Viêm phế quản cấp tính nếu tiến triển nhiều đợt sẽ gây ra tổn thương nặng nề cho hệ hô hấp, nặng hơn là dẫn đến viêm phế quản mạn tính. Để tránh xảy ra tình trạng này, các bậc phụ huynh nên trang bị kiến thức về các phương pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa viêm phế quản tái phát ở trẻ.
Mục lục
Trẻ bị viêm phế quản như thế nào?
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm của khí quản và đường hô hấp trong phổi. Thông thường, khi các đường dẫn khí bị kích ứng hoặc nhiễm trùng, lớp niêm mạc bị viêm, có thể dẫn đến ho dai dẳng, lâu dài kéo theo toàn bộ hệ thống hô hấp cũng như phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân thường do vi-rút.
Hầu hết các trẻ không cần phải đi khám bác sĩ khi bị viêm phế quản cấp tính, vì nhiễm trùng gây ho thường biến mất sau hai đến ba tuần, cùng với các triệu chứng khác.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phế quản
- Khói thuốc lá.
- Sức đề kháng thấp.
- Tiếp xúc với các chất kích thích trong công việc.
- Trào ngược dạ dày.
- Môi trường sống chật chội, thiếu nước sạch.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng viêm phế quản phổ biến nhất ở trẻ em là ho và tăng tiết đờm. Ban đầu là ho khan, về sau sẽ tiết nhiều đờm có màu trắng khi trẻ mới nhiễm vi-rút, nếu đờm chuyển màu vàng là một dấu hiệu cho thấy trẻ đã bội nhiễm vi khuẩn.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau đầu nhẹ: các cơn đau đầu âm ỉ kết hợp với mệt mỏi toàn thân làm trẻ khó chịu.
- Sốt nhẹ: trẻ sốt 37.5 đến 38°C, hiếm khi sốt cao đến 39 – 40°C; khi sốt dưới 38.5°C không cần dùng thuốc hạ sốt mà nên chườm khăn ấm và lau người cho trẻ.
- Viêm họng: trẻ sẽ cảm thấy ngứa rát cổ họng, khám thấy họng đỏ, không có mủ khi chưa bội nhiễm vi khuẩn.
- Đau nhức hoặc đau thắt ngực: nhất là khi ho hoặc thở gắng sức, tình trạng này cũng ít khi xảy ra.
- Thở khò khè, khó thở: đường dẫn khí trong phổi bị viêm và phù nề, xuất tiết đờm làm tắc nghẽn khiến không khí khó lưu thông.
- Cảm thấy mệt, nhức mỏi cơ thể: kết hợp các triệu chứng trên làm trẻ trở nên mệt mỏi.
- Nếu trẻ bị viêm phế quản mãn tính thì sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường để hồi phục sau cảm lạnh và các bệnh hô hấp thông thường khác. Thở khò khè, khó thở và ho có thể trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày.
- Hít thở có thể trở nên ngày càng khó khăn.
- Ở những trẻ mắc bệnh hen suyễn, cơn viêm phế quản có thể xuất hiện đột ngột và kích hoạt các triệu chứng khác như tức ngực, khó thở, thở khò khè… dẫn đến cơn suy hô hấp cấp, cần phải đưa ngay đến bệnh viện để xử trí.
Phòng ngừa viêm phế quản
- Một số biện pháp có thể được thực hiện để phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em.
- Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với môi trường có khói thuốc, chất gây ô nhiễm và bụi bẩn.
- Cần dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, mở cửa sổ để căn nhà thông thoáng, khô ráo.
- Khăn trải giường, thảm, đồ chơi và các vật dụng thường xuyên được sử dụng phải được rửa sạch, phơi khô dưới ánh sáng mặt trời hoặc hút bụi đều đặn.
- Cha mẹ cần quan tâm giữ ấm phòng, mặc quần áo ấm cho trẻ vào mùa đông.
- Rửa tay thường xuyên là một biện pháp đã được chứng minh không những ngăn ngừa nhiễm trùng dẫn đến viêm phế quản mà còn tránh được nhiều bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng tiêu hóa.
- Đối với trẻ nhỏ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn dặm thích hợp trong những tháng tiếp theo, tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ để hệ miễn dịch của trẻ phát triển hoàn thiện.