Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh lý gây đau đớn, khó chịu ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Đau dây thần kinh liên sườn gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi trung niên, người hoạt động thể thao quá mức thường hay mắc phải.
Mục lục
Vậy, nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn? Phương pháp khắc phục bệnh đau dây thần kinh liên sườn như thế nào?
Thế nào là bệnh đau dây thần kinh liên sườn?
Đau dây thần kinh liên sườn là những cơn đau kéo dài hoặc từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau có nguyên nhân hoặc không có nguyên nhân.
Tìm hiểu về hệ thống dây thần kinh liên sườn
– Thần kinh liên sườn là các dây thần kinh xuất phát từ đoạn tủy ngực D1 – D12.
– Rễ thần kinh tủy ngực sau khi qua lỗ ghép chia thành hai nhánh: nhánh sau (còn gọi là nhánh lưng) chi phối cho da và cơ lưng; nhánh trước (còn gọi là nhánh bụng) chi phối cho da, cơ phía trước bụng và ngực, đây chính là dây thần kinh liên sườn.
– Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch, thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn.
– Do đặc điểm dây thần kinh liên sườn nằm rất nông nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Hệ thống dây thần kinh liên sườn (Ảnh minh họa)
Biểu hiện của bệnh
– Những cơn đau kéo dài xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn.
– Đau ngực: đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế.
– Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải, có thể có điểm đau.
Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
- Do lạnh.
- Do vận động sai tư thế.
- Do vận động quá sức
Lưu ý:
- Bệnh nhân đau có thể nhầm với bệnh lý của phổi.
- Da và các cơ quan vùng đau thường không có biểu hiện tổn thương.
Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát
- Do bệnh lý tổn thương ở đốt sống: thoái hóa cột sống, lao cột sống, ung thư cột sống…
- Do bệnh lý tổn thương tủy sống: u rễ thần kinh, u ngoại tủy.
- Do chấn thương cột sống: gãy cột sống, trật cột sống… chèn ép lên dây thần kinh.
- Do nhiễm khuẩn: cúm, lao, thấp khớp, nhiễm vi-rút Herpes Simplex gây bệnh Zona thần kinh.
- Do các bệnh về: phổi, màng phổi, đái tháo đường, nhiễm độc kim loại chì, viêm đa dây thần kinh…
Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát do các bệnh lý về cột sống… (Ảnh minh họa)
Phương pháp điều trị
Dùng thuốc giảm đau
Các loại thuốc: paracetamol, diclofenac… (lưu ý sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ).
Dùng thuốc chống co giật
Nhóm gabapentin, có tác dụng chống co giật, giảm đau.
Dùng thuốc giãn cơ
Myonal, mydocalm… (giảm đau, giảm co rút vùng sườn bị tổn thương, giãn cơ).
Sử dụng các nhóm vitamin
Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 giúp chuyển hóa các tế bào thần kinh và khôi phục tế bào bị tổn thương.
Phong bế cạnh sống lưng (do bác sĩ chuyên khoa thực hiện).
Phương pháp phòng bệnh
- Vận động đúng tư thế.
- Không chơi thể thao quá sức.
- Điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn.
- Phòng tránh loãng xương.
- Tránh chấn thương.
- Không lạm dụng thuốc corticoid.
- Phát hiện sớm biểu hiện của bệnh.
- Khi có biểu hiện đau tức ngực, đau mạng sườn cần đến bác sĩ để được khám và xác định nguyên nhân.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: bổ sung đầy đủ chất đạm, đường, béo, hoa quả chín…
Tránh chấn thương, loãng xương… để phòng bệnh co cơ liên sườn (Ảnh minh họa)
Lời kết
Đau thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý thường gặp. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên: thoái hóa cột sống, ung thư cột sống, chấn thương cột sống… gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Ngày nay, y học đã tìm ra nhiều phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, để phòng bệnh chúng ta cần vận động đúng tư thế, chọn những môn thể thao phù hợp, tránh chấn thương, loãng xương, bảo vệ cột sống… đặc biệt cần phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh để điều trị kịp thời.
Benh.vn