Viêm tai giữa là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Khi trẻ bị viêm tai giữa nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến đời sống sau này. Vậy, có phương pháp nào để phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ?
Mục lục
Triệu chứng viêm tai giữa
Dịch trong tai giữa đọng nhiều, thúc ép lên màng nhĩ gây đau tai. Vì vậy, trẻ lớn có thể kêu đau tai, còn trẻ nhỏ có thể kéo giật tai, hoặc có biểu hiện khó chịu và khóc nhiều hơn bình thường.
Tư thế nằm, nhai và bú có thể gây ra những cơn đau do sự thay đổi áp suất trong tai giữa. Vì vậy, trẻ có thể ăn ít hơn hoặc khó ngủ.
Trẻ kêu đau tai, giật tai, tai chảy dịch là nguyên nhân trẻ tới khám tai
Nếu áp suất từ dịch tích tụ quá nhiều có thể làm thủng màng nhĩ, dẫn tới rò rỉ dịch trong tai. Hiện tượng này sẽ làm giảm áp suất dưới màng nhĩ, khi đó trẻ sẽ bớt đau hơn.
Chất dịch đọng trong tai giữa có thể gây cản trở đường truyền âm thanh, dẫn tới tình trạng khó nghe tạm thời như: không có phản ứng với âm thanh yếu, nói to hơn, mất tập trung khi ở trường…
Một số triệu chứng khác của dạng viêm tai giữa cấp là sốt, buồn nôn, nôn, hoa mắt và chóng mặt…
Vì sao trẻ em lại dễ bị viêm tai giữa
Trẻ em dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn vì cấu tạo vòi nhĩ của trẻ ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn so với người lớn nên vi khuẩn và các chất dịch ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa.
Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, niêm mạc đường hô hấp bao gồm niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản… ở trẻ lại cực kỳ nhạy cảm nên dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, dẫn đến tiết xuất dịch, gây ứ đọng nhiều ở hòm tai, gây viêm tai.
Đặc biệt, tình trạng viêm amidan phổ biến ở trẻ cũng dễ dẫn đến bệnh viêm tai giữa.
Bệnh viêm tai giữa nguy hiểm như thế nào
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng hướng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gồm:
- Thủng màng nhĩ không liền.
- Viêm tai xương chũm mãn tính.
Viêm tai giữa dẫn đến: thủng màng nhĩ không liền, viêm tai xương chũm mãn tính…
- Xuất ngoại mủ (sưng đỏ hoặc rò mủ sau tai).
- Viêm màng não.
- Áp xe não…
Phương pháp phòng tránh
- Cách phòng bệnh tốt nhất là cho bé bú mẹ để tận dụng nguồn kháng thể trong sữa.
- Giữ gìn vệ sinh mũi họng cho bé, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng.
- Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa.
- Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu quá (nước sẽ chảy vào tai giữa, gây viêm).
- Điều trị dứt điểm viêm mũi họng và viêm amidan cho trẻ (nguyên nhân gây viêm tai giữa).
Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu để tận dụng kháng thể trong sữa mẹ
- Đặc biệt khi nghi ngờ trẻ bị viêm tai cần đưa trẻ đến bác sỹ chuyên khoa để điều trị, không tự ý điều trị cho bé.
Lưu ý: Viêm tai giữa là căn bệnh hay tái phát vì thế trẻ cần được thường xuyên theo dõi ở các cơ sở chuyên khoa.
Lời kết:
Viêm tai giữa ở trẻ em là một căn bệnh rất dễ mắc và hay tái phát, vì vậy cha mẹ cần chú trọng đến việc phòng bệnh cho bé.
Những nguyên tắc cần thiết để bảo vệ tai cho trẻ là giữ gìn vệ sinh mũi họng, điều trị dứt điểm viêm mũi họng, khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai..Tuy nhiên, một điều cực kỳ quan trọng nhưng cũng rất tốt cho thính lực của trẻ là cho trẻ bú đủ 6 tháng đầu sau sinh để nhận được kháng thể trong sữa mẹ…