Quá trình cai sữa nên bắt đầu từ từ, không nên chấm dứt việc bú của trẻ một cách đột ngột. Các mẹ có thể chủ động rút ngắn thời gian và cường độ cho trẻ bú, để tránh những sang chấn bất lợi đối với tâm lý của trẻ sau này.
Cai sữa từ từ
Ví dụ trước đây mỗi ngày bạn cho bé bú khoảng từ 7 – 8 lần/ngày mỗi lần khoảng 5 phút thì nay hãy rút xuống còn 3 – 4 lần/ngày mỗi lần khoảng 3 phút, rồi từ từ cắt hẳn. Thay các bữa bú bằng những thức ăn khoái khẩu của trẻ, chú ý khen ngợi và động viên trẻ.
Chú ý thời điểm
Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm.
Tuyệt đối không cho bú lại
Không nên cho trẻ bú lại dù trẻ lèo nhèo vì nếu các bà mẹ vì thương con mà nhượng bộ thì việc cai sữa sẽ không thành công. Những lần cai sau sẽ khó khăn hơn nữa. Chú ý không nên cho trẻ sờ ti bởi việc này sẽ gợi cơn thèm bú và tạo thói quen xấu cho trẻ.
Lựa chọn nguồn thức ăn bổ sung
Khi bắt đầu ngưng không cho trẻ bú nữa, các mẹ cần kết hợp cho trẻ ăn ngoài bằng các loại sữa thay thế thông thường như sữa bột, sữa hộp, sữa đặc hay sữa bò (chỉ nên áp dụng phương pháp này sau khi trẻ đã lớn trên 1 tuổi).
Khi cho bé ăn dặm cần chế biến những món ăn thật mềm, nhỏ như cháo loãng hay bột, vừa tốt cho tiêu hóa và sự phát triển răng của trẻ vừa loại trừ những nguy cơ bị hóc, nghẹn (Đối với trẻ nhỏ).
Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Nên thay đổi các loại thực phẩm cho bé để tạo cảm giác hứng thú khi ăn. Cần chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của trẻ khi cai sữa để trẻ không bị thiếu chất.
Benh.vn