Với mong muốn giúp các bệnh nhân bị liệt có thể hoạt động trở lại, mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một phương pháp phẫu thuật mới có thể mang lại một phần cử động ở cánh tay và bàn tay của những bệnh nhân bị liệt do tổn thương dây thần kinh đốt sống cổ…
Qua đó, các nhà khoa học đã áp dụng thử nghiệm phương pháp phẫu thuật cấy ghép tế bào thần kinh trên 9 bệnh nhân bị liệt toàn thân. Kết quả, các bệnh nhân đều có những dấu hiệu phục hồi chức năng cử động của tay và bàn tay sau khi phẫu thuật.
Được biết, trong phương pháp mới này, các nhà phẫu thuật sẽ tái cấu trúc lại các tế bào thuộc hệ thần kinh ngoại vi (peripheral nerves) trong cánh tay và bàn tay của những bệnh nhân bị liệt bằng cách nối các tế bào thần kinh khỏe mạnh với những tế bào bị tổn thương.
Nhà vật lý học Michael Bavlsik đang chứng minh cho Bác sĩ phẫu thuật Ida Fox rằng mình có thể cầm nắm lại được đồ vật
Điều đặc biệt nhất của phương pháp này chính là hệ thần kinh mới được tạo ra sẽ tái tạo những tín hiệu liên lạc giữa não bộ và bắp thịt. Khiến cho bệnh nhân có thể lấy lại một phần chức năng hoạt động và tự mình thực hiện một số công việc đơn giản như tự ăn uống hoặc cầm bút để viết.
Kết quả khả quan
Theo Ida K. Fox, giáo sư trong lĩnh vực phẫu thuật tái định hình cho biết“Thực tế, phương pháp phẫu thuật cấy ghép tế bào thần kinh giúp cải thiện dần dần chức năng cử động của tay và bàn tay. Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ nhặt này lại có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của các bệnh nhân”. “Một trong các bệnh nhân của tôi nói rằng ông ấy đã có thể nhặt lên được một sợi phở mà ông ấy làm rơi trên ngực. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân này không thể cử động thậm chí là một ngón tay”.
Các bó dây thần kinh mềm (Soft nerve bundles) tạo thành hệ thần kinh tủy sống ở người. Chúng có chức năng như một trung tâm điều khiển các hoạt động vật lí của cơ thể bằng cách liên lạc trao đổi các tín hiệu thần kinh với não bộ. Bó dây thần kinh ở cổ nằm trong 7 đốt sống, kí hiệu từ C1 đến C7.
Các nhà khoa học hiện đang cố gắng phát triển phương pháp phẫu thuật cấy ghép tế bào thần kinh nhằm phục hồi hoàn toàn khả năng cử động của bệnh nhân.
Phương pháp mới có thể thực hiện trên bệnh nhân bị tổn thương cột sống
Một trong những ảnh hưởng tồi tệ nhất mà bệnh nhân bị tổn thương cột sống phải chịu là họ không thể điều khiển được chức năng bài tiết của mình. Nguyên nhân là do cột sống bị tổn thương nên não bộ không thể liên lạc được với các dây thần kinh ở vùng thân dưới. Do đó bệnh nhân sẽ không có cảm giác hay như cầu cần được bài tiết. Bệnh nhân sẽ phải gắn các ống thông đại tiểu tiện, sống hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của người nhà và y tá.
Phương pháp cấy ghép tế bào thần kinh có thể áp dụng đối với bệnh nhân bị tổn thương cột sống
Phương pháp phẫu thuật mới này có thể thực hiện được trên cả những bệnh nhân bị tổn thương cột sống đã nhiều năm. Thời gian phẫu thuật kéo dài trong 4 giờ và bệnh nhân có thể về nhà vào sáng hôm sau.
Các bác sĩ phẫu thuật sẽ nối các dây thần kinh ở vùng bắp tay với những dây thần kinh bị tổn thương ở cánh tay và bàn tay của bệnh nhân. Thông thường, phương pháp này sẽ có hiệu quả cao ở những bệnh nhân tổn thương ở đốt sống cổ C6 hoặc C7. Phương pháp sẽ không có tác dụng ở những bệnh nhân mất hết toàn bộ chức năng do tổn thương sâu ở các đốt sống C1 đến C5.
Bằng cách lần dò dọc theo hệ thần kinh cột sống, các bác sĩ sẽ nối các tế bào thần kinh khỏe mạnh – thông thường ở vai và khuỷa tay – vào vùng bị tổn thương trong cánh tay và bàn tay. Sau khi việc cấy ghép được hoàn thành, bệnh nhân sẽ trải qua gia đoạn điều trị vật lý mở rộng nhằm luyện tập cho não bộ nhận ra được những tín hiệu thần kinh gửi về từ vùng mới được cấy ghép. Quá trình này sẽ kéo dài từ 6-18 tháng.
Kết quả của phương pháp phẫu thuật cấy ghép tế bào thần kinh sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Nhưng một khi các tế bào thần kinh đã liên kết được với nhau, bệnh nhân sẽ có những tiến bộ chậm rãi nhưng hiệu quả và chắc chắn.
Được biết, phương pháp này là kết quả của hơn 25 năm nghiên cứu trong lĩnh vực cấy ghép tế bào thần kinh và tổn thương thần kinh. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu những bước phát triển hoàn thiện.
Tổng hợp