Viêm da cơ địa là một loại bệnh thường phát tác vào mùa đông, khi thời tiết hanh khô. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Vậy, phương pháp ngăn ngừa căn bệnh “khó chịu” này như thế nào?
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema là một dạng viêm da dị ứng mạn tính. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số trường hợp bệnh có thể xuất hiện ở người lớn.Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, có thể chỉ đơn giản là các đám khô da mất sắc tố, nhưng cũng có thể biểu hiện rất nặng như đỏ da toàn thân.
Viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ em và một số người trưởng thành
Nguyên nhân gây bệnh
+ Do cơ địa.
+ Do môi trường sống (bụi bẩn trong không khí, ô nhiễm nguồn nước…)
+ Do dị ứng với thời tiết, nước, hóa chất, thuốc, ký sinh trùng, lông chó, mèo hoặc một số thực phẩm như trứng, tôm, cua…
+ Do di truyền (ông, bà, bố, mẹ bị viêm da dị ứng hoặc bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mề đay…)…
Đặc điểm của bệnh viêm da cơ địa
Bệnh thường phát triển khi trời lạnh, hanh khô
Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa thường có bất thường về tính chất của da. Viêm da có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh, khô hanh bệnh phát triển mạnh. Da thường có nốt sần, ban đỏ, mụn nước. Mụn nước kết hợp lại thành từng mảng gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh
Gãi, ngứa, mất ngủ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày
Viêm da cơ địa thường kèm theocác cơn ngứa có lúc âm ỷ, có lúc lại bùng phát. Đặc biệt về đêm các cơn ngứa dữ dội hơn khiến người bệnh không tự kiềm chế dẫn đến cào cấu, gãi vô tội vạ gây chảy máu da. Những vùng da bị trầy xước, chảy máu dễ bị nhiễm khuẩn gây lở loét, mưng mủ và khiến cho lớp da bị dày lên. Ngoài da,viêm da cơ địa còn khiến da bị nứt nẻ, có khi không gãi cũng gây chảy máu.
Gãi, ngứa về đêm, gây mất ngủ ảnh hưởng đến đời sống thường ngày
Các vị trí điển hình của viêm da là sau tai, má, chân tay…
Vị trí hay gặp khi bị viêm da cơ địa là sau tai, má, cằm, mạng sườn, tay, chân. Ở những người bệnh có hệ thống miễn dịch hoạt hóa mạnh thì da ở vùng đó khô, ngứa, nứt và đỏ ửng. Đồng thời da ở vùng viêm luôn luôn có hiện tượng đóng vảy, bong vảy.Viêm da dị ứng có thể có cơn kịch phát do bệnh tiến triển nhanh, gặp dị ứng nguyên phức tạp. Bệnh không lây nhiễm thành dịch nhưng thường hay tái phát.
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Khi trên cùng một cơ thể bị viêm da cơ địa kèm theo nhiễm khuẩn thì có thể làm lây lan nhiều vị trí khác trên cơ thể. Viêm da cơ địa có thể gây viêm da thần kinh, thậm chí gây biến chứng ở mắt do dị ứng xảy ra ngứa trong và xung quanh mí mắt có thể gây viêm kết mạc…
Phương pháp phòng tránh viêm da cơ địa
+ Khi nghi ngờ bị viêm da cơ địa, cần cho người bệnh đi khám chuyên khoa da liễu, nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
+ Luôn giữ cho da sạch sẽ, cắt móng tay và đi găng tay để da không bị trầy xước dẫn đến nhiễm khuẩn do gãi.
+ Nên mặc các loại quần áo vải mỏng, mềm, thấm mồ hôi và không có khả năng gây dị ứng.
+ Tắm, vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày bằng nước ấm (không nên dùng nước quá nóng).
Mùa đông không tắm nước quá nóng để hạn chế ngứa ngáy do viêm da cơ địa
+ Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để hạn chế mắc bệnh viêm da dị ứng.
+ Không nuôi động vật trong nhà, nhất là mèo, chó.+ Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, thận trọng khi dùng mỹ phẩm.
+ Cẩn thận với món ăn lạ…
Lời kết
Nếu ai đã từng bị viêm da cơ địa, phải chịu cảnh suốt đêm không ngủ vì ngứa, rồi cào, gãi đến toạc da, chảy máu thì mới hiểu được những phiền toái của căn bệnh này.
Đặc biệt, viêm da cơ địa thường hay tái phát khi thời tiết lạnh, hanh, khô.Để bảo vệ da, phòng tránh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ hoặc người trưởng thành, khi thấy ngứa kéo dài, đặc biệt là ở các vị trí sau tai, má, cằm…tạo thành những nốt sần, ban đỏ…cần đưa người bệnh đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám để điều trị. Vệ sinh da sạch sẽ, không tắm nước quá nóng khiến da bị khô và càng gây ngứa hơn. Đặc biệt không tự ý mua thuốc để uống, bôi, tránh các hậu quả xấu có thể xảy ra…