Phương pháp sử dụng vòng đai cố định (TOT, TVT) là gì ?
Theo bác sĩ Trackoen Gauthier (chuyên khoa Tiết niệu Bệnh viện Việt Pháp, Hà nội), hiện có khoảng 150 phương pháp mổ phổ biến trên thế giới cho các bệnh nhân thuộc bệnh lý này.
Mục lục
Tuy nhiên, vấn đề là phương pháp nào tối ưu nhất? Ra đời ở Thụy điển năm 1995, phương pháp TVT (Tension free Vaginal Tape) là phương pháp hữu hiệu đầu tiên, và sau đó, từ năm 2000, phương pháp TOT (Trans Obsuratrice Tape) được cải biến từ TVT, ưu việt hơn đang áp dụng rộng rãi ở Pháp, Mỹ, Anh, v.v…, và được đánh giá là phương pháp hữu hiệu nhất trong điều trị ngoại khoa bệnh són tiểu khi gắng sức ở phụ nữ.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với són tiểu gắng sức
Như trên chúng tôi đã đề cập, TVT và TOT là 2 phương pháp đơn giản, hiệu quả và ít gây hại (micro- invasive) trong việc điều trị bệnh són tiểu gắng sức ở phụ nữ. Sự ra đời của nó tuy chỉ mới trong vài năm, nhưng đã làm đảo lộn chiến lược điều trị ngoại khoa bệnh lý són tiểu khi gắng sức ở phụ nữ trên
Thế giới. Nó thay thế các phẫu thuật nặng nề vào vùng khung chậu (Burch, Marshall- Marcheti). Đây là phương pháp đem lại hiệu quả kinh tế – y tế rất cao với số ngày nằm điều trị ngắn, chi phí ít (Giá của TVT bằng 1/3 giá của phẫu thuật Burch; rẻ hơn so với chi phí điều trị nội khoa són tiểu không tự chủ trong 1 năm; và chỉ bằng 1/60 mức giá nếu sử dụng phương pháp sử dụng cơ thắt nhân tạo ). Người bệnh cần biết rằng, tình trạng són tiểu khi gắng sức dù có bị nặng cũng hoàn toàn có thể điều trị khỏi với giải pháp TVT và TOT.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Việt Pháp HN, thì phương pháp mổ TVT hoặc TOT được dùng chỉ định trong các trường hợp són tiểu gắng sức đã điều trị nội khoa không kết quả; són tiểu gắng sức có phối hợp với sa sinh dục và một số trường hợp són tiểu do bàng quang không ổn định…
Mổ theo phương pháp TVT hoặc TOT như thế nào?
Bằng biện pháp gây tê tại chỗ, qua một vết trích nhỏ ở thành trước âm đạo, một dải băng tổng hợp (Bandelette prolène) được đưa vào bọc quanh phần sau niệu đạo nhằm tạo ra một vùng đệm tựa chắc chắn thay thế cho vòng cơ đã rão yếu. Khi gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo lên vùng này làm bịt tắc lòng niệu đạo tránh được són tiểu gắng sức.
Thủ thuật kéo dài chỉ trong vòng 30 phút. Thời gian nằm viện 24 giờ. Đây là một phẫu thuật nhẹ nhàng , không cắt cơ vùng bụng và tầng sinh môn, ít gây sang chấn và ít đau. Kết quả lại rất ấn tượng: Trên bàn mổ, ngay sau khi đặt xong dải băng là bệnh nhân đã hết són tiểu. Phẫu thuật không hề ảnh hưởng tới sinh hoạt tình dục, cũng như sức khỏe của người bệnh. Sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, đương nhiên phải tránh những hoạt động thể lực quá nặng như gánh vác, chơi thể thao trong 2 tuần và kiêng sinh hoạt tình dục trong vòng 1 tháng…
Cũng chỉ sau 1 tháng bệnh nhân sẽ phải tới khám lần lần cuối để biết chắc là đã hết són tiểu, không hề có biểu hiện đái khó cũng như không có ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
Người bệnh chỉ phải uống kháng sinh trong vài ngày để tránh nhiễm trùng vết mổ.
Riêng về dải băng trong vài ngày đầu có thể sẽ làm bạn có cảm giác hơi vướng, song cảm giác đó sẽ mất đi nhanh chóng sau vài ngày. Bởi lẽ, dải băng là loại vật liệu tổng hợp được dùng rất phổ biến trong phẫu thuật, nó rất bền theo thời gian và được dung nạp tốt trong cơ thể, không hề gây bất kỳ một phải ứng nào…
Benh.vn (Theo Hanoi moi)