấn đấu phát hiện được hết bệnh nhân lao và tiến hành điều trị đúng cho họ. Đây chính là cách giảm tỷ lệ kháng thuốc.
Hiện nay bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ảnh hưởng đến cộng đồng nhất tại Việt Nam. Sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc đang là mối đe dọa hàng đầu cho công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
So với các nước khác
Theo Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam xếp vào 14/27 nước có tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao. Vừa qua, sau điều tra về tình hình bệnh nhân lao kháng thuốc cho thấy thấy tỷ lệ kháng thuốc của việt Nam không ít. Nếu xét trên phạm vi toàn cầu năm 2015, có 20 nước được đánh giá có tỷ lệ lao kháng thuốc cao Việt Nam đứng thứ 11. Mỗi năm nước ta có hơn 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc mới, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc.
Đây là một thực trạng rất đáng báo động. Hiện nay, tỷ lệ điều trị lao kháng thuốc thành công cao (70%) nhưng hiệu quả điều trị với bệnh nhân lao đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc chỉ đạt khoảng 7%. Vì thế, mỗi năm có khoảng 550 bệnh nhân không có phác đồ điều trị hiệu quả, y học cũng bó tay bởi vi khuẩn lao kháng tất cả các loại thuốc hiện có. Người bệnh lao không còn thuốc chữa sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong và sẽ là một nguy cơ lây truyền lớn với cộng đồng.
Cơ hội mới cho bệnh nhân
Hiện nay, Việt Nam triển khai đưa thuốc lao và phác đồ điều trị mới vào là một cơ hội mới cho những bệnh nhân lao kháng thuốc. Phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn như thế nào so với phác đồ cũ, vấn đề này đã được Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung chia sẻ : Thuốc lao mới để giải quyết những trường hợp bệnh nhân lao siêu kháng thuốc. Bên cạnh đó, những trường hợp lao đa kháng thuốc nhưng không dung nạp thuốc hiện tại thì cũng là các đối tượng phải dung thuốc mới. Ngoài ra, có những bệnh nhân không kháng hai loại thuốc cơ bản, chỉ kháng một loại đã có nguy cơ không điều trị được, nay có thể dùng loại thuốc mới để điều trị.
Trước đây, phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc vẫn là 20-24 tháng, đây là thời gian quá dài. Chính vì thời gian điều trị quá dài như vậy nên đã có rất nhiều bệnh nhân không theo được. Phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc rút ngắn xuống còn 9 tháng đã được thí điểm, kiểm nghiệm và Việt Nam bắt đầu đưa vào áp dụng sẽ mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi cho bệnh nhân trong điều trị. Với phác đồ này bệnh nhân được rút ngắn quá một nửa thời gian điều trị so với phác đồ cũ.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
Ưu thế của Việt Nam
Cũng theo Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung: May mắn, Việt Nam thuộc danh sách các nước được tài trợ thuốc chống lao mới nên cơ hội người bệnh được tiếp cận điều trị sẽ tốt hơn. Mặc dù vậy, với những quy định của Luật Dược, để áp dụng những thuốc mới, phác đồ điều trị mới đòi hỏi những nguyên tắc nghiêm ngặt. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể nói là một trong những nước chuẩn bị sớm nhất cho áp dụng thuốc chống lao mới.
Triển khai
Hiệu quả điều trị phác đồ 9 tháng ở các nước đã triển khai, hiệu quả tốt, đạt trên 80%. Kết quả điều trị cho thây bệnh nhân dung nạp tốt, tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn có thể kiểm soát được. Hiện nay, kế hoạch để triển khai với phác đồ chín tháng sẽ được chúng tôi áp dụng cho 100 bệnh nhân đầu tiên, sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả để rút tiếp kinh nghiệm, đánh giá xem mở rộng như thế nào. Nếu áp dụng tốt sẽ thay thế phác đồ 9 tháng cho phác đồ cũ.
Kinh phí
Về chi phí điều trị phác đồ mới, không tốn kém bằng phác đồ cũ. Chi phí điều trị của phác đồ 9 tháng, số thuốc mua sẽ ít hơn (tất nhiên có một số loại thuốc mới) giá thành rẻ hơn phác đồ hiện tại. Điều quan trọng nhất là số ngày điều trị thấp hơn, tiết kiệm được chi phí gián tiếp. Bên cạnh đó, với bệnh nhân, họ được hưởng lợi khi chi phí trực tiếp mua thuốc, trang thiết bị rẻ hơn phác đồ hiện tại. Đây là điều thuận lợi khi vừa tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và thời gian của hệ thống giám sát y tế.
Nguy cơ đáng lo ngại
Hiện nay, một thực tế đáng lo ngại khi có đến 30% bệnh nhân lao ngoài cộng đồng chưa được phát hiện, kiểm soát bệnh. Các bác sỹ khuyến cáo những người có các triệu chứng ho, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, dùng các loại thuốc kháng sinh thông thường không đỡ, nên đến khám, xét nghiệm chuyên khoa lao để được phát hiện và điều trị sớm. Tránh gây lây truyền nguồn bệnh cho cộng đồng.